MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông dân như “ngồi trên đống lửa” vì giá nông sản xuống mức đáy

22-03-2017 - 08:29 AM | Thị trường

Liên tiếp trong 2 tháng nay, giá nông sản, bao gồm cả thịt gia súc, gia cầm và các loại rau, củ, quả liên tục xuống thấp khiến người nông dân luôn trong tâm trạng bất an. Tuy nhiên, qua tìm hiểu thực tế, thì có những vấn đề cần phải được nhìn nhận lại, trong đó, vấn đề “giải cứu nông sản” đang có nguy cơ trở thành “con dao hai lưỡi”.

Thêm nhiều mặt hàng nông sản tiếp tục giá “chạm đáy”

Vừa tăng thêm được vài giá, người chăn nuôi chưa kịp tiêu thụ hết đàn, thì vài ngày nay giá lợn hơi lại giảm 3-4 giá. Tại thủ phủ lợn Đồng Nai, giá lợn hơi ngày 20.3 chỉ còn 31-32 nghìn đồng/kg. Tính ra, mỗi con lợn xuất chuồng, người nuôi lỗ xấp xỉ 1 triệu đồng. Ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho biết, thương lái nào may mắn xuất khẩu được theo đường tiểu ngạch, thì giá heo hôm nay tại cửa khẩu cũng chỉ 39.000 đồng/kg. Với mức giá này, thương lái không thể gom với giá cao hơn tại nội địa nước ta. Nguyên nhân giá lợn hơi tăng 2-3 giá, giảm 3-4 giá trong thời gian ngắn, theo ông Nguyễn Kim Đoán, bởi giá thịt lợn bán tại Trung Quốc hiện nay chỉ khoảng 15,93 nhân dân tệ/kg (tương đương khoảng 51.800 đồng/kg).

Bên cạnh thịt gia súc, giá các loại thịt gia cầm trên thị trường, giá gà ta cũng giảm khá nhiều. Hiện gà ngon nuôi dân dã dao động ở mức 100 - 120 nghìn đồng/kg. Vịt thả đồng giảm còn 48.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg. Ngan: 80.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg. Tại khu vực miền Đông Nam Bộ, hiện tại thương lái đến mua vịt thịt chỉ với giá dao động từ 28 - 30 ngàn đồng/kg. Với mức giá này, nếu tính chi phí mua con giống và tiền thức ăn, sau gần 2 tháng nuôi, mỗi con vịt, người nuôi phải chịu lỗ hơn 10.000 đồng, chưa kể tiền công chăm sóc. Giá giảm ngay thời điểm dịch cúm xuất hiện cũng tăng thêm gánh nặng cho người nuôi bởi chi phí phòng bệnh cũng gia tăng. Nhiều hộ chăn nuôi đang lâm vào tình thế tiến thoái lưỡng nan bởi bán thì bị lỗ mà càng nuôi thì chi phí tăng, thêm vào đó là nguy cơ dịch bệnh cũng đang rình rập...

Không riêng gì thịt gia súc, gia cầm, giá các loại rau, củ, quả cắt tại vườn cũng giảm mạnh. Đặc biệt là cà chua có nơi giảm chỉ còn 500 đồng - 1.000 đồng/kg; loại ngon cũng chỉ 2.000 đồng/kg. Điều đáng nói, tại thôn Tính Ninh, xã Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên (tỉnh Hưng Yên), mức giá cà chua bán ra quá rẻ nên nhiều gia đình không thu hoạch, để thối rữa ngoài đồng. Nhiều gia đình đang dự định phá ruộng cà chua để chuyển sang trồng cây màu khác có thu nhập cao hơn.

Nhiều hộ trồng cà chua cùng chung ý kiến: Chưa bao giờ cà chua lại hạ và khó bán như năm nay. Nhà tôi đầu tư hết 5 - 6 triệu đồng tiền vốn nhưng đến giờ vẫn chưa thu được đồng lãi nào, nguy cơ lỗ vốn gần như chắc chắn. Không riêng gì thôn Tính Ninh, những hộ trồng cà chua của thôn Đào Đặng (xã Trung Nghĩa, TP. Hưng Yên) cũng chung thảm cảnh “bán được đồng nào hay đồng đó”.

Còn giải cứu, nông dân còn “ỷ lại”

Trao đổi với PV Báo Lao Động, bà Đoàn Thị Chải - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Hưng Yên cho biết: Không riêng gì nông sản, giá các sản phẩm đều phụ thuộc vào cung - cầu của thị trường. Muốn thoát khỏi cảnh bị thương lái ép giá, hoặc bếp bênh theo sự trồi sụt của thị trường, thì nông dân phải liên kết ký hợp đồng với các DN. Thế nhưng, “mặc dù được vận động, khuyến khích rất nhiều, nhưng nông dân vẫn muốn “tự sản xuất, tự tiêu thụ” theo cảm tính. Hơn nữa, thấy vụ trước được giá, lập tức ồ ạt mở rộng diện tích trồng thêm vụ thứ 2, dẫn đến hệ lụy kép là thừa nguồn cung, và gây hại cho đất trồng” - bà Đoàn Thị Chải chia sẻ.

Bà Chải cho rằng, “giải cứu nông sản” chỉ là giải pháp tức thời và chỉ nên thực hiện 1-2 lần. Còn nếu cứ sản xuất một cách cảm tính, hễ “cung” thừa sẽ được “giải cứu”, nhiều người trông chờ vào các “Mạnh Thường Quân”, dẫn đến tâm lý ỷ lại. Tuy nhiên, khác quan điểm với bà Chải, ông Nguyễn Kim Đoán cho rằng: Sự hỗ trợ của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đối với người nông dân chưa nhiều. Bộ NNPTNT chỉ mới dừng lại ở việc hô hào người dân nhân đà giá lợn thấp mà loại bỏ các con nái kém chất lượng mà không nhìn thấy rằng, điều này liên quan đến quyền lợi sát sườn của chính người sản xuất, tự họ sẽ làm mà không cần Bộ NNPTNT kêu gọi.

Ông Nguyễn Kim Đoán cũng cho rằng, số lượng lợn chăn nuôi tại miền khu vực Đông Nam Bộ lâu nay khá ổn định, việc tăng đàn “nóng” chủ yếu tại một số tỉnh miền Bắc nhằm bán cho thương lái Trung Quốc. Nay nhiều hộ đã “treo máng”, giảm đàn, tại sao nguồn cung vẫn thừa? Ông Nguyễn Kim Đoán cũng đưa ra ý kiến: Phải chăng Bộ NNPTNT đang bế tắc về giải pháp? Chỉ dừng lại ở mức “cảnh báo” và “khuyến cáo” mà chưa đưa ra các giải pháp cụ thể để thực hiện. “Để giải quyết được bế tắc, ngành NN cần có quy hoạch tổng thể về tổng đàn, số lượng và thị trường xuất khẩu đi các nước, nhu cầu nội địa… để quy hoạch vùng chăn nuôi, vùng trồng trọt một cách hợp lý, khoa học. Tránh tình trạng giá cao không có hàng để bán, giá thấp thì ế thừa hàng loạt không ai mua” đang tái diễn gần đây” - ông Nguyễn Kim Đoán nêu ý kiến.

Theo Nguyễn Nam Phong

Lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên