MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà XK gạo Nhật nỗ lực chinh phục thị trường Đông Nam Á

29-01-2016 - 10:39 AM |

Các nhà xuất khẩu gạo Nhật Bản đang nỗ lực phát triển kinh doanh ở châu Á, đặc biệt tập trung vào khu vực Đông Nam Á.

Họ có thêm cơ sở để lạc quan khi 12 nước tham gia Hiệp định Thương mại Tự do xuyên Thái Bình Dương (TPP) đạt được thoả thuận chung, hứa hẹn sẽ đẩy tăng nhu cầu gạo Nhật Bản khi Hiệp định có hiệu lực.

Ngay lúc này đây, làn sóng bùng nổ nhu cầu thực phẩm Nhật Bản đã và đang diễn ra trên toàn cầu.

Kubota, hãng sản xuất thiết bị nông nghiệp hàng đầu Nhật Bản, và Shinmei Holding, hãng bán buôn gạo lớn nhất nước này, đều đã mở rộng xuất khẩu gạo Nhật ra thị trường thế giới.

Tại Singapore, Shinmei sẽ mở một cơ sở bán buôn mới vào cuối năm nay, trong khi Kubota sẽ nâng tỷ lệ sử dụng công suất sản xuất tại nhà máy xay xát gạo để phát triển tiêu thụ sản phẩm của mình. Hai công ty này - đều có trụ sở ở miền tây Nhật Bản – sẽ nỗ lực để phát triển việc bán hàng.

Kể từ 2012, Kubota đã xuất khẩu loại gạo được sản xuất bởi những khách hàng sử dụng thiết bị nông nghiệp của công ty mình. Ngoài việc dán nhãn xuất xứ và thương hiệu gạo, bắt đầu từ năm nay Kubota xây dựng riêng tiêu chuẩn về giống lúa dùng trong mỗi món ăn, chẳng hạn như loại gạo dành cho món cà ri, hay dùng trong các món ăn kiểu Tàu…Nỗ lực mới này nhằm đáp ứng nhu cầu kinh doanh gạo ở nước ngoài một cách hiệu quả nhất. Sự đa dạng loại gạo sẽ làm cho sản phẩm này trở nên phù hợp nhất trong quá trình sử dụng, không chỉ tạo sự ngon miệng mà còn giữ lại tối đa amylose, protein và các dưỡng chất khác của gạo.

Kubota xuất khẩu gạo nâu được trồng tại Nhật Bản và xay xát và chế biến tại các nhà máy ở nước ngoài, nên gạo của công ty bán tại thị trường nước ngoài luôn là gạo tươi mới. Để phát triển xuất khẩu gạo, Kubota sẽ nâng gấp đôi số giờ hoạt động mỗi ngày tại nhà máy xay xát ở Singapore lên 16 tiếng. Công ty cũng sẽ mở thêm các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm cho phù hợp với thị trường.

Để mua gạo trong nước và bán ra nước ngoài, Kubota sẽ tăng cường liên kết không chỉ với người trồng lúa mà với cả Liên đoàn các Hiệp hội Hợp tác xã Nông nghiệp Quốc gia (Zen-Noh).

Năm 2016 này, Kubota có kế hoạch xuất khẩu 3.200 tấn gạo, tăng gấp đôi so với năm trước, và mục tiêu sẽ sớm đạt 10.000 tấn mỗi năm.

Đối với Shinmei, cơ sở xuất khẩu đã có ở Hongkong và cơ sở mới sắp khai trưởng Singapore sẽ tăng cường cung cấp gạo cho các nhà hàng ở những thị trường này, trong tương lai sẽ hướng tới những khách hàng tiềm năng khác ở Trung Quốc lục địa và các nước Đông Nam Á.

Công ty cũng sẽ tăng cường cung cấp gạo cho các nhà hàng ở nước ngoài qua Genki Sushi - sở hữu chuỗi các nhà hàng sushi lớn và đã trở thành công ty con của Shinmei từ năm 2015. Shinmei đã cung cấp gạo cho 15 đại lý ở Hongkong và Singapore, và sẽ bắt đầu cung cấp gạo Nhật cho 60 đại lý ở Indonesia, Thái Lan và những nước khác.

Ở Đông Nam Á, Shinmei cũng tham vọng sẽ tăng cường bán gạo đánh bóng tại các siêu thị Nhật Bản, các cửa hàng chuyên đồ Nhật, và sẽ cung cấp cơm Nhật các loại cho các cửa hàng tiện ích.

Shinmei hy vọng sẽ tăng 50% xuất khẩu gạo trong năm kết thúc vào tháng 3/2017 lên 3.000 tấn. Để đạt mục tiêu xuất khẩu 20.000 tấn gạo, Shinmei nỗ lực xuất khẩu tới 50 quốc gia và khu vực vào năm 2021, tăng trên 60% so với hiện nay.

Kitoku Shinryo, một trong những hãng bán buôn gạo hàng đầu Nhật Bản, cũng đang tập trung vào các thị trường Singapore và Đài Loan, và dự định mở rộng kênh bán hàng tại Việt Nam và những thị trường khác. Công ty dự định sẽ cung cấp gạo Nhật cho các đại lý bán gạo ở Việt Nam, và cả ở nhà hàng bán cơm cuộn sẽ mở tại TP Hồ Chí Minh vào cuối tháng 1 này.

Xuất khẩu gạo Nhật Bản - đã tăng lên khoảng 6.600 tấn trong 11 tháng đầu năm 2015, chủ yếu nhờ giá gạo trên thị trường Nhật giảm và đồng yen trượt giá – có tiềm năng tăng trưởng mạnh bởi hiện còn rất nhỏ so với sản lượng khoảng 7,5 triệu tấn mỗi năm. Gạo cũng là lương thực chính ở Nhật Bản.

 

Tuy nhiên, giá gạo Nhật vẫn cao hơn khá nhiều so với gạo sản xuất tại các quốc gia Đông Nam Á. Do vậy, khi TPP có hiệu lực, ngành lúa gạo Nhật Bản chắc chắn sẽ phải nâng cao hơn nữa hiệu quả sản xuất nếu muốn tồn tại trong kỷ nguyên thương mại tự do, bởi khi đó gạo giá rẻ sẽ được phép nhập khẩu vào Nhật Bản.

Công ty Kubota nhận thức rõ rằng cần phải giảm từ 30% trở lên chi phí sản xuất gạo tại Nhật Bản thì mới có thể cạnh tranh được trên thị trường thế giới. Và để đạt mục tiêu đó, công ty sẽ sử dụng công nghệ thông tin và nhiều biện pháp khác nữa.

 

Vân Chi

Nikkei

Trở lên trên