Nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc dự báo ‘bùng nổ’
Xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản dự báo sẽ có cơ hội lớn sau khi Trung Quốc gỡ bỏ tất cả các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ đầu tháng 1/2023 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt Nghị định thư vừa có hiệu lực, nông sản Việt sang thị trường 1,4 tỷ dân dự báo bùng nổ trong thời gian tới.
- 31-12-2022Xuất khẩu nông sản thắng lớn, năm 2023: Hướng đến mục tiêu 54 tỷ USD
- 30-12-2022Xuất khẩu nông sản bứt phá trong năm 2022
- 20-12-2022Thị trường ngày 20/12: Giá dầu và đồng tăng, vàng, sắt thép và nông sản đồng loạt giảm
Theo thông báo của Hải quan Trung Quốc, từ ngày 8/1/2023, nước này sẽ gỡ bỏ tất cả các biện pháp xét nghiệm Axit Nucleic phòng chống Covid-19 tại các cửa khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu , bao gồm cả hàng hóa đông lạnh.
Hải quan Trung Quốc cũng yêu cầu các tỉnh (khu tự trị) có liên quan triển khai nối lại hoạt động thông quan hàng hóa và vận tải hành khách tại các cửa khẩu biên giới một cách trật tự và ổn định theo phân loại và trình tự.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), năm 2022, dù trong điều kiện siết chặt các biện pháp phòng chống dịch, xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang Trung Quốc vẫn đạt khoảng 10 tỷ USD.
Đặc biệt, đối với mặt hàng thủy sản, trong tháng 12, xuất khẩu sang hầu hết các thị trường đều sụt giảm, thị trường Trung Quốc vẫn tăng 17% mở ra tín hiệu lạc quan trong thời gian tới khi các biện pháp phòng chống dịch được gỡ bỏ. Cả năm 2022, thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đã mang về trên 1,8 tỷ USD cho ngành thủy sản Việt Nam (tăng 59% so với năm 2021).
Sầu riêng dự báo sẽ trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ USD sau khi ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Long, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc khai mở thị trường Trung Quốc đối với sản phẩm chăn nuôi đang được Cục triển khai hiệu quả. Trong đó với sản phẩm sữa, đến nay đã có 9 nhà máy thuộc 7 công ty sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang nước này, với mức tăng trưởng lên tới 50%.
Ngoài ra, vừa qua, Việt Nam đã ký Nghị định thư xuất khẩu tổ yến . Hiện, Bộ NN&PTNT cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn triển khai và đã có doanh nghiệp gửi hồ sơ để xin hướng dẫn. Ngành chăn nuôi phấn đấu năm 2023 sẽ có những lô hàng đầu tiên xuất khẩu vào thị trường này.
Với sản phẩm chăn nuôi, ông Long cho biết, hiện Cục Thú y đã phối hợp cơ quan có thẩm quyền để xây dựng vùng an toàn dịch lở mồm long móng. Hai bộ ngành của hai nước sẽ ký kết, tạo thuận lợi cho sản xuất và xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi sang Trung Quốc. Đồng thời, Bộ NN&PTNT cũng đang đàm phán để xuất khẩu thêm thịt gà, sản phẩm chế biến…sang thị trường này, mở ra thị trường mới cho các sản phẩm chăn nuôi Việt Nam.
Xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc được kỳ vọng là mặt hàng sẽ bùng nổ trong năm 2023 khi vừa qua hàng loạt sản phẩm như khoai lang, sầu riêng, thanh long, chuối, chanh leo…đã ký Nghị định thư xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc .
Trong 3 tháng cuối năm, xuất khẩu rau quả sang nước này tăng tới hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái, giúp kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2022 đạt gần 3,4 tỷ USD, chỉ giảm khoảng 5% so với mức dự báo giảm 15%.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến nhận định, Trung Quốc là thị trường tiềm năng với 1,4 tỉ dân, chiếm 19,2% trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nên còn nhiều tiềm năng, dư địa. Thủ tướng rất quan tâm, vừa qua có chỉ đạo liên tục để thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sang Trung Quốc.
“Năm 2022 khi quả sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường này, bằng nhiều biện pháp nỗ lực, chỉ trong một tháng đã đạt tăng trưởng tới hơn 4.100%. Tới đây, nhiều sản phẩm được đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch nhờ vào việc ký kết các Nghị định thư”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến khẳng định.
Tiền phong