Nông dân ngoại thành Hà Nội đốt rơm rạ, khói mù mịt "bủa vây" người đi đường
Trên địa bàn các huyện ngoại thành Hà Nội do không có nhu cầu sử dụng sau khi thu hoạch lúa, người nông dân đã đốt bỏ rơm rạ ngay trên đồng ruộng. Đây là việc làm không chỉ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng mà còn ảnh hưởng tới sức khoẻ cộng đồng và giao thông.
Trên các cánh đồng ở nhiều huyện ngoại thành Hà Nội như Sóc Sơn, Mê Linh, Đông Anh, Phú Xuyên, Quốc Oai, Ứng Hoà...(trong ảnh là ở huyện Phúc Thọ) những ngày này thường xuyên nghi ngút khói rơm rạ.
Những năm gần đây, do sự phổ biến và tiện lợi của bếp gas, bếp từ, nhiều gia đình nông dân đã không còn thói quen thu hoạch rơm rạ để làm chất đốt phục vụ sinh hoạt như trước. Sau khi thu hoạch lúa, họ thường để lại rơm cùng gốc rạ chất đống lại và tiến hành đốt bỏ.
Một số nông dân cho biết nếu không đốt thì họ cũng không biết xử lý thế nào với rơm rạ sau khi thu hoạch.
Trên thực tế, việc đốt rơm rạ không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn làm lãng phí tài nguyên.
Rơm rạ bị đốt cháy sẽ tạo ra một lượng lớn các khí có hại cho sức khỏe con người, làm tăng lượng khí thải vào bầu khí quyển.
Đốt rơm rạ trên cánh đồng còn ảnh hưởng tới cả mạng lưới điện.
Không chỉ tác động tiêu cực đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, khói rơm rạ còn gây nguy hiểm, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông.
Từng có nhiều vụ tai nạn giao thông xảy ra do khói rơm rạ làm cản trở tầm nhìn của người điều khiển phương tiện giao thông.
Khói rơm rạ thường có tính cay, gây chảy nước mắt, có thể là dị nguyên làm kích thích nhiều phản ứng ở họng, người tiếp xúc với khói sẽ bị: ho, hắt hơi, buồn nôn, thở khò khè hoặc có cảm giác ngạt thở...Nhiều người dân đi qua những đoạn đường có khói rơm rạ đều phải bịt khẩu trang kín mít.
Chị Nguyễn Thị Hạnh (Phụng Thượng, Phúc Thọ) cho rằng: "Sau khi thu hoạch lúa, chúng tôi thường thu dọn gốc rạ, rơm trên đồng ruộng để phơi khô đốt lấy tro bón cho đất vừa giảm được công xử lý, đồng thời lại tiêu diệt được mầm mống dịch hại…".
Nhưng theo các nhà khoa học, đốt rơm rạ sẽ làm mất chất dinh dưỡng của đất, tiêu diệt các loại thiên địch có ích, dẫn đến phát sinh nhiều bệnh dịch hại lúa.
Đốt rơm rạ ngay trên cánh đồng thành tro còn làm cho chất hữu cơ trong rơm rạ do nhiệt độ cao đều biến thành các chất vô cơ, làm cho đất ruộng bị chai cứng, mất đi chất dinh dưỡng thành phần còn sót lại trong tro chỉ là phốt pho, kali, canxi và silic... không giúp ích mấy cho cây trồng.
Hơn thế, khói rơm rạ từ nội thành bị gió thổi bay vào nội thành gây ô nhiễm bụi không khí. Đây cũng là một không những nguyên nhân khiến không khí ở Hà Nội bị ô nhiễm nghiêm trọng ở thời điểm này.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, rơm rạ tuy là phần thải ra từ cây lúa nhưng không phải là rác, nếu biết cách sử dụng thì rơm rạ sẽ mang đến cho người nông dân rất nhiều lợi ích.
Đem đốt sẽ làm lãng phí nguồn chất hữu cơ làm phân bón, 10 tấn rơm rạ nếu đem xử lý bằng chế phẩm sinh học sẽ thu được khoảng 400kg phân hữu cơ.
Ở một số nơi còn sử dụng máy gặt đập liên hợp, qua đó, rơm rạ sẽ được máy cắt nhỏ và rải trộn ngay trên ruộng đồng ngay trong quá trình gặt, sau một thời gian ngắn sẽ mục nát trở thành nguồn phân hữu cơ.
Việc người dân đốt rơm rạ đã xảy ra nhiều năm, lặp đi lặp lại vào mỗi vụ thu hoạch lúa, các cơ quan chức năng cũng đã đưa ra nhiều công văn, chỉ thị....nhưng chưa có giải pháp hữu hiệu để giải quyết triệt để tình trạng này./.
VOV