MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

10 sự kiện nổi bật của xuất khẩu thủy sản Việt Nam năm 2013

31-12-2013 - 08:03 AM |

Nối tiếp bộn bề khó khăn từ năm 2012, cộng đồng DN XK thủy sản Việt Nam đã bước qua một năm nhiều cố gắng và nỗ lực.

Tính đến hết tháng 11/2013, tổng kim ngạch XK đạt 6,23 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm ngoái mà phần lớn là nhờ “đòn bẩy” từ XK tôm. Lần đầu tiên XK tôm chân trắng vượt tôm sú, XK hải sản bất ngờ “đảo chiều”, Bộ NN và PTNT phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững... Đó là một số sự kiện mà Ban Biên tập Bản tin TMTS đánh giá là nổi bật trong sản xuất và XK thủy sản năm 2013 qua.

1. Xuất khẩu thủy sản đạt 6,8 tỷ USD

Tính đến hết tháng 11/2013, tổng kim ngạch XK thủy sản đạt 6,23 tỷ USD, tăng 10,5%. Đây là nỗ lực rất lớn và sự kiên trì của DN XK Việt Nam, đặc biệt là DN XK tôm trong năm XK có nhiều khó khăn về thị trường. Ước cả năm 2013, tổng kim ngạch XK thủy sản đạt 6,8 tỷ USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước.

2. Lần đầu tiên giá trị xuất khẩu tôm chân trắng vượt tôm sú

Tính đến hết tháng 11/2013, XK tôm đã đạt 2,8 tỷ USD, tăng gần 36% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, giá trị XK tôm chân trắng đạt 1,39 tỷ USD, tăng 106,6% còn XK tôm sú chỉ đạt 1,22 tỷ USD, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên giá trị XK tôm chân trắng vượt tôm sú. Nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới bị suy thoái khiến tôm chân trắng trở thành sự lựa chọn của khách hàng. Tính đến hết tháng 11/2013, tỷ trọng tôm chân trắng XK sang Nhật Bản tăng từ 30% cùng kỳ năm 2012 lên 44,2%. Tỷ trọng XK tôm chân trắng sang Mỹ tăng mạnh nhất, từ 40,5% lên 69,7%. XK tôm chân trắng sang EU cũng tăng đáng kể với tỷ trọng tăng từ 45,3% lên 52,5%.

3. Kim ngạch xuất khẩu tôm tăng nhờ giá tôm thế giới tăng mạnh

Năm 2013, Hội chứng tôm chết sớm (EMS) tiếp tục ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung tôm chiếm đến 12,5% tổng sản lượng tôm thế giới - Thái Lan. Sản lượng tôm của nước này ước giảm 50% so với sản lượng 500.000 tấn năm ngoái. Sự thiếu hụt từ Thái Lan đã đẩy giá tôm thế giới liên tục tăng cao. Tại Nhật Bản giá tôm sú HLSO cỡ 16/20 từ 3 nguồn cung cấp chính là Việt Nam, Ấn Độ và Indonesia tăng lần lượt 5,5 USD/kg, 4,5 USD/kg và 3 USD/kg trong 10 tháng đầu năm. Tại Mỹ, cả giá tôm sú và tôm chân trắng cũng tăng từ 3-4 USD/kg. Nhờ cơ hội này, các DN tôm Việt Nam đã gia tăng được kim ngạch.

4. Tôm Việt Nam được “minh oan” trong POR7 và Vụ kiện chống trợ cấp

Ngày 10/9/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ra Quyết định cuối cùng về mức thuế CBPG tôm nước ấm đông lạnh Việt Nam XK vào Hoa Kỳ giai đoạn từ ngày 1/2/2011 - 31/1/2012. Tại quyết định này, 33 DN XK tôm Việt Nam tham gia đợt xem xét hành chính lần thứ 7 này (POR7) được công nhận là không bán phá giá tôm trên thị trường Hoa Kỳ và được hưởng mức thuế CBPG là 0%. Cũng trong tháng này, Ủy ban Thương mại Quốc tế Mỹ (ITC) cũng phủ quyết quyết định áp thuế chống trợ cấp 4,52% của Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đối với tôm Việt Nam và 6 nước khác trong vụ kiện chống trợ cấp do ngành tôm nội địa Mỹ khởi xướng vào cuối tháng 12/2012.

5. Xuất khẩu hải sản “đảo chiều”

Nếu năm 2012, XK hải sản (nhất là cá ngừ và cá biển các loại) đã bù đắp cho sự thiếu hụt giá trị XK từ hai mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra thì năm nay tình hình ngược lại. Hầu hết các nhóm sản phẩm hải sản XK giảm sút so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 11/2013, XK cá ngừ giảm 6,7%, cá các loại khác giảm 4,7%, nhuyễn thể giảm 11,8%, cua, ghẹ và giáp xác khác giảm 7,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, XK mực, bạch tuộc giảm kỷ lục 13% so với cùng kỳ năm 2012. Đây là mức sụt giảm liên tiếp và kỷ lục trong 5 năm trở lại đây.

6. Cá tra Việt Nam bị tăng mức thuế CBPG một cách vô lý tại POR9

Là do DOC quyết định chọn Indonesia làm quốc gia thay thế để tính giá cá tra của Việt Nam. Ngày 4/9/2013, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã có thông báo về quyết định sơ bộ của đợt xem xét hành chính lần thứ 09 (POR9), giai đoạn từ 1/8/2011 đến 31/7/2012, thuế chống bán phá giá (CBPG) philê cá tra đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Hoa Kỳ. Theo đó, thuế CBPG cá tra philê đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam trong quyết định sơ bộ của POR9 cho 2 doanh nghiệp bị đơn bắt buộc là  0,42 USD/kg và 2,15 USD/kg và cho các doanh nghiệp bị đơn tự nguyện là 0,99 USD/kg.  

7. Trung Quốc - thị trường rộng lớn nhiều tiềm năng

Tính đến hết tháng 11/2013, Trung Quốc - Hong Kong là thị trường NK lớn thứ 4 của thủy sản Việt Nam, sau (Mỹ, EU, Nhật Bản). Trong 4 thị trường này, giá trị XK thủy sản sang Trung Quốc tăng mạnh nhất: 39% so với cùng kỳ năm trước. Trong năm nay, XK tôm, cá tra Việt Nam sang Trung Quốc tăng trưởng rất mạnh. Riêng trong quý III/2013, XK thủy sản sang Trung Quốc đạt giá trị 159 triệu USD, tăng tới 40% so với quý 3/2012, trong đó giá trị XK tôm là 109 triệu USD. Đây là thị trường tiềm năng của thủy sản Việt Nam trong năm 2014.

8. Thông tư 48/2013 “cởi bớt” nút thắt cho doanh nghiệp thủy sản

Sau hơn 2 năm VASEP liên tục kiến nghị, ngày 12/11/2013, Bộ NN và PTNT đã ban hành Thông tư số 48/2013/TT-BNNPTNT quy định về kiểm tra, chứng nhận an toàn thực phẩm thủy sản XK. TT48 thay thế Thông tư số 55/2011 và có hiệu lực kể từ ngày 26/12/2013. Thông tư này đã tháo gỡ cơ bản những khó khăn trong hoạt động XK của DN thủy sản. Tuy nhiên, 3 kiến nghị quan trọng nhất của cộng đồng DN thủy sản vẫn chưa được xem xét và sửa đổi.

9. Doanh nghiệp xuất khẩu được tiếp tục vay ngoại tệ thêm 1 năm

Ngày 6/12/2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Thông tư số 29/2013/TT-NHNN (TT29) về việc cho vay bằng ngoại tệ của tổ chức tín dụng, chi nhánh NH nước ngoài đối với khách hàng vay là người cư trú. Thông tư mới vẫn giữ nguyên quy định đối với 4 đối tượng vay vốn bằng ngoại tệ nhưng gia hạn cho vay thêm một năm so với quy định cũ (thực hiện đến hết ngày 31/12/2014). Đây cũng là một trong những kiến nghị quan trọng của VASEP trong năm 2012 - 2013 nhằm giúp DN XK được vay ngoại tệ với lãi suấthợp lý, giúp giảm giá thành, tăng khả năng cạnh trên thị trường quốc tế.

10. Tái cơ cấu ngành thủy sản theo chiều sâu

Ngày 22/11/2013, Bộ NN và PTNT đã ban hành Quyết định số 2760/QĐ-BNN-TCTS (QĐ 2760) phê duyệt “Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao GTGT và phát triển bền vững”. Đây là đề án với nhiều định hướng phát triển theo chiều sâu trong chiến lược phát triển ngành đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Theo Tạ Hà

khanhnt

VASEP

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên