Cấp bậy chứng nhận hàng trăm loại phân bón
Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an xác định, Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia đã cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón, tuy nhiên có tới 118 sản phẩm không được lấy mẫu và 697 sản phẩm không được phân tích mẫu…
- 07-01-2016Bán phân bón trị bá bệnh ghi bằng tiếng nước ngoài
- 19-12-2015Phát hiện đường dây làm giả phân bón từ muối và bột gạch
- 08-12-2015Bất thường trong kết quả kiểm tra chất lượng phân bón
Ngày 11/1, Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ vụ án sang Viện KSND Tối cao đề nghị truy tố bị can Phạm Trung Hòa (SN 1972), nguyên Phó giám đốc Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia, thuộc Cục Trồng trọt, Bộ NN&PTNT về tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Liên quan vụ án còn có 2 cựu cán bộ dưới quyền của ông Hòa bị đề nghị truy tố về cùng tội danh, gồm: Vũ Tuấn Linh (SN 1975), nguyên Phó Trưởng phòng Khảo nghiệm phân bón và Phan Thị Quỳnh Hương (SN 1968), nguyên cán bộ thuộc trung tâm này.
Cấp giấy chứng nhận, thu tiền tỷ
Được biết, tháng 11/2012, Cục Trồng trọt ban hành quyết định chỉ định Trung tâm Khảo nghiệm phân bón quốc gia (KNPB) là tổ chức chứng nhận chất lượng phân bón. Sau đó, trung tâm này giao ông Hòa cùng Linh, Hương chịu trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ, thực hiện hoạt động chứng nhận chất lượng phân bón. Thực hiện nhiệm vụ được giao, từ tháng 12/2012 - 6/1/2014, 3 bị can trên đã làm thủ tục và cấp giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón của 78 Cty, tuy nhiên, quy trình đánh giá sản phẩm có nhiều sai phạm.
Cụ thể, kết luận điều tra xác định: Linh và Hương đã không tiến hành đánh giá thực tế điều kiện sản xuất, không lấy mẫu đối với 118 sản phẩm phân bón của 30 Cty; 2 cán bộ này đến 48 Cty nhưng không đánh giá đúng quy trình về điều kiện sản xuất, không lấy mẫu, hoặc lấy không đủ mẫu theo quy định, không phân tích mẫu đối với 697 sản phẩm phân bón. Thậm chí, vị Phó trưởng phòng Khảo nghiệm phân bón - Vũ Tuấn Linh còn chỉ đạo cấp dưới “không lấy đủ mẫu phân bón của Cty Cổ phần Dinh dưỡng Việt Tín và lập khống biên bản lấy mẫu”.
CQĐT xác định, bị can Phạm Trung Hòa biết việc Linh và Hương không đi đánh giá thực tế, không lấy mẫu để phân tích song vẫn ký giấy chứng nhận chất lượng cho 815 sản phẩm phân bón. Qua việc cấp giấy chứng nhận chất lượng phân bón, trung tâm này đã thu về gần 1,3 tỷ đồng và được các Cty trả thêm 353 triệu đồng ngoài thỏa thuận theo hợp đồng. Trong đó, bị can Phạm Trung Hòa hưởng lợi 35 triệu đồng, Vũ Tuấn Linh 45 triệu đồng, Phan Thị Quỳnh Hương 35 triệu đồng, số tiền còn lại được các bị can chi tiêu và sử dụng chung cho các hoạt động khác liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận chất lượng.
Cả trăm sản phẩm không được phép sản xuất, kinh doanh
Đáng chú ý, quá trình điều tra phát hiện, trong số 815 sản phẩm phân bón được trung tâm này cấp chứng nhận có tới 111 sản phẩm không nằm trong danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam. Ngoài ra, các bị can còn áp các tiêu chí đánh giá đối với phân bón sản xuất trong nước để chứng nhận chất lượng cho phân bón nhập khẩu đối với hơn 530 sản phẩm.
Cũng theo cơ quan điều tra, tháng 11/2012, Hội đồng thẩm định do Cục Trồng trọt thành lập đã thông qua 15 loại phân bón mới. Khi tập hợp kết quả, ông Cao Việt Hưng (nguyên Phó trưởng Phòng sử dụng đất, phân bón; hiện là cán bộ Phòng quản lý chất lượng và môi trường thuộc Cục Trồng trọt) do sơ suất đã thêm 1 sản phẩm của Cty Nicotex vào danh sách, do đó có 16 loại phân bón mới được đưa vào danh mục phân bón được phép sản xuất tại Việt Nam. Đến tháng 6/2014, sau khi phát hiện 16 loại phân bón nêu trên chưa tiến hành khảo nghiệm, Bộ NN&PTNT đã loại khỏi danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.
Đến tháng 6/2014, sau khi phát hiện 16 loại phân bón nêu trên chưa tiến hành khảo nghiệm, Bộ NN&PTNT đã loại khỏi danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh.
Tiền phong