Nông dân lao đao vì áp lực giá phân bón
Trong khi giá xăng dầu, giá than thế giới giảm thì giá than trong nước lại đột ngột tăng, kéo theo giá phân bón tăng cao. Nghịch lý này sẽ tạo cơ hội cho phân bón giả hoành hành. Cuối cùng người nông dân là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
- 10-12-2016"Cởi trói" cho than, phân bón, sữa, bia, dầu thực vật từ 20-1-2017
- 01-11-2016Thận trọng áp thuế phòng vệ thương mại cho phân bón
Nông dân bối rối vì giá phân bón tăng
Bước vào vụ sản xuất mới năm nay, nông dân tỉnh Thái Bình đang hoang mang khi hay tin giá phân năm nay lại tăng. Bà Khiếu Thị Oanh, xã Phú Xuân, thành phố Thái Bình cho biết, tháng 2 tới là bắt đầu vào vụ mùa mới, nếu giá phân tăng cao gia đình chắc chắn phải tính cách “cấy chay” hoặc sử dụng ít phân hơn để tiết kiệm chi phí. “Chỉ tính riêng mẫu ruộng, riêng tiền bón lót, bón thúc đã mất hơn triệu đồng”, bà Oanh nói.
Cùng trong xã Phú Xuân, ông Đinh Văn Hùng lo lắng: Giá phân bón tăng lên, chắc chắn phân bón giả sẽ càng hoành hành. Cuối cùng mọi hậu quả đều đổ lên đầu người nông dân. Không chỉ ảnh hưởng đến năng suất cây trồng trước mắt, phân bón giả còn khiến đất mất dinh dưỡng, ảnh hưởng nặng đến những vụ sau.
Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Ngô Đại Ngọc, hiện nay phân vô cơ đang chiếm 90% thị phần phân bón. Nếu có tăng giá, chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất của người nông dân. Đặc biệt trong bối cảnh phân bón giả đang tràn lan trên thị trường. “Người nông dân ham rẻ lao vào sử dụng phân bón không nguồn gốc, phân bón giả, như thế người nông dân và cả những công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ là những đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất”, ông Ngọc nói.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Lại Xuân Môn, Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam khẳng định, đã nắm được thông tin về giá phân bón tăng. Theo ông Môn, hiện nay nông dân đang gặp nhiều khó khăn do nhiều mặt hàng nông sản như sắn, khoai tây… không tiêu thụ được. Nếu thêm chi phí phân bón sẽ khiến người nông dân quá tải. “Chúng tôi đã gửi kiến nghị về giá phân bón, đảm bảo sản xuất cho người nông dân”, lãnh đạo TƯ Hội Nông dân khẳng định.
“Gáo nước lạnh” vào ngành phân bón
Nguyên do của việc tăng giá phân bón là việc Bộ Tài chính cho phép Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) tăng giá bán than. Việc tăng giá bán với nhiều mặt hàng từ ngày 8/11/2016 đã khiến nhiều ngành gặp khó khăn, trong đó phải kể đến ngành vật tư nông nghiệp.
Một lãnh đạo Phòng vật tư, Nhà máy đạm Ninh Bình cho biết, trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, việc tăng giá than sẽ ảnh hưởng mạnh đến giá phân bón. Theo vị này, cứ 2 tấn than mới sản xuất được 1 tấn phân đạm. Trong điều kiện than tăng giá 320 ngàn đồng/tấn thì giá đạm tăng ít nhất từ 320 – 400 ngàn đồng/tấn. Đây sẽ là đợt tăng giá nhiều nhất trong vòng 2 năm qua.
Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, đơn vị vận hành nhà máy, năm 2014 nhà máy lỗ 738 tỷ đồng, năm 2015 số lỗ là 592 tỷ đồng. Đến năm 2016, nhà máy tiếp tục lỗ tới 456 tỷ đồng. “Chính phủ đã chỉ đạo ngành than và ngành phân bón hiệp thương giá, tuy nhiên, khi chưa kịp tổ chức hiệp thương thì ngành than đã đơn phương tăng giá”, đại diện Nhà máy đạm Ninh Bình bức xúc.
Ông Nguyễn Đức Ninh, đại diện Cty TNHH MTV Phân đạm và Hoá chất Hà Bắc cũng bức xúc: Việc tăng giá than sẽ khiến chi phí sản xuất của công ty năm tới tăng khoảng hơn 70 tỷ đồng ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành phân đạm năm 2017.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Hoàng Văn Tại, Tổng Giám đốc Cty CP Phân lân nung chảy Văn Điển cho biết, ngành than đã nhiều lần gửi giá đàm phán với công ty, tuy nhiên khi chưa đạt được thỏa thuận đã thông báo tăng giá bán. Với mức giá mới này thì các doanh nghiệp phân bón “không đỡ” nổi bởi kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2017 đã đến gần cho nhu cầu vụ mùa vào tháng 2/2017. Theo ông Tại, việc tăng giá than thời điểm này là bất hợp lý, do cả năm 2016 giá dầu, than thế giới ở mức thấp và vẫn đang xu thế giảm. Giá than chiếm tới 30-40% giá thành sản xuất phân bón và với mức giá than mới sẽ khiến giá thành phân lân NPK tăng 100 nghìn đồng/tấn.
Mặc dù Chính phủ yêu cầu giữ giá phân bón để hỗ trợ nông dân, tuy nhiên khi áp dụng vào vụ mùa (bắt đầu vào tháng 2/2017), giá bán phân lân sẽ buộc phải điều chỉnh tăng theo giá than trong khi ngành nông nghiệp và nông dân đang rất khó khăn, điều này khiến nông dân giảm nhu cầu sử dụng phân bón, “Năm 2016, ngành phân bón quá nhiều khó khăn, chính sách thuế VAT bất hợp lý, giá thuê đất, tiền lương tăng, giờ giá than đột ngột tăng cao sẽ là một đòn mạnh vào sản xuất phân bón trong nước, khiến nông dân “chết” theo”, ông Tại nói.
Theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam, các doanh nghiệp sản xuất phân bón đang chịu cảnh “một cổ hai tròng”: từ giá than đến thuế VAT. Ông Thuý cho biết, mặt hàng phân bón được miễn thuế VAT chứ không phải giảm thuế xuống 0% nên doanh nghiệp phân bón trong nước vẫn phải đóng thuế đầu vào nhưng không được khấu trừ đầu ra. Điều này một mặt đã tác động lớn đến chi phí sản xuất, đầu tư phân bón, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp nội địa, mặt khác lại làm cho phân bón nhập khẩu rẻ hơn, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm trong nước.
“Trong bối cảnh hiện nay, nếu giá phân bón tiếp tục tăng, sẽ tạo cơ hội cho các đối tượng làm phân bón giả hoành hành. Nông dân và các công ty sản xuất phân bón chân chính sẽ là những đối tượng bị thiệt hại nặng nề nhất”, ông Thúy cảnh báo. Do vậy, trong tuần tới Hiệp hội Phân bón Việt Nam sẽ có văn bản kêu cứu tới Chính phủ.
Không thể can thiệp giá than?
Một lãnh đạo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, hiện nay doanh nghiệp than chỉ phải kê khai giá theo thị trường chứ không còn phải đăng ký giá như trước. Do vậy, họ chỉ cần thông báo điều chỉnh giá chứ không cần chứng minh lý do điều chỉnh giá như trước đây.
Tiền phong