Cá chết do mật độ nuôi quá dày
Các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15 - 20 con/m², trong khi quy định cá dìa, kình thả 2 con/m² khiến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh.
- 16-06-2013Tôm thẻ chân trắng tăng giá, nghêu giảm giá mạnh
- 15-06-2013Giải pháp nào ngăn chặn nhập lậu cá tầm?
Ngày 15/6, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cá dìa, kình nuôi xen ghép trên phá Tam Giang bị chết là do năm 2012 thời tiết không xảy ra mưa lũ nên các ao, hồ trước khi thả nuôi con giống không được rửa sạch; nắng nóng kèm theo mưa giông những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng gây hại sinh sôi.
Ngoài ra, các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15 - 20 con/m², trong khi quy định cá dìa, kình thả 2 con/m² khiến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh.
Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên – Huế khuyến cáo, các ao nuôi xen ghép nếu cá, tôm chết vẫn tiếp tục thả nuôi các đối tượng khác thì phải đóng cống không cho nước rò rỉ ra môi trường. Dùng clorin, vôi rải đều quanh bờ đê và khu vực ao nuôi, cống cấp và thoát nước để giảm thiểu tối đa mầm bệnh lây lan sang các ao nuôi khác. Sử dụng thuốc tím, formol nồng độ thích hợp… tiêu diệt mầm bệnh trong ao, tái tạo môi trường để tiếp tục nuôi các đối tượng xen ghép khác.
Cùng ngày, Văn phòng UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, đã cấp kinh phí 562 triệu đồng từ ngân sách dự phòng địa phương năm 2013 cho Chi cục Thú y tỉnh mua hóa chất phòng, chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Thống kê từ Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Trị, dịch bệnh đốm trắng và hội chứng hoại tử gan tụy đã làm chết hàng chục vạn con tôm sú và thẻ chân trắng giống vừa thả nuôi trên 70ha ao hồ nước lợ tại hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh. Dịch bệnh tiếp tục lây trên diện rộng khi người dân chủ yếu mua con giống trôi nổi trên thị trường không qua kiểm dịch.
Theo Văn Thắng