MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Bấp bênh cây mía Trà Vinh

12-11-2013 - 11:35 AM |

Điệp khúc “được mùa, mất giá, được giá, mất mùa" cứ liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây đã làm cho người trồng mía ở Trà Cú (Trà Vinh) phân vân, nhiều hộ có ý định chuyển đổi sang trồng giống cây khác.

Vùng nguyên liệu mía sẽ đối mặt với nguy cơ bị xóa sổ, nếu như không có chính sách khuyến khích người trồng mía.

Theo số liệu thống kê của Sở NN-PTNT Trà Vinh thì trong niên vụ mía 2013-2014 này, diện tích trồng mía ở đây chỉ còn khoảng gần 6.000 ha, giảm từ 250 đến 300 ha.

Nhiều hộ trồng mía cho biết, giá mía nguyên liệu sụt giảm liên tục trong những năm qua, lại luôn tỷ lệ nghịch với giá vật tư nông nghiệp (thuốc BVTV, phân bón) và nhân công. Sau mỗi vụ mía, bình quân giá nhân công tăng từ 30 - 35% và vật tư nông nghiệp tăng từ 10 - 15%, trong khi đó giá mía nguyên liệu không những không tăng mà con giảm.

Với giá mía NM đường Trà Vinh đang thu mua là 930 đ/kg (đạt chuẩn 10 chữ đường), giảm hơn 95 đ/kg so với cùng kỳ, nếu rớt xuống 1 chữ đường thì mỗi kg mía nông dân mất thêm 70 đồng. Theo tính toán của các hộ nông dân trồng mía thì nếu giá mía như hiện nay, người trồng mía chỉ còn lợi nhuận khoảng 10 đến 15 triệu đồng/ha, sau một năm chăm sóc cực nhọc.

Anh Thạch Vũ, ở ấp Mộc Anh, huyện Trà Cú cho biết: “Niên vụ mía năm rồi, do ảnh hưởng thời tiết bất thường nên chữ đường đạt thấp, năng suất lại không cao, giá mía chỉ cầm chừng ở mức 900 - 930 đ/kg. Trong khi đó, giá vật tư nông nghiệp, tiền công thuê thu hoạch, vận chuyển so vụ trước đều tăng cao…, khiến người trồng mía không có lời”.

So với lúa và rau màu, thời gian chăm sóc cây mía rất lâu, cả năm mới thu hoạch được một lần. Bình quân người trồng phải tốn khoảng 7 triệu đồng/công cho khâu chăm sóc, thu hoạch. Vì thế, nhiều nông dân quyết định không tiếp tục trồng mía.

Gia đình ông Sơn Vọng ở ấp Xoài Lơ, xã Lưu Nghiệp đã chuyển toàn bộ diện tích 6 công mía sang trồng lúa. Ông chia sẻ: “Gia đình tôi gắn bó với cây mía đã gần 10 năm nay. Thế nhưng, tình hình sản xuất mía những năm gần đây gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là giá cả rất bấp bênh. Nhiều nông dân như tôi không còn mặn mà với cây mía như trước nữa”.

Đối với Công ty Mía đường Trà Vinh, để cho người trồng mía an tâm sản xuất bước vào vụ mía mỗi năm, công ty ký kết hợp đồng bao tiêu hơn 3.000 ha mía cho nông dân trong tỉnh, chỉ đáp ứng hơn 50% diện tích mía toàn tỉnh, số còn lại do người trồng mía “tự bơi”. Do đó, những đối tượng này trồng mía rất bấp bênh.

Nếu như tỉnh Trà Vinh không có chính sách hỗ trợ cho người trồng mía thì khó lòng mà giữ được vùng nguyên liệu cung cấp  cho các nhà máy đường.

Theo Nguyễn Tân

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên