MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nông nghiệp sạch đã thay đổi GTNfoods như thế nào?

15-11-2017 - 09:00 AM | Doanh nghiệp

Chỉ sau chưa đầy 3 năm miệt mài M&A, GTNfoods đã sở hữu (gián tiếp) được Mộc Châu Milk-một doanh nghiệp sữa tươi sạch lâu đời của Việt Nam. Bây giờ, mảng Sữa của Mộc Châu Milk đã đóng góp ~80% doanh thu của GTNfoods.

Chưa bao giờ, nhu cầu được sử dụng thực phẩm an toàn lại cấp bách - cần thiết như hiện nay khi vấn nạn thực phẩm bẩn đang bủa vây đầu độc người tiêu dùng mọi lúc, mọi nơi. Nhu cầu “đáng có và cần có” này tạo ra cơ hội phát triển chưa từng có cho nền nông nghiệp sạch, nói không với các hóa chất độc hại. Nhưng việc phát triển một nền nông nghiệp như vậy không hề đơn giản.

Hàng loạt doanh nghiệp lớn lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp

Nông nghiệp sạch được hiểu là một hệ thống quản lý sản xuất nông nghiệp tránh sử dụng phân bón và thuốc trừ sâu tổng hợp, giảm tối đa ô nhiễm không khí, đất và nước, tối ưu về sức khỏe và hiệu quả của các cộng đồng sống phụ thuộc lẫn nhau giữa cây trồng, vật nuôi và con người. Một nền nông nghiệp sạch không chỉ có nghĩa là tạo ra nông phẩm bảo đảm tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng mà còn phải bao hàm nội dung tiêu chuẩn an toàn cho người sản xuất và môi trường sống.

Đón đầu những xu thế đó, nhiều doanh nghiệp lớn có tiềm lực về vốn đã bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nông nghiệp, coi đó như một lĩnh vực tiềm năng mang lại mức tăng trưởng bền vững, có những bước đi và định hướng chiến lược cụ thể. Một trong số đó là Công ty cổ phần GTNfoods (GTN).

3 năm miệt mài M&A để vững chân ngành nông nghiệp

Từ một doanh nghiệp không có gì đáng chú ý GTNfoods, đã thay đổi hoàn toàn kể từ khi nhìn thấy cơ hội lớn từ ngành nông nghiệp sạch và hàng tiêu dùng. Năm bước ngoặt cho hoạt động kinh doanh của GTNfoods là 2014.

Thời điểm này, nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp sạch như Vingroup, Vinasoy, Lasuco… Tuy nhiên, GTNfoods lại không đi theo con đường mà những doanh nghiệp khác đã đi. GTNfoods chọn rút ngắn con đường đến nông nghiệp sạch bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước có thương hiệu lâu đời với bề dày lịch sử hoạt động cùng các sản phẩm phổ biến và chất lượng tài sản tốt nhưng gặp nhiều rào cản trong phát triển kênh phân phối, bán hàng và marketing.

Chỉ sau chưa đầy 3 năm miệt mài M&A, GTNfoods đã sở hữu (gián tiếp) được Mộc Châu Milk-một doanh nghiệp sữa tươi sạch lâu đời của Việt Nam. Bây giờ, mảng Sữa của Mộc Châu Milk đã đóng góp ~80% doanh thu của GTNfoods.

Lợi thế mà GTNfoods có được khi bước chân vào mảng Sữa thông qua M&A đó là không phải mất thời gian tạo dựng cơ sở hạ tầng hay phát triển đàn bò. Là một công ty đã hình thành hơn nửa thế kỷ, Mộc Châu Milk đã đầu tư bài bản cả hệ thống trang trại chăn nuôi lẫn phát triển được đàn bò số lượng lớn, tập trung. Trang trại của Mộc Châu Milk theo tiêu chuẩn Châu Âu từ khâu xây dựng chuồng trại, trồng cỏ, ngô làm thức ăn ủ chua, nhà máy thức ăn TMR (phối trộn khẩu phần ăn)… đến quản lý thú y, gìn giữ môi trường và phát triển bền vững.

Mô hình kinh doanh hiện nay của Mộc Châu Milk tập trung chủ yếu qua hệ thống chăn nuôi nông hộ, trong tổng số 23.000 con bò sữa thì hộ gia đình chiếm gần 20.000 con bò, đạt trung bình 38 con/hộ kinh doanh. Nông dân phụ trách chăm sóc đàn bò và toàn bộ hệ thống thú y, thụ tinh nhân tạo và quản lý con giống, thức ăn chăn nuôi của nông trường đều do các cán bộ có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành của công ty trực tiếp làm để đảm bảo chất lượng giống và nguồn sữa. Tất cả các hộ chăn nuôi đều áp dụng quy trình chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đi theo mô hình đó, Mộc Châu Milk tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với tầm nhìn chiến lược dài hạn đạt 100.000 con.
Đi theo mô hình đó, Mộc Châu Milk tiếp tục mở rộng hoạt động kinh doanh với tầm nhìn chiến lược dài hạn đạt 100.000 con.

