MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ban điều phối ngành cà phê: Có làm nên “phép màu”?

07-04-2014 - 08:36 AM |

Thành lập từ cuối tháng 7-2013 tới nay, Ban điều phối (BĐP) ngành cà phê bắt đầu có những hành động cụ thể và được kỳ vọng sẽ đem lại chuyển biến mới, kéo ngành này thoát khỏi bờ vực suy thoái.

Điểm cố hữu

Tại hội thảo “Đổi mới tổ chức ngành hàng nông sản - thí điểm từ cà phê” do Bộ NN&PTNT tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết: Là một nước XK cà phê vối lớn nhất thế giới, cà phê không chỉ là ngành hàng quan trọng của quốc gia mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống kinh tế của người dân, đặc biệt là dân nghèo và dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên. 

Tuy nhiên, điều đáng bàn là cà phê Việt Nam có quy mô sản xuất quá nhỏ lẻ. Hiện nay, tới 90% số hộ trồng cà phê có diện tích dưới 1 ha. Điều này không chỉ hạn chế việc áp dụng khoa học công nghệ đồng bộ trong sản xuất, chế biến cà phê mà còn làm giảm khả năng XK trực tiếp của nông dân.

TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (Ipsard) cho rằng: Điểm yếu lớn của ngành cà phê Việt Nam là quá lệ thuộc vào XK thô, chất lượng sản phẩm kém nên thường bị đối tác ép giá. Hiện, tỷ lệ cà phê nhân XK chiếm tới 90% so với tổng sản lượng cà phê hàng năm của cả nước. Đa số các DN XK cà phê nhân chưa đầu tư xây dựng liên kết với vùng nguyên liệu, chủ yếu thu mua thông qua trung gian. Mặc dù chỉ chiếm khoảng 10% trong tổng lượng cà phê XK của Việt Nam nhưng cà phê chế biến chất lượng chưa cao, thị phần nhỏ lại vướng rào cản về thuế và an toàn thực phẩm của các nước NK, nên khó cạnh tranh với các thương hiệu cà phê nổi tiếng thế giới.

Theo Bộ NN&PTNT, năm 2014, sản lượng cà phê dự báo giữ ở mức 1,2 triệu tấn. Hiện nay, các nhà máy chế biến cà phê nhân đáp ứng đủ đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số nhà máy lớn đã đầu tư cơ sở vật chất có thể chế biến cà phê chất lượng cao gặp khó về vốn (do nợ đọng từ trước) nên không thể sản xuất, ảnh hưởng tới việc tiêu thụ cà phê cho nông dân một số vùng. 

Niên vụ 2013-2014, đầu vụ giá cà phê thế giới xuống thấp, dẫn đến giá thu mua trong nước giảm xấp xỉ giá thành sản xuất của nông dân. Hiện nay, mức giá đã nhích lên nhưng do vật tư nguyên liệu đầu vào tăng cao nên người dân sản xuất cà phê có lãi nhưng còn thấp và thiếu ổn định.

Đột phá khâu chế biến

TS. Đặng Kim Sơn nhận định: Từ trước tới nay, hoạt động sản xuất kinh doanh cà phê rất bất ổn, thường xuyên phải XK với giá rẻ là do chưa tạo được mối liên kết chặt chẽ giữa DN và nông dân, giữa tư nhân và Nhà nước, giữa các công ty đa quốc gia và DN trong nước. Do đó, BĐP ngành hàng cà phê ra đời có sự phối hợp tư nhân và nhà nước, tập hợp mọi thành viên trong toàn chuỗi ngành hàng là hết sức cấp thiết, tạo ra cơ hội quan trọng để đột phá về tái cơ cấu ngành hàng. Nếu thành công, mô hình này sẽ được mở rộng ra các ngành hàng khác như chè , lúa gạo…

Bà Trần Thị Quỳnh Chi, Ủy viên BĐP ngành hàng cà phê cho biết, sau 8 tháng ra đời, BĐP đã tham gia tích cực vào các hoạt động tái canh cây cà phê. Đến nay, BĐP cũng đã soạn thảo xong Đề án “Phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam đến năm 2020”, trình Bộ trưởng Bộ NN&PTNT xem xét. Mục tiêu Đề án đưa ra là xây dựng ngành cà phê đồng bộ, hiện đại và bền vững ở mọi khâu: Trồng trọt, chế biến, bảo quản thương mại.

Theo ông David Hallam - Giám đốc Thương mại và Thị trường, Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc: Năng suất cà phê Việt Nam cao nhất thế giới rồi, nên trước mắt BĐP ngành hàng cà phê cần phải thiết lập tiêu chuẩn chất lượng cho cà phê, điều tiết biến động giá để giá cà phê ổn định hơn; đồng thời đẩy mạnh xây dựng thương hiệu để cà phê Việt được nhiều nhà NK biết đến.

Liên quan tới vấn đề này, bà Quỳnh Chi khẳng định: Một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Đề án chính là thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp chế biến cà phê, nhằm cải thiện chất lượng cà phê Việt. Phấn đấu tổng sản lượng cà phê nhân nguyên liệu sử dụng cho chế biến sâu đạt 160 nghìn tấn vào năm 2015 và 200 nghìn tấn vào năm 2020. Từng bước thay thế các dây chuyền thiết bị công nghệ chế biến cà phê nhân XK lạc hậu hiện nay.

Giải pháp quan trọng được tính đến là Bộ NN&PTNT sẽ xây dựng chính sách ưu đãi (như vay vốn từ ngân hàng đầu tư phát triển hoặc tham gia chương trình cơ khí trọng điểm) nhằm khuyến khích các DN thuộc mọi thành phần kinh tế đầu tư thiết bị đồng bộ ở các khâu xát, phân loại, đánh bóng, máy sấy, đóng gói, chế biến cà phê hòa tan… Đồng thời, mời gọi đầu tư xây dựng các nhà máy công nghiệp chế biến cà phê hòa tan công suất lớn với dây chuyền, thiết bị, công nghệ tiên tiến.

“BĐP ngành hàng cà phê Việt Nam cũng đang lên kế hoạch xây dựng hệ thống tiêu thụ cà phê hiện đại, trên cơ sở đúc rút kinh nghiệm sàn giao dịch cà phê Buôn Mê Thuột và học tập kinh nghiệm các sàn giao dịch lớn trên thế giới; phấn đấu đến năm 2015, đầu tư xây dựng 2 sàn giao dịch cà phê tại Tây Nguyên và TP. HCM, áp dụng phương thức mua bán giao dịch kỳ hạn”, bà Quỳnh Chi khẳng định.

 

BĐP ngành hàng cà phê do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh làm trưởng ban, 2 phó ban là Cục trưởng Cục Trồng trọt và Viện trưởng Viện Ipsard. BĐP ngành hàng cà phê gồm 3 tiểu ban: Tiểu ban sản xuất; Tiểu ban Chế biến và thương mại và Tiểu ban bền vững và chiến lược. Nhiệm vụ của BĐP là nghiên cứu đề xuất chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành hàng cà phê; chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động và nguồn lực của chương trình liên kết công tư trong sản xuất, chế biến, thương mại, tiêu thụ và kinh doanh cà phê; tham gia Tổ chức cà phê thế giới.

Theo Uyển Như

 

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên