Bi kịch gạo không thương hiệu
Ở Mỹ, người tiêu dùng không thể tìm được gạo thương hiệu Việt Nam để mua trong khi gạo khaodakmali, basmati là hai thương hiệu nổi tiếng của Thái Lan và Ấn Độ lại bày bán nhan nhản.
Ông Trương Thanh Phong, tổng giám đốc tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) thừa nhận, Việt Nam có bề dày tham gia thị trường gạo thế giới hơn 20 năm, từng có rất nhiều nghiên cứu, đề án, thậm chí cả chiến lược cấp quốc gia về xây dựng thương hiệu gạo Việt, nhưng đến nay, câu chuyện thương hiệu gạo vẫn chưa làm được.
Không đầu tư hay không làm được?
Ông Phong cho rằng có nhiều nguyên nhân, trong đó đáng kể nhất là việc các nhà khoa học Việt Nam không thể lai tạo giống có chất lượng, mang nét đặc trưng riêng của Việt Nam.
Lấy dẫn chứng từ các nước cạnh tranh xuất khẩu trực tiếp, ông Phong cho hay: “Hiện nay Thái Lan có khaodakmali, Ấn Độ có basmati, còn Việt Nam thì có gì trong tay? Mấy loại giống dòng OM 4900, hay ST (Sóc Trăng) sản xuất vài vụ là thoái hoá, hơn nữa diện tích cũng khá khiêm tốn nên không thể lấy để xây dựng thương hiệu được”.
Từ đầu năm đến nay, trong khi thị trường gạo trầm lắng, thì ngược lại, chỉ với hai loại gạo mang thương hiệu đặc trưng nói trên, Thái Lan, Ấn Độ vẫn xuất khẩu khá mạnh với giá lên đến 700 – 1.000 USD/tấn, cao hơn gấp đôi so với loại gạo trắng hạt dài vốn chiếm 80 – 90% sản lượng của Việt Nam.
GS.TS Bùi Chí Bửu, viện trưởng viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, cơ quan chịu trách nhiệm hàng đầu tạo ra giống lúa chất lượng, cho rằng gốc rễ vấn đề nằm ở chỗ chúng ta đầu tư quá ít cho công tác nghiên cứu khoa học nông nghiệp.
Theo ông Bửu, trung bình mỗi năm, kinh phí chung toàn ngành có khoảng 600 tỉ đồng, trong đó 300 tỉ dành cho quỹ lương, còn lại 300 tỉ chia đều các nhóm nông, lâm, thuỷ sản và chăn nuôi. Riêng cây lúa được tròn... 10 tỉ đồng! So với một số nước trong khu vực, nguồn kinh phí như vậy chẳng bỏ bèn gì.
Chẳng hạn như Thái Lan mỗi năm họ dành ra 11 triệu USD, Đài Loan 120 triệu USD, chương trình lúa lai của Trung Quốc cũng ngốn hết 50 triệu USD hay một nước nghèo như Philippines cũng chi 7 triệu USD cho nghiên cứu lai tạo giống lúa.
“Ở Việt Nam, 1ha đất nông nghiệp được đầu tư 6 USD cho nghiên cứu khoa học thì Hàn Quốc gấp 100 lần, Thái Lan gấp mười lần, Philippines là bảy lần…”, ông Bửu dẫn chứng thêm.
Trong khi đó, ông Trương Thanh Phong khẳng định đã rất nhiều lần đặt hàng nhà khoa học, các viện, trường… lai tạo giống lúa có thể làm thương hiệu gạo quốc gia, nhưng không nơi nào làm được. “Chúng ta cũng có nhiều giống chất lượng tốt, nhưng lại không bảo tồn được nguồn gen gốc nên thành ra cứ sản xuất vài ba vụ là bị thoái hoá”, ông Phong nói.
Thay đổi cách làm: bắt đầu từ quy hoạch...
Trong một văn bản vừa mới phát đi gửi các bộ ngành, Chính phủ, hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đã đề cập đến việc cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch sản xuất lúa theo hướng giảm bớt diện tích.
Ông Trương Thanh Phong, chủ tịch VFA cho biết, vài năm trở lại đây sản xuất lương thực thế giới đã có thay đổi khá mạnh, đó là việc người dùng ngày càng đòi hỏi gạo chất lượng cao và xuất khẩu gạo của Việt Nam bị cạnh tranh quyết liệt do nguồn cung cấp dư thừa.
Do đó, VFA đề nghị bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nghiên cứu, quy hoạch phát triển mùa vụ cho hợp lý để tránh rủi ro cho nông dân khi lúa gạo trên thế giới đang có chiều hướng dư thừa, giá thấp, nhất là vụ hè thu, thu đông có thể giảm diện tích lúa, tăng cây màu như bắp, đậu nành làm nguyên liệu thức ăn gia súc. Ngoài ra cũng nên quy hoạch vùng lúa thơm phù hợp với thị trường, nguồn giống và khu vực canh tác…
Ông Phong cho rằng đã đến lúc Việt Nam phải thay đổi chiến lược sản xuất, kinh doanh lúa gạo. Ông nói: “Chúng ta không nên chạy theo số lượng nữa, không nên xuất 7 – 8 triệu tấn mỗi năm nữa mà cần chú trọng đến chất lượng nhằm nâng giá trị hạt gạo lên”.
Giải pháp nâng chất lượng hạt gạo được ông Phong trình bày là trước tiên các nhà khoa học phải lai tạo ra bộ giống lúa mang đặc trưng riêng của Việt Nam. Sau đó tổ chức lại sản xuất bằng cách quy hoạch vùng nguyên liệu, sản xuất một vài loại giống có kiểm soát chứ không thể làm hàng chục loại như hiện nay.
“Doanh nghiệp xuất khẩu đã đầu tư được máy sấy, nhà máy xay xát, lau bóng, đóng bao, kho chứa. Xem như khâu sau thu hoạch đã tạm ổn, bây giờ chỉ việc liên kết, đặt hàng nông dân trồng nữa là được”, ông Phong nói.
Ông Huỳnh Văn Thòn, tổng giám đốc công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) cũng nói hình thức sản xuất lúa theo cánh đồng mẫu lớn mà AGPPS đang áp dụng đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu thị trường gạo thế giới.
Những yêu cầu đó là hạt gạo sản xuất ra phải có nguồn gốc, địa chỉ, thương hiệu rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. “Doanh nghiệp tham gia trực tiếp vào vùng nguyên liệu nhằm thay đổi hẳn suy nghĩ phải xuất khẩu từ hạt lúa chứ không phải từ hạt gạo”, ông Thòn nói.
GS.TS Bùi Chí Bửu cũng cho rằng, muốn chiếm lĩnh thị trường thì phẩm chất gạo Việt Nam phải “trước sau như một”, nghĩa là thuần một loại chứ không pha trộn. Để làm được điều này, GS Bửu nói nhà xuất khẩu phải tham gia xây dựng vùng nguyên liệu mới có thể kiểm soát chất lượng và lo đời sống cho nông dân.