Nông sản Campuchia "đi sau về trước", đắt gấp 2-3 lần Việt Nam: Công lớn thuộc về 1 người
Ông Pan Sorasak là người đưa ra sáng kiến và chỉ đạo Bộ Thương mại Campuchia nộp đơn đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu "Hạt tiêu Kampot" từ ngày 21/10/2020.
- 26-12-2021Lào có tàu cao tốc, Campuchia có SVĐ 150 triệu USD - 2 "bom tấn", 1 điểm chung: Trung Quốc
- 07-11-2021Campuchia đứng đầu châu Á về tiêm phòng Covid-19
- 20-10-2021Campuchia sau 2 tuần "nín thở" thử nghiệm và theo dõi: Thủ tướng Hun Sen báo tin cực vui!
Bộ trưởng Campuchia tích cực quảng cáo hạt tiêu
Năm 2018, trong cuộc gặp gỡ hai đại diện Eric Thevenod và Georges Magnin của hãng sữa Thụy Sỹ La Maison du Gruyere nhằm tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hạt tiêu Kampot nổi tiếng của Campuchia, Bộ trưởng Thương mại nước này Pan Sorasak đã giới thiệu về nhiều đặc tính và công dụng của hạt tiêu Kampot, và gợi ý rằng nó sẽ là một bổ sung tuyệt vời cho các công thức chế biến pho mát Thụy Sỹ.
Các nhà sản xuất pho mát Thụy Sỹ lúc đó cho biết, họ sẽ xem xét để thêm hạt tiêu vào công thức chế biến của mình và hứa sẽ đến thăm các trang trại tiêu Kampot khi sang Campuchia.
"Nếu hạt tiêu Kampot được sử dụng để sản xuất pho mát ở châu Âu, thị trường cho sản phẩm này sẽ mở rộng rất nhiều", ông Sorasak còn tiết lộ với phóng viên tờ Khmer Times.
Ông Pan Sorasak - Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia - đến thăm một trang trại hồ tiêu ở tỉnh Kampot. Ảnh: Khmer Times
Nguon Lay - Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến Hồ tiêu Kampot (Campuchia) - cho biết: "Thị trường lớn nhất của chúng tôi là Liên minh Châu Âu, tiếp theo là Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc. Chúng tôi đã xuất khẩu sang Thụy Sỹ, nhưng chỉ với số lượng nhỏ".
Ông Lay cũng thay mặt các nhà sản xuất hồ tiêu trong nước đánh giá cao nỗ lực của ngài Bộ trưởng.
Đây chỉ là một trong nhiều câu chuyện về nỗ lực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho hạt tiêu Kampot của Bộ trưởng Thương mại Campuchia Pan Sorasak.
Nâng tầm thương hiệu hạt tiêu Campuchia
Ông Pan Sorasak (sinh năm 1955) là Bộ trưởng Bộ Thương mại Campuchia từ tháng 4/2016.
Ngay từ năm 2008, ông đã giữ chức Thứ trưởng Bộ Thương mại Campuchia, chịu trách nhiệm về chính sách thương mại chiến lược và hợp tác thương mại quốc tế.
Ông Sorasak là người đưa ra sáng kiến và chỉ đạo Bộ Thương mại Campuchia nộp đơn đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu "Hạt tiêu Kampot" từ ngày 21/10/2020. Ảnh: Bộ Thương mại Campuchia
Dưới sự lãnh đạo của ông, Bộ Thương mại Campuchia đã thúc đẩy việc hoàn thiện nhiều dự thảo luật và nhiều sửa đổi khác nhau bao gồm bảo vệ người tiêu dùng, an toàn thực phẩm, cạnh tranh, giao dịch bảo đảm và phòng vệ thương mại...
Pan Sorasak được công nhận là một trong những người tích cực thúc đẩy việc áp dụng công nghệ thông tin và truyền thông trong phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Campuchia để nâng cao khả năng cạnh tranh của họ.
Ông Sorasak cũng là người đưa ra sáng kiến và chỉ đạo Bộ Thương mại Campuchia nộp đơn đăng ký quốc tế cho nhãn hiệu "Hạt tiêu Kampot" từ ngày 21/10/2020. Nhờ đó, "Hạt tiêu Kampot" hiện đã được đăng ký bảo hộ quốc tế tại 32 quốc gia theo Đạo luật Geneva của Hiệp định Lisbon về Tên gọi xuất xứ và Chỉ dẫn địa lý (GI).
