Cà phê thoát “hố tử thần”
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa) dự báo, giá cà phê tươi trong nước năm nay sẽ không xuống dưới mức 40.000 đồng/kg, bà con nông dân có thể trữ hàng chờ giá để đảm bảo lợi nhuận.
Trong khi đó, hoạt động xuất khẩu cũng được dự báo sẽ khả quan hơn do sản lượng cà phê tại một số “cường quốc cà phê” như Brazil, Colombia, Mexico… cũng giảm mạnh.
Giá tăng, thoát “đáy”
Từ giữa năm 2013, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam bắt đầu giảm mạnh. Tại các cảng biển, giá cà phê (giá FOB) từ mức trên 2.000 USD/tấn hồi đầu năm đã giảm xuống còn trên dưới 1.500 USD/tấn thời điểm cuối năm 2013.
Cùng với giá xuất khẩu, cuối năm 2013, giá thu mua cà phê trong nước cũng giảm còn 30.000 – 31.000 đồng/kg. Đây cũng là thời điểm giá cà phê Robusta xuống thấp nhất trong vòng 4 năm qua, còn giá cà phê Arabica thấp nhất trong vòng 6 năm.
Bước sang quý 1.2014, do ảnh hưởng của giá thị trường thế giới, sản phẩm cà phê trong nước bắt đầu tăng giá trở lại. Đến nay, cà phê tại các tỉnh Tây Nguyên được đại lý thu mua với giá từ 41.000 – 42.000 đồng/kg, tiếp tục tăng thêm 300 - 400 đồng/kg so với hồi đầu tháng.
Ông Đỗ Hà Nam – Phó Chủ tịch Vicofa nhận định rằng, niên vụ 2014 sẽ khá thuận lợi cho nông dân trồng cà phê trong nước và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê. Nguyên nhân là do nhiều nước trồng cà phê trên thế giới bị ảnh hưởng bởi thời tiết không thuận lợi, hạn hán, sâu bệnh gây hại…, sản lượng do đó được dự báo cũng giảm theo.
Hiện tại, giá cà phê Robusta đang được các nhà rang xay thu mua ở mức trên 2.000 USD/tấn, còn cà phê Arabica có giá 4.300 USD/tấn. “Chính sự chênh lệch giá giữa hai loại cà phê này quá lớn nên các nhà rang xay quay sang mua Robusta nhiều hơn, đẩy giá lên, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân Việt Nam bán được giá”, ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe) cho biết thêm.
Vicofa dự báo, năm 2014, Việt Nam sẽ giữ vững lượng xuất khẩu ở mức 1,5 triệu tấn, đạt mức kim ngạch trên 3 tỷ USD. Giá cà phê tươi trong nước sẽ không xuống dưới mức 40.000 đồng/kg. “Bà con có thể trữ hàng chờ giá lên nếu giá xuống dưới 40.000 đồng/kg lúc thu hoạch. Một khi nhu cầu cà phê tăng nhưng sản lượng giảm như hiện nay thì giá sẽ tăng là điều tất yếu” - ông Nam khẳng định.
Chú trọng tái canh, bảo vệ thương hiệu
Được dự báo sẽ là ngành tăng trưởng mạnh do nhu cầu thế giới tăng trong những năm tới, nhưng để đảm bảo phát triển bền vững, nhiều chuyên gia lưu ý các địa phương cần chú trọng tái canh vườn cà phê già cỗi, có năng suất, chất lượng giảm.
Hiện tại, diện tích cà phê cả nước đạt hơn 622.000ha, trong đó diện tích vườn cây trên 20 năm tuổi khoảng 86.000ha. Ngoài ra còn có khoảng 40.000ha vườn cà phê dưới 20 tuổi nhưng có biểu hiện già cỗi, sinh trưởng kém, nhiều cành không cho quả. Tổng diện tích cà phê cần phải trồng thay thế và chuyển đổi trong 5 – 10 năm tới khoảng 140.000 – 160.000ha.
Ông Lê Đức Thống - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất Nhập khẩu Cà phê 2-9 (Đăk Lăk) còn cho rằng, vấn đề phát triển cây che bóng trong vườn cà phê cũng cần được chú trọng để nâng cao năng suất. Theo ông Thống, hiện tại 90% diện tích vườn cà phê do nông dân canh tác, sản xuất nhưng chưa được chú trọng đến các loại cây chắn gió, giảm xói mòn đất.
Ông Trịnh Đức Minh – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột thì cho rằng, bên cạnh việc tái canh, tổ chức đăng ký bảo hộ thương hiệu cho các sản phẩm cà phê trong nước cũng cần được đẩy mạnh, tránh tình trạng xuất thô, giá thấp và bị “đánh cắp” thương hiệu, gây thiệt hại cho doanh nghiệp, địa phương.
Từ đầu năm đến nay, sau khi Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc yêu cầu hủy nhãn hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột tại Trung Quốc, doanh nghiệp Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co.,Ltd - bị đơn trong vụ kiện này, đã không có ý kiến, khiếu nại gì về phán quyết trên.
Được biết, đơn vị này đã chi ra hơn 250 triệu đồng để đấu tranh giành lại thương hiệu “Cà phê Buôn Ma Thuột” .
Ông Minh cho biết, sau kinh nghiệm thương đau với hai năm đấu tranh giành lại thương hiệu Cà phê Buôn Ma Thuột, hiện Hiệp hội đang tiếp tục hoàn thiện việc đăng ký bảo hộ sản phẩm này tại 17 quốc gia và vùng lãnh thổ. “Các tỉnh Tây Nguyên cũng có khá nhiều sản phẩm cà phê được cấp chỉ dẫn địa lý như Cà phê Di Linh, sắp tới là cà phê Cầu Đất. Việc bảo vệ các thương hiệu này là nhiệm vụ chung của cộng đồng doanh nghiệp cả nước” - ông Minh nhấn mạnh.
Theo Thuận Hải