Cà phê robusta có quý II biến động xấu nhất 4 năm
Giá robusta trên sàn Liffe giảm 10% từ đầu quý 2 tới nay, và nếu không có biến động lớn từ nay tới cuối tháng 6 thì đây sẽ là quý 2 giảm giá đầu tiên trong vòng 4 năm.
- 06-06-2013Sản lượng càphê niên vụ 2013-2014 sẽ giảm 25%
- 10-05-2013Giá cà phê vẫn sẽ tăng dù đã hết nỗi lo hạn hán
Giá cà phê robusta, hiện đang ở quanh mức thấp nhất 16
tháng trên thị trường London, sắp kết thúc quý giảm đầu tiên kể từ năm 2009 sau
khi khu vực Tây Nguyên nhận được mưa, làm giảm lo ngại về nguy cơ thời tiết khô
hạn có thể làm giảm sản lượng vụ tới ở nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới.
Giá robusta trên sàn Liffe giảm 10% từ đầu quý tới
nay, và nếu không có biến động lớn từ nay tới cuối tháng 6 thì đây sẽ là quý 2
giảm giá đầu tiên trong vòng 4 năm.
Vào quý 2/2009, giá robusta đã giảm 15%.
Trong ba tháng đầu năm nay, giá đã tăng 6,6% sau khi
hạn hán xảy ra ở vùng trồng cà phê lớn nhất của Việt Nam đe dọa làm giảm sản
lượng trong vụ sẽ thu hoạch vào tháng 10 tới. Tuy nhiên sau đó giá đảo chiều
giảm, và tính từ đầu năm tới nay đã mất khoảng 1,8%, sau khi tăng 6,3% trong
năm 2012. Một số nhà kinh doanh lo ngại giá có thể giảm xuống 1.700 USD/tấn.
Hôm 6/6/2013, giá robusta kỳ hạn tháng 7 tại London đã
có lúc chạm mức thấp nhất kể từ ngày 6/2/2012, 1.827 USD/tấn. Đóng cửa phiên
10/6, giá nhích lên 1.857 USD/tấn, nhưng vẫn còn cách xa ngưỡng tâm lý 1.900
USD/tấn.
Đúng như dự báo của Cơ quan Khí tượng, tỉnh Đắc Lắc,
nơi trồng cà phê chính của Việt Nam,
đang đón nhận những cơn mưa lớn, thuận lợi cho vụ mùa cà phê. Giá cà phê nhân
tại Đắc Lắc hôm 6/6 ở mức 39.800 đồng (1,89 USD)/kg, thấp nhất kể từ ngày
1/2/2013.
Mưa đến đem lại hy vọng sản lượng cà phê Việt Nam sẽ
cao hơn các đánh giá ban đầu. Kết quả điều tra do Bloomberg tiến hành mới đây
cho thấy các thương gia quốc tế nhận định sản lượng cà phê Việt Nam trong 12
tháng bắt đầu từ tháng 10 tới có thể tăng 4,9% lên 1,5 triệu tấn (khoảng 24
triệu bao). Trước đó, trong cuộc điều tra hồi tháng 3, các thuơng gia dự báo
sản lượng của Việt Nam có thể giảm xuống 1 triệu tấn – thấp nhất trong vòng 8
năm.
Hiệp hội cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa) cũng lo ngại
khô hạn ở các tỉnh Tây Nguyên có thể khiến sản lượng cà phê cả nước niên vụ
2013-2014 giảm khoảng 25% so với niên vụ trước.
Trên thị trường thế giới, nguồn cung robusta lúc này
tương đối dồi dào. Indonesia bước vào vụ thu hoạch với sản lượng ước khoảng
10-11 triệu bao loại 60 kg, tương đương như năm ngoái. Nước sản xuất cà phê lớn
nhất thế giới Brazil sẽ thu hoạch từ tháng 7 tới, là năm sản lượng thấp theo
chu kỳ 2 năm, song sẽ chỉ kém khoảng 4,4% so với mức kỷ lục 50,83 triệu bao của
niên vụ này, ở mức khoảng 48 triệu bao.
Đặc biệt, châu Phi sẽ trở thành một trong những tác
nhân có thể góp phần gây áp lực giảm giá trên thị trường cà phê thế giới, với
sản lượng của các nước Đông Phi (Ethiopia, Kenya, Tanzania và Uganda) dự kiến
đạt kỷ lục 11,9 triệu bao trong niên vụ 2013/14, trong đó gần 8,5 triệu bao sẽ
dành cho xuất khẩu, mức cao kỷ lục.
Trong khi đó tồn trữ ở châu Âu và Mỹ - những thị
trường tiêu thụ hàng đầu thế giới – đang tăng nhanh.
Tại châu Âu – thị trường rất ưa chuộng cà phê robusta
giá rẻ xuất xứ từ Việt Nam, Indonesia và Uganda, Liên đoàn Cà phê Châu Âu thông
báo tồn trữ tại các cảng tăng 9,7% trong tháng 3/2013 so với cùng kỳ năm trước,
lên 10,3 triệu bao.
Tồn trữ tại các kho của Sở giao dịch Kỳ hạn ICE (Mỹ)
tăng 80% trong 12 tháng qua và hiện đang ở mức cao nhất 3 năm.
Tuy nhiên, nhu cầu nội địa ở Indonesia sẽ gia tăng nên
lượng cung cho xuất khẩu sẽ sụt giảm, và sản lượng của khu vực Trung Mỹ năm tới
sẽ gặp khó khăn do dịch bệnh lá rỉ sắt, nên lượng dư thừa trên toàn cầu sẽ thấp
hơn nhiều so với niên vụ hiện tại.
Volcafe nhận định cung cà phê toàn cầu sẽ vượt cầu năm
thứ 2 liên tiếp, với mức dư khoảng 2,6 triệu bao trong niên vụ 2013/14, sau khi
dư khoảng 6,9 triệu bao niên vụ 2012/13.
Vân Chi