Nông dân “ngồi trên đống lửa”
Theo quy luật, sau Tết Nguyên đán, người chăn nuôi cả nước tập trung vào việc tái đàn. Thế nhưng, trong năm 2016, giá cả thị trường lên xuống thất thường, giảm liên tục đã ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân, đặc biệt là đối với các hộ chăn nuôi tự phát. Vì vậy, đến nay nhiều hộ dân vẫn như "ngồi trên đống lửa" khi chỉ mua giống cầm chừng, không mặn mà với việc tái đàn vật nuôi.
- 08-02-2017Giá lợn hơi tăng nhẹ, người chăn nuôi vẫn lỗ
- 06-02-2017Giá lợn hơi tại Đồng Nai đang nhích lên
- 19-01-2017Giá lợn hơi giảm mạnh, người tiêu dùng vẫn phải mua thịt giá cao
Giá tăng nhưng vẫn lỗ
Từ tháng 1 đến nay, giá trứng gia cầm liên tục giảm, nhiều hộ chăn nuôi thua lỗ nặng nên đã hạn chế tái đàn. Anh Đặng Đình Lộc ở xã Đại Yên (Chương Mỹ) buồn rầu cho biết, trứng gia cầm hiện đang có giá từ 1.100 đồng đến 1.200 đồng/quả, người dân lỗ 100-200 đồng/quả, nên mỗi ngày trang trại lỗ hàng chục triệu đồng.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Tiến Tuyên ở xã Đại Yên (Chương Mỹ) cho biết, thông thường mọi năm, từ rằm tháng Hai, giá trứng bắt đầu tăng, nhưng năm nay, tình hình rất khó dự đoán vì nguồn cung tương đối dồi dào. Trong khi đó, dịch cúm gia cầm đang xuất hiện ở các nơi, nên trang trại cũng dè chừng, tái đàn với số lượng chỉ bằng 50% năm 2016, thậm chí nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ còn "treo" chuồng trại.
Tương tự các hộ chăn nuôi lợn cũng thua lỗ triền miên, nhiều hộ phá sản. Anh Nguyễn Tiến Hậu ở huyện Thanh Oai cho biết, năm vừa qua gia đình nuôi 80 con lợn, lỗ gần 100 triệu đồng, nay giá lợn hơi tăng hơn 10.000 đồng/kg so với thời điểm Tết Nguyên đán, song vẫn chưa có lãi. Nhiều hộ đến nay chưa dám tái đàn vì sợ tiếp tục thua lỗ.
Anh Nguyễn Trọng Long - Chủ trang trại chăn nuôi ở xã Tân Ước (Thanh Oai) cho biết, trang trại đang nuôi 3.700 con lợn thương phẩm, trung bình mỗi tháng xuất ra thị trường 700 con. Với giá lợn 36.000 đồng/kg như hiện nay, trang trại lỗ gần 300 triệu đồng/tháng. “Hơn nữa, với 400 con lợn nái, mỗi lứa sinh ra hàng trăm con lợn giống. Tại thời điểm này, giá lợn giống rất rẻ, từ 800.000 đến 900.000 đồng/con 8kg, thấp hơn 50% so với năm 2016 nhưng người dân cũng không mua về tái đàn” - anh Long cho biết.
Người dân không nên quá hoang mang
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, năm nay, việc tái đàn ở các hộ dân rất chậm, chỉ bằng 40%-50% tổng đàn so với mọi năm. Nguyên nhân là mức giá bán thấp và các trang trại vẫn còn tồn nhiều. Không những vậy, giá thức ăn chăn nuôi cao cũng khiến người dân càng dè dặt trong việc tái đàn. Dự báo năm 2017, ngành Chăn nuôi tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn về quy mô, con giống, giá thức ăn, thuốc thú y...
Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi không nên quá hoang mang, nên lựa chọn những con vật nuôi phù hợp, tránh nuôi tập trung cùng một thời điểm dễ bị thương lái ép giá. Đồng thời, Nhà nước tiếp tục có các chính sách hỗ trợ cho người dân như: Vay vốn ưu đãi, giảm tiền thuê đất, hỗ trợ vắc xin phòng bệnh…
Bên cạnh đó, các địa phương nên phát triển chăn nuôi theo định hướng, không phát triển tự phát theo trào lưu để hạn chế việc cung vượt cầu; khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực tập trung đầu tư vào chăn nuôi công nghiệp, áp dụng công nghệ cao về con giống, thiết bị chăn nuôi tiên tiến. Đáng lưu ý, các địa phương triển khai có hiệu quả mô hình phát triển theo chuỗi liên kết chăn nuôi - giết mổ - tiêu thụ sản phẩm.
Đồng thời, Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia vào mô hình chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm thịt mát, thịt cấp đông bảo đảm an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp cần năng động thiết lập chuỗi với các kênh phân phối sản phẩm cho hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện ích phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.
Hà nội mới