Bảo hiểm con tôm: Những câu chuyện dở khóc, dở cười!
Hàng trăm tỷ đồng đã được chi trả cho người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, cụ thể là bảo hiểm con tôm, song loại bảo hiểm này có mới khiến việc thực hiện còn nhiều bất cập.
Người giàu trục lợi,
người nghèo "khóc” ròng
Về Bến Tre, Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cà Mau - 5 tỉnh được Thủ tướng Chính phủ quyết định thực hiện thí điểm BHNN, đâu đâu cũng nghe người dân râm ran bàn tán về chuyện nhiều đại gia nuôi tôm vùng này vụ tôm vừa qua trúng lớn, trong khi người dân khóc ròng vì tôm bệnh thất mùa. Những đại gia "hốt bạc” không phải nhờ tôm trúng mà bỗng chốc nhờ nhận tiền tỷ từ bảo hiểm...
Nhiều người dân ở đây nói vui với nhau: Dân nghèo thì làm gì có đất mà nuôi tôm, nên hầu hết những hộ tham gia bảo hiểm đều là những người khá giả. Điển hình như hộ ông Triệu Nghỉ ở ấp Công Điều, xã Vĩnh Trạch, TP. Bạc Liêu (Bạc Liêu) có tới hàng chục vuông tôm. Thấy Công ty bảo hiểm phát động thí điểm bảo hiểm con tôm, ông Nghỉ tham gia ngay. Vụ tôm vừa qua mặc dù bị thất mùa, nhưng bù lại ông Nghỉ được bồi thường với số tiền khá lớn...
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Vĩnh Hậu, cán bộ phụ trách thủy sản xã Vĩnh Trạch cho biết: "Những hộ khá, giàu đầu tư nuôi tôm với số lượng lớn tham gia bảo hiểm nuôi tôm, kết quả là mặc dù không được mùa nhưng nhiều hộ bỗng chốc trở thành đại gia nhờ tiền bồi thường của bảo hiểm.
Từ khi triển khai thí điểm BHNN, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu đã ký kết 1.990 hợp đồng/1.435 hộ dân ở các huyện Đông Hải, huyện Hòa Bình và TP. Bạc Liêu diện với tích tham gia hơn 1.374 ha, tổng chi phí hơn 47 tỷ đồng; trong đó, ngân sách nhà nước hỗ trợ gần 29 tỷ đồng. Tuy nhiên số hộ nghèo được ký bảo hiểm chỉ có 123 hộ; hộ cận nghèo được 38 hộ.
Ở TP.Bạc Liêu, Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu đã ký 867 hợp đồng với 261 hộ thì chỉ có 14 hộ nghèo và 7 hộ cận nghèo; số còn lại rất lớn là những hộ có kinh tế khá giả. Tại huyện nghèo như huyện Đông Hải có 173 hộ tham gia bảo hiểm nuôi tôm nhưng chỉ có 34 hộ nghèo, 5 hộ cận nghèo được tham gia bảo hiểm...
Ông Nguyễn Bá Lợi ở xã Định Bình, TP.Cà Mau cho biết: Sau khi triển khai thí điểm mua bảo hiểm, Bảo Minh Cà Mau đã đến vận động người dân mua bảo hiểm.Theo như những điều khoản của hợp đồng đã ký, sau khi xảy ra thiệt hại, người dân nộp hồ sơ đầy đủ cho đơn vị bảo hiểm trong vòng 30 ngày sẽ được thanh toán đầy đủ. Thế nhưng hơn bốn tháng qua, tôi và nhiều hộ dân ở đây chưa được Bảo Minh Cà Mau thanh toán. Tiền dự trữ không có trong khi tiền nợ mùa tôm trước vẫn còn thì làm gì có tiền đầu tư vụ mới…
Bảo hiểm "cò kè” như đi chợ trả giá
Mùa tôm năm 2012, gia đình ông Trần Thành Hên - nông dân ấp Tân Thành A, xã Tạ An Khương Nam nuôi 9 ao tôm dường như mất trắng trong đó mua bảo hiểm 5 ao, nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường. Ông Hên tính toán: Nếu bồi thường đầy đủ thì gia đình ông vớt vát được khoảng 300 triệu đồng.
