Các quỹ giảm niềm tin vào hàng hóa
Các quỹ phòng hộ đã giảm đặt cược vào xu hướng giá nông sản tăng, với mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 1 khi chính phủ Mỹ đưa ra dự đoán về nguồn cung từ lúa mì cho tới gạo đều tăng.
Theo thống kê, các quỹ quản lý tiền tệ đang nắm giữ các trạng thái mua đối với nông sản, bao gồm cả bông và đậu tương, ở mức thấp nhất trong vòng 4 tháng. Chỉ số S&P Agriculture theo dõi giá của các nông sản giảm tuần thứ 7 liên tiếp – chuỗi ngày giảm dài nhất kể từ năm 2001.
Bộ Nông nghiệp Mỹ mới công bố báo cáo cho thấy dự trữ lúa mì sẽ ở mức cao nhất trong 3 năm, trước khi vụ thu hoạch 2015 bắt đầu. Dự trữ ngô cũng tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2000. Nguồn dự trữ tăng lên sẽ giúp thế giới giảm mối lo về nguồn cung thực phẩm. Chỉ số theo dõi giá nông sản của Liên Hợp quốc đã giảm tháng thứ 2 liên tiếp trong tháng 5.
Trong tuần vừa qua, chỉ số S&P Agriculture theo dõi giá nông sản giảm 4,6% - mạnh nhất trong vòng 1 năm. Chỉ số S&P GSCI theo dõi giá 24 hàng hóa nguyên liệu thô trong khi đó tăng 2,1%.
Đối với từng nhóm cụ thể, theo Ủy ban giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC), trong tuần vừa rồi trạng thái mua với 11 nông sản giảm 16% xuống 633.959 hợp đồng. So với mức đỉnh thiết lập hồi tháng 4 thì trạng thái hiện nay đã giảm 43%.
Đặt cược giá vàng tăng trong khi đó lạc quan hơn nhưng không đáng kể. Các quỹ phòng hộ tăng trạng thái mua với vàng của họ thêm 0,4% - tuần tăng đầu tiên trong 5 tuần. Giá vàng kỳ hạn tuần vừa rồi tăng tốt nhất kể từ tháng 3 do căng thẳng ở Iraq leo thang làm tăng nhu cầu an toàn trong vàng.
Trạng thái nắm giữ đồng giảm 69% xuống 5.107 hợp đồng – giảm mạnh nhất kể từ tuần đến ngày 6/5. Giá đồng kỳ hạn trên sàn Comex có 3 tuần giảm liên tiếp – chuỗi ngày biến động xấu nhất kể từ trung tuần tháng 3. Ngân hàng Thế giới giảm dự báo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu từ 3,2% xuống 2,8% làm tăng mối lo về nhu cầu kim loại đỏ.
>>> Barclays lên kết hoạch rút khỏi thị trường hàng hóa
Ngọc Toàn