Chỉ dẫn địa lý "Hạt tiêu Kampot".
Đại diện Bộ Thương mại Campuchia cho biết: "Kể từ thời điểm này (2020), "Hạt tiêu Kampot" đã được bảo vệ hợp pháp khỏi việc sử dụng trái phép bởi các bên thứ ba và bất kỳ hành vi vi phạm nhãn hiệu GI ở các nước ký kết".
Trước đó, vào năm 2016, hạt tiêu Kampot đã được Liên minh Châu Âu trao chứng nhận chỉ dẫn địa lý, trở thành sản phẩm đầu tiên của Campuchia có được chứng nhận này ở Châu Âu.
Cũng cần lưu ý rằng, trong số rất nhiều sản phẩm, Campuchia đã chọn "Hạt tiêu Kampot" là chỉ dẫn địa lý đầu tiên được đăng ký với Bộ Thương mại nước này vào ngày 2/4/2010 nhằm mục đích xây dựng thương hiệu.
Bộ Thương mại Campuchia cũng đã đăng ký bảo hộ cho nhãn hiệu "Hạt tiêu Kampot" tại Thái Lan, Việt Nam và Liên minh Châu Âu.
Hạt tiêu Campuchia đắt gấp 2-3 lần của Việt Nam
Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Campuchia, xuất khẩu hồ tiêu của nước này trong 11 tháng năm 2021 đạt 27.730 tấn, tăng 456,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tiêu của Campuchia bao gồm cả hạt tiêu gắn chỉ dẫn địa lý (GI) mang nhãn hiệu Kampot và các giống tiêu không gắn GI. Trong đó, Việt Nam là nước nhập khẩu nhiều nhất với 26.887 tấn.
Trong khi đó, theo báo cáo của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trong tuần đầu tiên của năm 2022, giá hạt tiêu trong nước tăng, nhưng giá tiêu trắng của Việt Nam giao dịch trên thị trường quốc tế lại diễn biến theo chiều ngược lại.
Cụ thể, giá tiêu đen tại thị trường Việt Nam tăng 1%, từ 3.464 USD/tấn lên 3.488 USD/tấn; tiêu trắng nội địa tăng 1%, từ 5.205 lên 5.238 USD/tấn. Trong khi đó, giá tiêu đen xuất khẩu tại cảng thành phố Hồ Chí Minh trong khoảng 4.200 USD/tấn lên 4.218 USD/tấn; giá tiêu trắng xuất khẩu tại cảng giảm 1%, từ mức 6.260 USD/tấn xuống 6.200 USD/tấn.
Nông dân tỉnh Kampot (Campuchia) thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Khmer Times
Nghiên cứu của Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, dù nông dân trồng hồ tiêu của Campuchia ít thâm canh so với nông dân Việt Nam, nhưng năng suất của họ luôn đứng đầu khu vực với 6,4 tấn/ha, còn năng suất trồng tiêu của Việt Nam chỉ bằng một nửa.
Khoảng 95% lượng hạt tiêu thu hoạch mỗi năm của Campuchia dành cho xuất khẩu, và 2 nước đang mua hạt tiêu của họ nhiều nhất là Việt Nam và Thái Lan.
Trong trung và dài hạn, ngành hồ tiêu Campuchia sẽ có những bước phát triển vượt bậc nhờ khả năng mở rộng diện tích, năng suất cao và quan trọng hơn là quốc gia này có đủ điều kiện sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ.
Chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân nhận định, do hồ tiêu tại Campuchia phát triển sau Việt Nam nên nông dân tại đây học hỏi, đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong quy trình chọn giống, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản sản phẩm; sâu bệnh hại không nhiều, do đó cũng hạn chế được việc lạm dụng thuốc trừ sâu, phân hóa học.
Cũng vì vậy mà nhiều khách hàng sẵn sàng mua tiêu của Campuchia với giá cao, đắt gấp 2-3 lần so với hạt tiêu Việt Nam.
Doanh nghiệp và tiếp thị