Nông dân Hội An thu đô la nhờ xịt nước hoa, bôi phấn cho… trâu để làm du lịch
Những năm gần đây, nhiều nông dân ở Hội An (Quảng Nam) đã “phất” lên nhờ việc nuôi trâu làm du lịch. Hoạt động du lịch đồng quê này đang được nhiều du khách, đặc biệt là người nước ngoài yêu thích.
- 14-02-2021The Diplomat: Đâu là yếu tố chính giúp Việt Nam có cơ hội lớn hơn trong phục hồi hậu Covid-19?
Từ xa xưa, con trâu đã gắn bó mật thiết với người nông dân Việt Nam. Khi nhắc đến con trâu, người ta thường nghĩ đến hình ảnh sự lam lũ, nghèo khó, quanh năm cày bừa, phục vụ việc canh tác
Thế nhưng, tại phố cổ Hội An (Quảng Nam), những năm qua, con trâu đã giúp người nông dân giàu lên theo một cách rất đặc biệt
Nắm bắt được nhu cầu của du khách thích trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa lúa nước Việt Nam, nhiều nông dân ở Hội An đã dùng con trâu để làm du lịch, phát triển kinh tế gia đình
Anh Trần Văn Khoa - Giám đốc Công ty Jack Trần Tours - người đầu tiên tại Quảng Nam sáng tạo ra loại hình du lịch độc đáo này cho biết, việc đưa trâu vào du lịch đã giúp cải thiện đời sống người nông dân.
Hiện, trâu được dùng để làm tour xe trâu, cưỡi trâu, dạy du khách cày, bừa. Từ khi đưa loại hình du lịch này vào phục vụ, hằng ngày công ty đều nhận được yêu cầu đặt tour, hầu hết là khách nước ngoài
Hiện anh Khoa đang hợp tác với 30 nông dân nuôi trâu tại Hội An. Khi có khách, công ty sẽ đưa người tới và số tiền kiếm được sẽ được trả theo thỏa thuận với chủ trâu
Thời gian đầu, chỉ có vài người dùng trâu làm du lịch, dần dần đã có nhiều doanh nghiệp hợp tác với nông dân để cùng làm. Bây giờ, số trâu tham gia làm du lịch tại Hội An đã lên tới cả trăm con
Để phục vụ du khách, người dân Hội An thường có những ruộng mạ nhỏ ở góc vườn. Du khách sẽ được hướng dẫn điều khiển trâu cày ruộng, trải nghiệm làm nông
Theo các du khách nước ngoài, việc được cưỡi trâu, cày ruộng là một trải nghiệm rất thú vị và xa lạ vì ở nước họ không có việc làm này
Là một trong những nông dân "đổi đời" nhờ làm du lịch bằng con trâu, ông Lê Viết Nhiên (trú P. Cẩm Châu, Hội An) cho biết, hiện đàn trâu của ông có 20 con vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp vừa đáp ứng nhu cầu trải nghiệm đồng quê cho du khách
Ông Nhiên tiết lộ, để trâu có thể dạn dĩ, không sợ người lạ, ông phải huấn luyện từ lúc còn nhỏ bằng các phương pháp cổ truyền tập cho trâu làm quen với các khẩu lệnh đứng lên, ngồi xuống. Đến khi trâu hơn hai tuổi thì tập cày bừa đi đứng, hò, dí, thá...
Đặc biệt, do loài trâu thường hay dị ứng với mùi nước hoa của khách Tây nên ông và những người nông dân làm du lịch khác đã nghĩ ra cách xịt nước hoa và bôi phấn trang điểm cho trâu để tập cho chúng ngửi quen mùi
Sau đó, tập cho trâu làm quen với các khẩu lệnh đứng lên, ngồi xuống, hay cày, đi... rồi mới phục vụ du khách trải nghiệm
Một bạn trẻ thích thú khi lần đầu được trải nghiệm cưỡi trâu
"Nghề này cho thu nhập cao gấp 20 lần so với việc trồng lúa, lại khá nhàn hạ. Trước khi dịch COVID-19 bùng phát, hằng ngày tôi có thể phục vụ đến 2, 3 đoàn khách, thu nhập mỗi tháng lên đến hàng chục triệu đồng. Cuộc sống của gia đình tôi đã khấm khá lên cũng nhờ đàn trâu này", ông Nhiên thật thà tiết lộ
Được biết, gần 1 năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến ngành du lịch Hội An đang gặp khó khăn do thiếu vắng khách quốc tế
Hiện, nông dân Hội An đang thay đổi các phương thức phục vụ để thu hút khách nội địa đến với loại hình du lịch bằng trâu
"Covid-19 đang khiến ngành du lịch bị ảnh hưởng nặng, nhưng tôi tin sau khi dịch được khống chế thì du khách sẽ lại tìm đến Hội An để trải nghiệm các sản phẩm du lịch cộng đồng độc đáo.
Hiện, việc nuôi trâu làm du lịch đang đi đúng theo hướng du lịch cộng đồng sinh thái, văn hoá, bền vững và có lợi cho người dân của TP. Hội An. Người nông dân có thể làm giàu từ con trâu, cái cày và trên chính thửa ruộng của họ", anh Trần Văn Khoa chia sẻ.
Trí thức trẻ