Bước chân vào mảng Sữa và từng bước vừa tái cơ cấu, vừa phát triển thương hiệu lâu năm này, GTNfoods đã hái được rất nhiều quả ngọt. Và, theo chủ trương lãnh đạo GTNfoods cam kết tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào Sơn La với sự có mặt của Thủ tướng chính phủ thì công ty chưa dừng lại ở đó mà sẽ đầu tư mạnh hơn nữa vào Mộc Châu Milk. Con số trước mắt có thể sẽ lên đến 500 tỷ đồng thời gian tới.

Một mảng nông nghiệp khác mà GTNfoods cũng thành công bằng con đường M&A đó là sở hữu chi phối Tổng công ty chè Việt Nam-CTCP (Vinatea). Lúc GTNfoods nhận thấy tiềm năng ngành nông nghiệp sạch thì Vinatea đang bí lối trước làn sóng cạnh tranh từ các sản phẩm trà ngoại và áp lực cần thay đổi từ mô hình quản lý xưa cũ. GTNfoods vào cuộc, Vinatea đã nhanh chóng thay đổi từ bên trong từ nhân sự đến nhận diện thương hiệu…Vinatea được xây dựng hệ thống quản trị nông nghiệp tập trung, áp dụng nghiêm ngặt các quy định về canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nguyên liệu có diện tích lên đến 4.700ha, an toàn với người sản xuất và cả môi trường, tiết kiệm chi phí. Những nỗ lực đó mang về cho các nhà máy của Vinatea chứng nhận Nông nghiệp bền vững - Rainforest Alliance (RA), giúp doanh nghiệp giành được nhiều lợi thế cạnh tranh và cơ hội tham gia vào các thị trường khó tính như Mỹ, Châu Âu.

Và, Vinatea tốt lên bao nhiêu thì cổ đông GTNfoods vui bấy nhiêu. Sau một năm chính thức trở thành công ty cổ phần với việc tái cấu trúc mạnh mẽ, doanh thu năm 2016 của Vinatea tăng hơn 2 lần so với năm 2015, đạt gần 380 tỷ đồng. Doanh thu tài chính đạt gần 7 tỷ, tăng gấp 2.5 lần so với cùng kỳ năm trước do ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm. Mặc dù so với mảng Sữa thì mảng chè đóng góp ít hơn nhưng năm 2017 này, mảng chè tiếp tục tăng trưởng và mang lại nguồn thu đáng kể cho GTNfoods.

Thực ra, ai theo dõi kỹ từng bước chân của GTNfoods từ ngày đầu thành lập sẽ thấy rằng thực ra, GTNfoods đã đam mê ngành nông nghiệp sạch từ rất lâu. Bằng chứng là, công ty đã mua lượng cổ phần không hề nhỏ của Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods)-đơn vị sở hữu nhãn rượu vang Đà Lạt. Ladofoods cũng là doanh nghiệp có diện tích trồng nho lớn tại Việt Nam.

Hái quả ngọt từ nông nghiệp sạch

Từ một doanh nghiệp không nhiều tên tuổi trên thị trường, hiện tại, GTNfoods đã có 3 mảng kinh doanh lớn là Sữa, Trà và Vang Đà Lạt.

Tính riêng quý 3, doanh thu thuần của GTNfoods đạt gần 881 tỷ đồng trong đó Mộc Châu Milk đóng góp ~ 700 tỷ đồng tương ứng hơn 80%. Nhờ sự đóng góp nổi trội của Mộc Châu Milk nên doanh thu quý 3 của GTNfoods ghi nhận gấp 6,5 lần cùng kỳ năm 2016.

Lũy kế 9 tháng đầu năm 2017 GTNfoods đạt gần 2.960 tỷ đồng doanh thu, tăng 119% so với cùng kỳ năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thu về 134 tỷ đồng, gấp hơn 17 lần 9 tháng đầu năm 2016. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt gần 21 tỷ đồng.

Sau hơn 2 năm tích cực thực hiện các thương vụ M&A, hiện GTNfoods đã nâng vốn điều lệ lên 2.500 tỷ đồng, tăng gần 270% so với thời điểm vừa lên sàn. Tổng cộng tài sản đạt 4.287 tỷ đồng.

Điều đáng nói là GTNfoods đang có tình hình tài chính khỏe mà nhiều người mơ ước với khoản dư tiền, tương đương tiền, tiền gửi kỳ hạn dưới 1 năm đạt ~1.200 tỷ đồng. Nhờ khoản dư tiền dồi dào này, doanh thu tài chính của GTNfoods cũng tăng mạnh so với năm ngoái và công ty chủ động được nguồn tiền khi có cơ hội M&A doanh nghiệp tốt phù hợp với mục tiêu của công ty hoặc đầu tư thêm vào các dự án sẵn có để sinh lời tốt cho cổ đông.

Phương Chi

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên