MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bàn cách diệt ‘rau sâu’ để xuất khẩu sang EU

24-10-2014 - 07:59 AM |

Quy trình sản xuất, kiểm dịch lỏng lẻo, thiếu sự can thiệp kịp thời từ cơ quan quản lý khiến mặt hàng rau quả luôn có nguy cơ bị cấm xuất khẩu sang EU.

Trong tháng 10 này, có hai lô hàng rau quả Việt Nam xuất sang EU dính sâu đục quả khiến những doanh nghiệp (DN) xuất khẩu rau quả nằm trong diện nguy cơ cao bị ngừng xuất khẩu. Trước đó, năm 2012, sau khi ba lô hàng rau gia vị bị EU cảnh báo nhiễm khuẩn, Cục Bảo vệ thực vật đã phải tạm ngừng cấp giấy phép kiểm dịch tất cả mặt hàng rau quả xuất khẩu sang thị trường này. Đến tận tháng 6-2013, lô hàng rau quả Việt Nam mới được xuất trở lại thị trường này.

Qua quýt, lỏng lẻo làm hại chính mình

EU là một trong những thị trường xuất khẩu rau quả lớn và rất khó tính. Hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật rau quả nhập vào EU phải đạt năm tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh thực phẩm, an toàn cho người sử dụng, bảo vệ môi trường và tiêu chuẩn về lao động.

TS Võ Mai, Phó Chủ tịch Hội Làm vườn Việt Nam, cho biết rau quả xuất khẩu của các DN nước ta đều đã sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt VietGAP, GlobalG.A.P. hội đủ các tiêu chuẩn trên. Nhưng tại sao vẫn có những lô hàng rau bẩn lọt sổ, bị cảnh báo? 

TS Mai phân tích nguyên do là ở cách quản lý của chính DN. Rau quả có thể do chính DN tự trồng hoặc thu mua từ các hộ nông dân liên kết trong chuỗi GAP. Nhưng nhiều DN bỏ mặc khâu cử người giám sát quản lý quá trình trồng trọt của các hộ nông dân, dẫn đến tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm tràn lan, quá mức cho phép. Sự qua quýt, lỏng lẻo của DN sẽ làm hại cho chính DN. Đó cũng là thực trạng của các mô hình rau quả GAP hiện nay.

GS Võ Tòng Xuân, chuyên gia nông nghiệp, chỉ ra việc kiểm dịch thực vật xuất khẩu của nước ta vẫn còn nhiều lỗ hổng tạo điều kiện cho rau bẩn thoát kiểm tra xuất sang nước ngoài. Hiện nay chúng ta chỉ lấy mẫu kiểm dịch, DN lại chính là người lấy mẫu đi kiểm thì rất khó chính xác. Nhiều DN còn lười đi kiểm tra về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm theo yêu cầu của nước nhập khẩu. Vì vậy việc tạm ngưng cấp phép ảnh hưởng chung đến nhiều DN làm ăn chân chính. Một căn bệnh tai hại của DN Việt nữa là chuyện “lót tay” để cơ quan kiểm dịch kiểm nhanh, qua loa. Song sự thiếu trách nhiệm của DN lẫn cơ quan quản lý không qua mắt được nước nhập khẩu.

Theo TS Mai, nên chăng đối với những DN vi phạm sẽ bị tạm ngưng xuất khẩu. Nhưng các DN xuất những loại rau quả trong diện có nguy cơ cao thì cơ quan kiểm dịch phải tăng mức kiểm tra 50%-100% lô hàng. Đối với các DN xuất khẩu các loại rau quả khác thì mức kiểm tra chỉ 10%-20% lô hàng. Trong một thời gian nhất định nếu không có lô hàng nào vi phạm sẽ dỡ bỏ việc tăng tần suất kiểm tra này.  

Cần tiếng nói cấp nhà nước

Việt Nam rất dở trong việc đàm phán giải quyết rủi ro cho các DN xuất khẩu. GS Võ Tòng Xuân cho biết đó là nhận xét của một vị ngoại giao Nhật. GS Xuân chia sẻ: “Thái Lan cũng là nước xuất khẩu rau quả hàng đầu thế giới sang Nhật. Lâu lâu bị vài lô hàng rau quả nhiễm khuẩn, sâu bọ là chuyện có thể xảy ra. Ví dụ một lô hàng rau quả của Thái Lan bị phát hiện có một con ruồi thì ngay lập tức đại sứ quán của Thái Lan tại Nhật sẽ báo về cho Bộ Nông nghiệp và Bộ Ngoại giao nước này"

"Chỉ trong một thời gian ngắn, Thái Lan sẽ lập đoàn gồm đại diện Bộ Ngoại giao, Bộ Nông nghiệp và vị đại sứ sang tận nơi làm việc với cơ quan quản lý Nhật. Họ sẽ đứng ra bảo vệ cho DN xuất khẩu, hứa sẽ kiểm tra chặt chẽ, sửa sai. Ở cấp chính quyền tiếng nói của họ sẽ có trọng lượng và tác động lớn. Ngoài ra sự hỗ trợ kịp thời của đại sứ quán đã khiến phía nước nhập khẩu không đưa ra những quyết định gây ảnh hưởng đến ngành xuất khẩu rau quả trong nước”.

Đại diện một DN xuất khẩu rau quả sang EU cho rằng Cục Bảo vệ thực vật nên lập đoàn kiểm tra những DN đạt tiêu chuẩn VietGap, GlobalG.a.p. DN được EU chứng nhận... DN nào đáp ứng về an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật theo quy định hiện hành của EU thì vẫn được cấp giấy phép xuất vào thị trường này. 

Bộ ngành không nên khuyến khích mở rộng diện tích trồng rau quả mà cần nâng cao chất lượng diện tích hiện có. Cần khoanh vùng sản xuất loại rau quả theo thị trường, tăng cường năng lực cho các cơ sở xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ khi xuất khẩu để đảm bảo yêu cầu của các nước. Ngoài ra nên cấp mã số vùng trồng cho các DN sản xuất đảm bảo theo yêu cầu của EU.


EU tăng kiểm soát đặc biệt với trái thanh long của Việt Nam

Theo Quang Huy

huongtt

Pháp luật TP Hồ Chí Minh

Trở lên trên