Cá tra đã "đến đáy"?
Sản xuất kinh doanh cá tra ở ĐBSCL đang khốn khó. Giá cá nguyên liệu dưới giá thành kéo dài. Người nuôi cạn kiệt nguồn lực. Doanh nghiệp chế biến phải xuất khẩu nguyên con cá tra đông lạnh.
Khó khăn chưa từng thấy
"HTX chúng tôi nuôi cá tra đã 10 năm, hiện gặp khó khăn chưa từng thấy, mong các cấp có chính sách hỗ trợ để ngành cá tra không sụp đổ, nông dân ĐBSCL còn được nuôi cá tra", Giám đốc HTX Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải nói.
HTX Thới An nuôi cá tra nổi tiếng ở ĐBSCL từ 10 năm qua, lúc hưng thịnh có 30 ha, năng suất đạt đến 500 tấn/ha/vụ. Đây cũng là nơi xuất phát hình thức "hợp đồng hợp tác đầu tư" với doanh nghiệp chế biến cá tra để doanh nghiệp đầu tư thức ăn và mua cá nguyên liệu. Nhưng hai năm nay, giá cá liên tục giảm trong khi lãi vay ngân hàng cao, người nuôi lỗ, HTX chỉ còn 20 xã viên với 10 ha.
Những người nuôi cá tra đang phải vay vốn ngân hàng lãi suất cao. Giám đốc Nguyễn Ngọc Hải vay Agribank 3 tỷ đồng, lãi suất 11% năm. Nhiều người khác vay lãi suất cao hơn. Ông Lê Tấn Lợi nuôi 1 ha cá tra ở phường Thuận Hưng (Thốt Nốt, Cần Thơ), vay Viettinbank 1 tỷ đồng, lãi suất 16%/năm.
Ông Cao Hữu Sang, nuôi 1,4 ha cá tra ở phường Thuận An (Thốt Nốt, Cần Thơ), vay Ngân hàng MHB 500 triệu đồng, lãi suất 15%/năm; vay Ngân hàng Kiên Long 500 triệu đồng, lãi suất 16,8%/năm. Ông Hồ Văn Nghĩa nuôi cá tra ở phường Thuận An (Thốt Nốt), vay Eximbank 360 triệu đồng lãi suất 15%/năm. Họ cho biết, có tài sản nhà đất thế chấp mà vay vốn ngân hàng chưa lúc nào được hưởng chính sách ưu đãi của Chính phủ.
Nhưng bức xúc nhất của người nuôi cá tra hiện nay là bán cá cho doanh nghiệp chế biến luôn bị chiếm dụng tiền. Ông Lợi và ông Sang bán cho Công ty CP Thủy sản Nông trường Sông Hậu 300 tấn cá với giá 20.000 - 20.700 đồng/kg, từ cuối tháng 5 và đầu tháng 6, hẹn 45 ngày sau trả hết tiền, nay mới được trả 20%. HTX Thới An nuôi cá tra có hợp đồng đầu tư với doanh nghiệp ở An Giang, bán cá cũng thường bị nợ 2 - 3 tháng, trong khi giá bán cá luôn dưới giá thành 2.000 - 3.000 đồng/kg.
Có người bán cá không đòi được tiền như ông Nghĩa, nay đã "mất hết tài sản". Ông bán cá cho Công ty CP XNK Việt Ngư ở phường Mỹ Thới (Long Xuyên, An Giang) trị giá nhiều tỷ đồng, hẹn một tháng trả hết tiền nhưng chỉ được trả một ít. Kiện ra toà, Tòa án nhân dân TP Long Xuyên buộc Công ty phải trả cho ông hơn 4,7 tỷ đồng và Công ty xin trả dần. Đến đầu năm 2013 còn hơn 3,1 tỷ đồng, Công ty không trả nữa.
Ông Nghĩa kêu cứu Cục Thi hành án dân sự tỉnh An Giang, được bảo phải có hơn trăm triệu đồng làm thủ tục kê biên phát mãi mới hy vọng lấy tiền. Trong khi đó hơn 1,3 ha ao nuôi đã phải cấn nợ cho đại lý bán thức ăn, nhà cửa bị Eximbank đe dọa kê biên, vợ chồng ông trồng rau quanh nhà để sinh sống bữa no bữa đói.
Xuất khẩu nguyên con
Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra hiện cũng rất khó khăn, như một câu nói, cứ 10 doanh nghiệp thì "3 chết, 3 bị thương, 4 ngắc ngoải". Nhiều doanh nghiệp thuộc dạng "ngắc ngoải" đang phải xuất khẩu nguyên con cá tra đông lạnh.
Con cá tra không cắt vi vây gì cả, để nguyên nội tạng, chỉ rửa sạch đem đông lạnh, đóng thùng cho vào container đưa xuống tàu xuất dương. Chủ yếu xuất sang châu Phi, giá 1,3 - 1,4 USD/kg. Ông Tăng Tuấn Anh, Phó Giám đốc Công ty CP Thủy sản Mê Kông ở khu công nghiệp Trà Nóc (Cần Thơ) nói: Xuất khẩu cá tra nguyên con "không hấp dẫn lắm"; đây thực chất là xuất nguyên liệu thô, không có giá trị gia tăng và hầu như không có lãi.
Công ty CP Chế biến Thủy hải sản Hiệp Thanh (Công ty Hiệp Thanh) ở quận Thốt Nốt (Cần Thơ) còn xuất cá tra nửa con. Cá tra được chặt đầu, móc ruột gan, cứ 1,5kg cá tra nguyên liệu được 1kg cá tra đông lạnh, đóng hộp đưa xuống tàu xuất đi Trung Đông, châu Á và cả châu Âu.
Ông Phạm Hữu Đức, Phó Giám đốc Công ty Hiệp Thanh nói, phải tìm mọi cách để duy trì việc làm liên tục chứ thị trường "rất khó". Thị trường chính của hai doanh nghiệp này là Nga và Ukraine, hầu như đóng cửa trong nửa đầu năm nay vì nhiều lý do. Bươn chải tìm thị trường, phải xuất cá tra nguyên con và nửa con nên cá tra fillet lại tồn kho. Phó Giám đốc Công ty Hiệp Thanh - Phạm Hữu Đức cho biết, xuất sang Mỹ hết nửa năm chỉ được 2 container, nếu kéo dài tình hình như hiện nay sẽ không chịu đựng được.
Công ty Mê Kông hiện chỉ hoạt động nửa công suất nhà máy chế biến, mà đấy là đã chủ động được nguồn vốn, ít vay ngoài và không đầu tư dàn trải. Công ty Hiệp Thanh có nhà máy chế biến thức ăn thủy sản và cả vùng nuôi nhưng gặp khó về vốn nên công suất chế biến, số lượng công nhân hiện chỉ còn non nửa so với lúc hưng thịnh.
Nhiều doanh nghiệp có vùng nuôi cá tra, hồi nào là lợi thế, nay dường như lại bất lợi. Cá tra do doanh nghiệp nuôi thường có giá thành 22.000 - 23.000 đồng/kg; nông dân nuôi 20.000 - 22.000 đồng/kg. Ông Cao Hữu Sang nuôi 1,4 ha cá tra, tự nấu thức ăn (gọi là thức ăn chìm), giá thành 20.000 đồng/kg, ông Lê Tấn Lợi nuôi 1 ha cá tra, mua thức ăn công nghiệp (thức ăn nổi), giá thành 22.000 đồng/kg. Giá bán cá loại 1 hiện 19.000 - 19.500 đồng/kg. Không ít người tự hỏi: Ngành cá tra đã "đến đáy"?
Theo ông Hồ Văn Vàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, diện tích cá tra "treo ao" ở tỉnh Vĩnh Long khoảng 50%. Theo bà Phan Thị Hừng, Trưởng trạm Thủy sản Thốt Nốt - Vĩnh Thạnh (Cần Thơ), diện tích "treo ao" ở vùng này gần 26%. |
Theo Sáu Nghệ