MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các nhà sản xuất cao su thất bại với kế hoạch đẩy giá tăng

06-08-2015 - 14:17 PM |

Nỗ lực của các nhà sản xuất cao su thiên nhiên nhằm đẩy giá tăng lên bằng việc cắt giảm nguồn cung dường như đã thất bại chỉ sau hơn 4 tháng thực hiện.

Giá cao su tham chiếu trên thị trường châu Á hiện còn thấp hơn so với hồi cuối tháng 4 - thời điểm ít nhất 10 công ty sản xuất lớn cam kết nỗ lực đẩy giá tăng lên và hạn chế nguồn cung cho sàn giao dịch SICOM ở Singapore.

Mấu chốt ở đây là mỗi nhà sản xuất phải khắc phục cám dỗ để nghiêm chỉnh chấp hành cam kết. Điều này khiến cho việc đạt được mục tiêu trở nên vô cùng khó khăn, giống như tình trạng của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) – đã rất khó khăn để định hướng giá dầu như mong muốn bởi một số thành viên sản xuất dầu với khối lượng vượt mức cam kết.

Mục tiêu đẩy giá cao su tăng lên càng trở nên khó khăn khi thị trường hàng hóa trên toàn cầu mấy tuần gần đây liên tục sụt giảm, trong bối cảnh nhu cầu từ phía Trung Quốc – nước nhập khẩu lớn nhất thế giới – ngày càng sa sút.

Tuy nhiên, giá cao su có vẻ như không chỉ bị ảnh hưởng bởi mối liên hệ với sàn SICOM.

Hợp đồng chủ chốt trên sàn SICOM phiên giao dịch 3/8 ở mức giá 137,4 US cent/kg, mức thấp nhất từ đầu năm tới nay, thậm chí thấp hơn cả mức 138 US cent của ngày 20/4/2014 – ngay trước khi các nhà sản xuất công bố kế hoạch đẩy giá tăng lên.

Sau khi liên tục sụt giảm trong tháng 4, giá cao su trên sàn SICOM đã tăng mạnh 20% sau đó lên 165,6 US cent hôm 29/5, nhưng giảm nhanh trở lại từ đó tới nay.

Xu hướng giá trên sàn TOCOM (Tokyo) cũng diễn biến tương tự, khi tăng 25% từ mức thấp của tháng 4 lên mức cao 243,8 yen/kg (196,6 US cent/kg) hôm 1/6, sau đó giảm nhanh trở lại mức 197,4 yen hôm 3/8, dưới cả mức 197,8 yen của ngày 9/4.

Cao su kỳ hạn tại Thượng Hải cũng tăng 20% từ 10/4 đến 6/5, nhưng đã giảm 23% xuống mức thấp chưa từng có là 12.570 NDT (1.027 USD)/tấn hôm 3/8, chỉ bằng 1/4 mức giá cao kỷ lục hồi tháng 2/2011.

Giá cao su thiên nhiên giảm cùng xu hướng với các hàng hóa khác. Cụ thể là giá dầu thô Brent giảm 27% từ mức cao kỷ lục của năm nay đạt được vào đầu tháng 5, trong khi quặng sắt giao ngay giảm 15% từ mức cao vào đầu tháng 6.

Điều này cho thấy giá cao su thiên nhiên tăng trong vòng vài tuần sau khi các nhà sản xuất công bố kế hoạch tang giá lên, không bởi bất kỳ lý do cung hay cầu nào, mà chủ yếu bởi những kỳ vọng rằng các công ty sản xuất sẽ giảm cung cấp cao su ra thị trường như đã hứa.

Mặc dù các số liệu về sản xuất, xuất khẩu và nhập khẩu trên toàn châu Á còn chưa được công bố đầy đủ, nhiều biểu hiện cho thấy nguồn cung vẫn dồi dào.

Tồn trữ trên sàn giao dịch kỳ hạn Thượng Hải đã tăng lên 182.714 tấn trong tuần kết thúc vào 31/7, tăng 36% so với 134.309 tấn trong tuần kết thúc vào 24/4.

Tồn trữ tăng ngay cả khi nhập khẩu cao su thiên nhiên vào Trung Quốc chậm lại, chỉ đạt 155.084 tấn trong tháng 6, tức là giảm 8,5% so với cùng tháng năm ngoái.

Trong 6 tháng đầu năm 2015, nhập khẩu cao su thiên nhiên vào nước này giảm 20,5% xuống 1,128 triệu tấn.

Trái lại, nhập khẩu cao su tổng hợp tăng 7,4% lên 812.747 tấn trong cùng kỳ, chủ yếu bởi giá dầu thô giảm mạnh khiến cho cao su tổng hợp tăng cạnh tranh với cao su thiên nhiên.

Xuất khẩu cao su Việt Nam, theo số liệu của Hải quan, đã tăng 21% trong 6 tháng đầu năm 2015 so với cùng kỳ năm ngoái, với 421.000 tấn, trở thành nước xuất khẩu lớn thứ 4 thế giới.

Trị giá xuất khẩu cao su Thái Lan cũng tăng 4,4% trong tháng 6, theo Bộ Thương mại nước này, chứng tỏ nước xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới đã tăng mạnh khối lượng xuất khẩu bởi giá trong tháng đó giảm.

Nhìn chung, bức tranh thị trường cao su châu Á thể hiện nguồn cung đang tăng lên, nhu cầu cũng duy trì tốt, hàng tồn kho cũng tăng và sự cạnh tranh mạnh hơn từ cao su tổng hợp.

Các nhà sản xuất có thể là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất tới giá cả trong số những yếu tố kể trên, và bằng chứng cho thấy họ vẫn đang hành động để đạt được điều đó.

 

Vân Chi

Reuters

Trở lên trên