Nông dân "cắn răng" chặt bỏ thanh long
Từ một "cây làm giàu", thanh long đang khiến nông dân tại Bình Thuận đối mặt với bài toán khó "chặt bỏ để chuyển đổi hay giữ lại để tiếp tục cầm cự".
- 17-03-2022Giá giảm mạnh, người trồng thanh long ở Bà Rịa
- 28-02-2022Thanh long nghịch vụ rớt giá thê thảm, đỏ mắt tìm người mua
- 22-02-2022Thị trường tiêu thụ thanh long vẫn phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc
Dọc kênh nước sông Quao kết nối từ hồ thủy lợi Sông Quao (huyện Bắc Bình) về huyện Hàm Thuận Bắc mỗi năm vào mùa sản xuất thanh long nghịch vụ luôn sáng rực ánh đèn để kích thích cây ra hoa. Năm nay, giá thanh long liên tục xuống thấp nên không còn nhiều nhà vườn mặn mà sản xuất. Mùa chong đèn nghịch vụ năm ngoái, ông Phạm Kim Lâm (thôn 2, xã Thuận Minh, huyện Hàm Thuận Bắc) sản xuất 3 vụ thì cả 3 đều gặp thời điểm giá thấp, chỉ còn 1.000-3.000 đồng/kg, khiến ông lỗ hơn 100 triệu đồng. Vụ đèn năm nay, ông không dám chong tiếp. Ngược lại, ông và con trai đang tự tay phá bỏ 1.000 trụ thanh long để trồng rau màu vì không trụ nổi. "Trước mắt tôi phá 1.000 trụ, còn 600 trụ vẫn giữ để theo dõi tình hình thử. Phần diện tích đã phá cũng chưa quyết định trồng cây gì nhưng giữ lại thì "nuôi" không nổi vì tiền phân thuốc rất tốn kém" - ông Phạm Kim Lâm nói.
Tại xã Hàm Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam), anh Nguyễn Thế Anh phải cho xe múc vào nhổ 3.000 trụ thanh long đang trong giai đoạn ra trái sung nhất. Ba lứa chong đèn gần nhất, số thanh long này đều cho trái đạt hiệu quả, tuy nhiên, giá bán không lứa nào ở mức trên 5.000 đồng/kg khiến anh lỗ nặng. "Trước mắt cứ nhổ hết 3.000 trụ này, rồi trồng mít, mãng cầu hay dừa xiêm gì đó rồi tiếp tính để xen canh, chứ giữ thanh long không nổi nữa. Riêng chi phí nhổ bỏ thanh long cũng đã lên đến 200 triệu đồng" - anh Thế Anh buồn rầu nói.
Xe múc đang phá dỡ vườn thanh long 3.000 trụ đang tuổi cho trái của anh Nguyễn Thế Anh
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tỉnh Bình Thuận xác nhận đã manh nha việc nông dân tự chặt bỏ cây trồng, một thời mệnh danh là "cây làm giàu" này. Tại huyện Hàm Thuận Bắc, 1 trong 2 vùng thanh long trọng điểm của Bình Thuận (cùng với huyện Hàm Thuận Nam), nhiều nông dân tại các xã Hàm Chính, Hàm Đức, Hàm Hiệp, Hàm Thắng… đã phá bỏ cây trồng này với diện từ 100-360 ha. Thống kê ban đầu, toàn huyện có khoảng 1.500 ha thanh long bị phá bỏ từ đầu năm 2021 đến nay.
Theo tiến sĩ Trần Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn Kinh tế Hợp tác (thuộc Trường Cán bộ Quản lý NN-PTNT II - Bộ NN-PTNT), cây thanh long đã qua thời hoàng kim. Theo ông, thị trường nhập khẩu trái thanh long chính của nước ta là Trung Quốc cũng đang phát triển mạnh loại cây này cả về diện tích lẫn sản lượng, dẫn đến tình trạng dội hàng. Nếu năm 2010, Trung Quốc mới chỉ có 11.000 ha thanh long thì đến nay diện tích đã tăng lên 53.000 ha. Số diện tích này đã tiệm cận tổng diện tích trồng thanh long của Việt Nam, là hơn 64.000 ha. Vì vậy, thời điểm nông dân Trung Quốc vào sản xuất vụ hè thì họ đã có thị trường trong nước nên nhập khẩu ít đi. Ngay cả những nước gần chúng ta, như Campuchia cũng đã phát triển diện tích cây thanh long 3.200 ha từ 5 năm trước lên thành 12.800 ha. "Hơn 10 năm trước, nước bạn gần như phụ thuộc hoàn toàn vào trái thanh long của mình nên giá bán tại vườn có lúc trên 20.000-30.000 đồng/kg. Nay sản lượng của họ đã lớn hơn mình (Trung Quốc sản xuất 1,6 triệu tấn thanh long/năm, so với khoảng 1,3 triệu tấn của Việt Nam) nên có thể nói là thanh long không còn hoàng kim như ngày xưa" - tiến sĩ Trần Minh Hải cho biết.
Việc trái thanh long dội hàng, giá thu mua bấp bênh kéo dài khiến người nông dân thật sự lâm vào cảnh khó khăn. Thực tế, không ít trường hợp đã lựa chọn chặt bỏ cây trồng nhiều tâm huyết này, bởi họ không đủ nguồn lực để tiếp tục dù có người chặt bỏ rồi chưa biết tái đầu tư gì.
Người lao động