Thế nhưng, Công ty bảo hiểm thương lượng nếu muốn được bồi thường nhanh thì phải chịu chấp nhận mức thỏa thuận khoảng 120 triệu đồng. Ông Hên bức xúc: "Biểu phí bồi thường ngay từ đầu do công ty bảo hiểm quyết định chứ có phải do dân đâu mà bây giờ công ty kêu gọi dân chia sẻ. Mới chỉ là thí điểm thôi mà còn ngược xuôi đủ điều, chúng tôi thấy nản lắm. Nếu nhân rộng mà làm như thế này chắc chẳng ai tham gia…”.
Về phía các công ty bảo hiểm cũng than thở, số tiền chi trả bảo hiểm cho dân đội lên gấp 3 lần số tiền thu lại từ việc ký bảo hiểm. Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt cho biết, tính đến hết tháng 5-2013, Bảo hiểm Bảo Việt đã chi trả bồi thường cho nông dân các tỉnh triển khai ba sản phẩm cây lúa, vật nuôi và thủy sản 350 tỷ đồng. Riêng bảo hiểm con tôm thiệt hại lớn nhất. Trong tổng số tiền chi trả, việc bồi thường thiệt hại tôm tại hai tỉnh Sóc Trăng và Bạc Liêu lên đến 340 tỷ đồng.
Ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc Công ty Bảo Minh Cà Mau lý giải, do số lượng hợp đồng tham gia bảo hiểm bị thiệt hại đội lên ngoài dự toán của chúng tôi, nên công ty đang chờ ý kiến của Tổng công ty. Do vậy, việc bồi thường có chậm trễ. Tuy nhiên, ông Khanh cũng cam kết sẽ sớm hoàn tất việc đền bù cho những hợp đồng đầy đủ hồ sơ trước ngày 15-10. Còn những hợp đồng chưa chấp nhận mức thỏa thuận sẽ báo cáo với UBND tỉnh để có hướng giải quyết một cách thỏa đáng.
Không có bảo hiểm, người dân sẽ "treo ao”
Anh Lâm Quang Tiến cũng như nhiều hộ dân hàng chục năm qua gắn bó với con tôm ở xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) tỏ ra hoang mang khi một vụ tôm đã qua nhưng không thấy công ty có ý định triển khai ký mới bảo hiểm với người dân.
Trước tình trạng dịch bệnh diễn biến khó lường, rủi ro cao, gia đình anh Tiến và nhiều hộ khác ở đây không dám mạo hiểm nên đã bỏ trắng ao, không dám thả nuôi tiếp. Chính quyền và người dân quan ngại, nếu không tiếp tục ký bảo hiểm con tôm nữa thì vùng nuôi tôm có diện tích 50ha này sẽ bị bỏ trắng. Đây cũng là thực tế của người nuôi thủy sản tại các tỉnh ĐBSCL được Chính phủ chỉ định tham gia thí điểm BHNN.
Đầu tháng 7-2013 vừa qua, trong hội nghị tìm giải pháp phát triển kinh tế miền Tây Nam bộ tại TP. Cần Thơ do Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh chủ trì, nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành vùng ĐBSCL đã phản ánh những bức xúc về việc thực hiện thí điểm chính sách tín dụng đối với nông nghiệp, đặc biệt là con tôm.
Ông Lê Thành Trí, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: Việc thí điểm BHNN thực sự là công cụ tài chính thể hiện rõ tính ưu việt và hiệu quả đặc biệt đối với con tôm và con cá tra tại ĐBSCL. Thế nhưng năm 2013 này, các công ty bảo hiểm không tiếp tục thực hiện nên người nuôi trong vùng chắc chắn sẽ "treo ao”.
Nhiều hộ đã chuyển sang trồng cây, con khác. Những búc xúc này của tỉnh Sóc Trăng cũng như các tỉnh, thành đã được Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận, đồng thời chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương phải tiếp tục triển khai việc ký bảo hiểm mới cho bà con nuôi tôm, kiên quyết không để người nuôi mất lòng tin mà bỏ con tôm.
Theo Quốc Khánh – Quốc Trung