MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nóng ruột" vì phát mãi tài sản, cổ đông đồng loạt ý kiến, Chủ tịch Bông Bạch Tuyết nói gì?

14-08-2018 - 15:20 PM | Doanh nghiệp

Nói về định giá, Chủ tịch Bông Bạch Tuyết cho biết cơ quan Nhà nước tự chọn đơn vị định giá, cả Công ty và Maritime Bank đều không biết được. "Công ty chỉ có thể tin tưởng vào việc quyết định của cơ quan Nhà nước, chứ đấu giá hay định giá người ta làm chứ mình có làm không", Chủ tịch cho biết.

Phát mãi tài sản với việc thương thảo cùng Maritimebank là một, đàm phán không được thì buộc bị phát mãi

Sáng ngày 13/8/2018, CTCP Bông Bạch Tuyết chính thức tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2018 để thông qua chiến lược kinh doanh cho năm nay. Được biết, đây là lần tổ chức đại hội thứ 3 của Công ty.

Tại đại hội, hầu hết mọi ý kiến, thắc mắc của cổ đông đều xoay quanh vẫn đề phát mãi tài sản vừa qua của Bông Bạch Tuyết.

Chi tiết về sự việc, trong tháng 5 vừa qua, Cục thi hành án dân sự Tp.HCM đã thông báo lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản là toàn bộ quyền sử dụng đất (đất thuê 50 năm thanh toán tiền 1 lần) và toàn bộ quyền sở hữu công trình, nhà xưởng trên đất tại lô B52-53-54/I đường 2E, KCN Vĩnh Lộc, huyện Bình Chánh TP.HCM thuộc quyền sử dụng, sở hữu của Bông Bạch Tuyết với giá khởi điểm tài sản đấu giá là 86,21 tỷ đồng.

Và trả lời, Chủ tịch Bông Bạch Tuyết phân trần thời gian qua Công ty luôn có một nhân viên làm việc trực tiếp với Ngân hàng Hàng Hải (Maritimebank) liên quan đến việc thu hồi nợ thời gian qua. Tuy nhiên, mới đây Bông Bạch Tuyết phải đi đến kết cục bị phát mãi tài sản. Thực tế, lý do khách quan bởi MaritimeBank cũng đang tái cơ cấu nợ nên hai bên chưa đạt được thỏa thuận. Ban đầu chưa có việc phát mãi tài sản, tuy nhiên trong quá trình thương thảo mới phát sinh đến công tác này, Chủ tịch nói.

Vị này cho biết thêm, thực ra phát mãi tài sản với cơ quan Nhà nước cũng như việc đàm phán nợ với MaritimeBank là một, "vì chúng ta thương lượng với ngân hàng không tốt nên mới dẫn đến cơ sự phát mãi. Phát mãi tài sản ở góc độ nào đó là quy định pháp luật. Như vậy, chúng ta phải làm sao đàm phán cho tốt".

Đã bị kiểm kê tài sản lần thứ 3 và quyết liệt hơn 2 lần đầu

Theo ghi nhận, tính đến tháng 10/2017, số dư công nợ tồn đọng phải trả của Bông Bạch Tuyết là 40 tỷ đồng (trong đó nợ gốc là 500 triệu đồng, còn lại là nợ lãi trong bản án của CTCP Bibica, MaritimeBank, Công ty Xăng dầu Phong Quân và lãi chậm trả tiền nộp Ngân sách Nhà nước).

Hiện tại, tình hình các chủ nợ thông qua cơ quan thi hành án ngày càng gia tăng áp lực, đặc biệt Maritime Bank đã đề nghị và cơ quan thi hành án đã ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản. Cơ quan thi hành án hiện đã kê biên tài sản và có thông báo đưa ra bán đấu giá.

Trước tình hình này, Bông Bạch Tuyết cho biết đang tích cực sắp xếp làm việc với Maritime Bank để có phương án hài hòa nhất, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng xấu của thủ tục kê biên, phát mãi để không đe dọa đến tình hình sản xuất kinh doanh, sẵn sàng đối mặt và xử lý để ổn định tâm lý người lao động, gửi văn bản đến cơ quan chức năng nhờ hỗ trợ.

Hiện, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm kê tài sản Bông Bạch Tuyết lần thứ 3, và nó quyết liệt hơn 2 lần trước đó.

"Việc phát mãi tài sản đã diễn ra rồi, chứ không thể nói là dừng phát mãi. Vì thực tế, chúng ta đã phát mãi nhưng không thành do đấu giá không được, "Chủ tịch Đoàn Văn Sơn nhấn mạnh.

Nói về định giá, ông Sơn cho biết cơ quan Nhà nước tự chọn đơn vị định giá, cả Công ty và MaritimeBank đều không biết được. "Công ty chỉ có thể tin tưởng vào việc quyết định của cơ quan Nhà nước, chứ đấu giá hay định giá người ta làm chứ mình có làm không".

Theo đó, Bông Bạch Tuyết khẳng định mặc dù còn nhiều băn khoăn, nhưng Công ty cũng không biết được tại sao đấu giá không thành, vì Công ty không hề tham gia quá trình đó.

Tri Túc

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên