MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cá tra Việt Nam: "Đứng cao" để thoát khó

29-05-2013 - 11:46 AM |

Phán quyết đợt POR8 của DOC vừa giáng đòn mạnh vào ngành cá tra Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh sản xuất trong nước đang rối. Một lần nữa cá tra Việt Nam bị đối xử bất công.

Quanh vấn đề này, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đã hé lộ một vài ý kiến.

Quyết định của DOC lần này, cả thời gian và cách thức đều không bình thường. Theo ông, nên đánh giá thế nào?

Kết quả này quả thực bất ngờ đối với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cá tra Việt Nam. Bởi cách đây 3 tháng, DOC vẫn chọn Bangladesh làm nước thứ ba và tính mức thuế cho doanh nghiệp Việt Nam thấp, thậm chí bằng 0%. Lần này họ chọn Indonesia làm nước thứ ba là không phù hợp, vì điều kiện giữa Việt Nam và Indonesia chưa tương đồng, các số liệu của Indonesia chưa phản ánh đúng lãi suất mặt hàng cá tra Việt Nam. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu, DOC đang phải chịu sức ép rất lớn từ Hiệp hội cá nheo Mỹ nên đã có phán quyết vội vàng gây bất lợi cho phía Việt Nam.

Bất lợi nhất đối với chúng ta trong phán quyết này là gì, thưa ông?

Với các vụ kiện thế này, cơ hội khiếu kiện thường rất nhỏ, nhưng nhỏ không có nghĩa chúng ta không làm gì. Hiện, các doanh nghiệp Việt Nam đã kiện DOC, nhưng kết quả thế nào còn phải đợi.

Phán quyết này cũng gây ít nhiều khó khăn đối với xuất khẩu cá tra Việt Nam sang Mỹ. Chúng ta phải chịu thuế cao hơn nên giá bán sẽ tăng, lợi thế cạnh tranh theo đó sẽ giảm, cửa vào thị trường Mỹ sẽ bị thu hẹp. Tuy nhiên, bản chất các đợt xem xét này chỉ có giá trị trong 1 năm, nên chúng ta vẫn còn cơ hội xoay chuyển tình thế.

Được biết, theo quy định của DOC, nếu doanh nghiệp lần thứ ba xem xét mà mức thuế vẫn bằng 0% thì có thể thoát khỏi vụ kiện; thế nhưng Công ty CP Vĩnh Hoàn sau 2 lần 0% giờ là 0,19 USD/kg, nghĩa là phải làm lại từ đầu. "Cuộc chiến"  này khó có hồi kết?

Đúng là theo quy định của DOC, nếu doanh nghiệp ba lần xem xét liên tiếp được tính thuế suất 0% sẽ thoát khỏi vụ kiện. Tuy nhiên, hiệu lực của quy định này lại không đảm bảo, bởi trước đó DOC đã ràng buộc nhiều điều kiện. Do đó, doanh nghiệp sau ba lần liên tiếp được tính thuế 0% vẫn còn phải phụ thuộc nhiều yếu tố, nhiều vấn đề nữa mới mong thoát, mà cũng chưa chắc thoát hẳn.

Cá tra Việt Nam đã mất hơn 10 năm để chứng minh sự minh bạch của mình; song dường như kết quả vẫn chưa được phía Mỹ tiếp nhận. Cứ  liên tục bị "đánh" kiểu này, liệu cá tra Việt Nam có trụ được ở Mỹ?

Hoạt động xuất khẩu phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là nhu cầu tiêu dùng và khả năng của đơn vị cung cấp. Thế có nghĩa, nếu còn cầu thì còn cung; người tiêu dùng Mỹ còn cần đến sản phẩm cá tra thì chúng ta vẫn xuất khẩu được vào Mỹ, và cơ hội của chúng ta chưa bao giờ hết. Tuy nhiên, phán quyết kiểu này cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam thêm khó khăn khi tiếp cận thị trường cũng như mở rộng thị phần tại Mỹ.

Liệu chúng ta có hạn chế được những việc tương tự thế này và phải làm những gì, thưa ông?

Bị kiện bán phá giá, một phần cũng do chúng ta, vì mức giá xuất khẩu luôn có xu hướng giảm. Hơn nữa, trong bối cảnh Mỹ chưa coi Việt Nam có nền kinh tế thị trường, chúng ta càng vướng hơn và luôn phải chọn nước thứ ba làm đối chứng. Tuy nhiên, việc chọn Indonesia làm nước thứ ba của DOC vừa qua lại gây nhiều bất lợi cho Việt Nam, vì không phản ánh đúng bản chất sự việc.

Để đối phó vấn đề như thế này, trước hết chúng ta phải tự thay đổi mình, tuân theo quy luật thị trường, thiết lập được giá sàn xuất khẩu, nhằm đưa giá xuất khẩu cao hơn. Nhưng giá cao phải hợp lý, bởi còn phụ thuộc chất lượng và giá trị sản phẩm; chất lượng thấp thì không thể giá cao. Chúng ta nên giảm phân khúc thấp, tập trung vào phân khúc cao để giá tốt hơn. Điều này không những giúp đảm bảo sản xuất ổn định trong nước mà còn tránh được những rắc rối tương tự xảy ra.

Theo Thu Hồng

khanhnt

Thủy sản Việt Nam

Trở lên trên