MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cần nhanh chóng thành lập "Ủy ban Chè”

27-10-2013 - 13:04 PM |

Suốt một thời gian dài, ngành chè Việt Nam ít chú ý tới nhu cầu, khẩu vị cũng như mẫu mã của người nước ngoài nên việc xuất khẩu chè gặp nhiều khó khăn, giá trị xuất khẩu chè còn thấpi.

Mặc dù thời gian gần đây giá xuất khẩu (XK) chè đã tăng nhưng Việt Nam vẫn nằm trong nhóm quốc gia có giá XK chè thấp nhất thế giới.

Đây là vấn đề nhức nhối của ngành chè suốt nhiều năm qua. Nói tới câu chuyện giá trị XK chè thấp, bên cạnh hàng loạt những tồn tại của ngành chè suốt nhiều năm như chủ yếu xuất hàng thô, sử dụng nguyên liệu chất lượng không cao, điều đáng chú ý hơn cả là hiện nay có quá nhiều đầu mối XK chè. Do đó, các đối tác nước ngoài thường sử dụng hợp đồng ký với đơn vị này để ép giá đơn vị kia.

Các thương nhân nước ngoài đang sử dụng chính sự thiếu tổ chức trong ngành chè Việt Nam để trục lợi cho mình. Ngoài ra, suốt một thời gian dài, ngành chè Việt Nam ít chú ý tới nhu cầu, khẩu vị cũng như mẫu mã của người nước ngoài. Chúng ta cũng thiếu những DN “đầu đàn” để triển khai công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm nên chè Việt chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có một vị thế tốt để cạnh tranh.

Để làm rõ nguyên nhân cũng như biện pháp giải quyết gốc rễ vấn đề, chúng tôi đã phỏng vấn ông Đoàn Anh Tuân-Chủ tịch Hiệp hội Chè Việt Nam (Vitas).

Ông Đoàn Anh Tuân.


Hiện nay, các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ phát triển tự phát khá nhiều, dẫn tới khó quản lý về mặt chất lượng sản phẩm. Theo ông, đó có phải là một trong những nguyên do gây ảnh hưởng tới uy tín cũng như giá trị chè XK?

Hiện nay, việc cấp phép kinh doanh cho các cơ sở có phần đơn giản, dễ dàng nên số lượng cơ sở chế biến với quy mô nhỏ lẻ mọc lên nhanh chóng, tạo ra sự hỗn độn, khó quản lý. Chất lượng sản phẩm chè tạo ra cũng vì thế mà nhiều khi “vàng thau lẫn lộn”. Đó là điều hiển nhiên.

Tôi cho rằng, chè cũng là một loại thực phẩm, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của người tiêu dùng cả trong lẫn ngoài nước. Do vậy, đối với các cơ sở chế biến, cơ quan chức năng cần siết chặt việc cấp phép ngay từ đầu. Cụ thể, có thể đặt ra điều  kiện, quy chế rõ ràng. Ví dụ, DN phải đạt các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, phải có máy móc phù hợp, đạt chuẩn, trình độ công nhân có tay nghề cao… mới được cấp phép sản xuất.  

Như ông đã nói, vấn đề có quá nhiều đầu mối XK là một trong những nguyên do chính khiến giá XK chè Việt thiếu sự cạnh tranh. Vậy, mấu chốt thúc đẩy giá XK tăng lên chính là tập trung các đầu mối XK lại, thưa ông?

Trong ngành nông sản có đặc thủ riêng, nếu có quá nhiều đầu mối XK thì các DN thay vì việc đầu tư nâng cao chất lượng, nâng giá XK lại trở lại cạnh tranh lẫn nhau, ép giá xuống. Cuối cùng, tạo áp lực giá lên người nông dân để mua nguyên liệu với giá thấp, khiến nông dân dần mất đi động lực trồng, chăm sóc cây chè tốt hơn.

Tôi cho rằng, trong tương lai, chúng ta phải tập trung đầu mối XK lại, với số lượng số ít để đủ sức mạnh, có tiếng nói trên thị trường thế giới. Nếu làm được như vậy, các DN có thể dễ dàng ngồi lại với nhau để giữ được giá XK ổn định, cùng nhau gây dựng thương hiệu chung cho chè Việt Nam. Việc thu gọn số lượng đầu mối XK nên và cần làm càng sớm càng tốt.

Cơ quan chức năng có thể đưa ra các quy chuẩn, ví dụ như DN tầm cỡ nhất định, có trách nhiệm trong việc xây dựng vùng nguyên liệu chè mới được XK. Ngoài ra, DN muốn XK cũng phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn kỹ thuật cho phép.

Ngoài siết chặt điều kiện cấp phép cơ sở chế biến, tập trung đầu mối XK, theo ông, cần phải làm gì để ngành chè phát triển bền vững hơn?

Theo tôi, chúng ta phải cần nhanh chóng tiến hành dồn điên đổi thửa, tạo thành những đồn điền lớn, quy mô DN lớn chứ không phải manh mún, nhỏ lẻ như hiện nay. Về vấn đề này, nếu không có tác động của chính sách thì tự ngành hàng sẽ vận động như thế.

Một điều quan trọng nữa là, cần thành lập một "Ủy ban Chè" riêng. Trong đó, có sự tham gia của rất nhiều bộ, ngành có liên quan. Bởi, hiện nay ngành chè là do Bộ NN&PTNT quản lý nhưng lại bị tác động bởi nhiều cơ quan bộ ngành khác như Bộ Y tế, Tài chính, Công Thương. Chỉ khi có một ủy ban thống nhất như thế mới có thể cùng nhau tháo gỡ và quản lý ngành chè, giúp ngành chè phát triển thực sự bền vững.

Xin cảm ơn ông!

Theo Thanh Nguyễn

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên