Cấp thiết tái cơ cấu ngành muối
Giá muối thấp, tiêu thụ không ổn định, đời sống của diêm nghiệp gặp rất nhiều khó khăn. Để kịp thời tháo gỡ cho ngành muối phát triển, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) đã công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
- 19-06-2015Muối Hải Hậu 'mặn chát'
- 11-06-2015Diêm dân khóc ròng vì muối ế
- 08-06-2015Muối miền Trung bị rớt giá thê thảm
Cần tháo gỡ vướng mắc
Cả nước hiện có 21 tỉnh, thành phố, gồm 41 huyện, 118 xã có nghề sản xuất muối. Theo thống kê của Cục Chế biến nông - lâm - thủy sản và nghề muối, năm 2014 cả nước có tổng diện tích diện tích muối là 14.814 ha, tổng sản lượng đạt gần 1,2 triệu tấn và có 32.079 hộ dân làm muối. Hiện nay, do giá muối thấp, lượng muối tồn nhiều nên người dân rất khó khăn. Các địa phương có diện tích đồng muối cho rằng, do giá muối thấp, tiêu thụ không ổn định nên nghề muối đang đứng trước những khó khăn, rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước.
Nghệ An là một trong những tỉnh có diện tích đồng muối lớn là 793 ha, năm 2014 tổng sản lượng muối là 85.000 tấn, nhưng hiện tại trong dân tồn khoảng 10.000 tấn. Lý giải việc tồn kho, ông Hoàng Đình Hùng, Phó Chi cục Chi cục phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: “Vì giá muối quá thấp, khoảng 1.300 đồng/kg nên người dân, doanh nghiệp không xuất mà đóng kho chờ giá muối lên cao.
Mặt khác, lượng muối công ty thu mua trên địa bàn để chế biến hạn chế mà nhập muối từ các tỉnh phía Nam”. Trong khi tại các xã lượng muối tồn chủ yếu ở các đại lý thu mua, thì ở xã Quỳnh Thuận (Quỳnh Lưu) lượng muối tồn chủ yếu ở trong dân. Vấn đề này do trên địa bàn xã Quỳnh Thuận có rất ít các đại lý đứng ra thu mua muối cho dân, lượng muối làm ra chủ yếu diêm dân tự tiêu thụ nên giá giảm mạnh, chẳng ai muốn bán.
Trên cánh đồng muối xã Quỳnh Thuận hàng chục ha, tháng 5 là vụ chính nhưng người làm trên đồng vắng tanh. Bà Bùi Thị Thu hốt hả xúc muối lên xe công nông để chở về kho dự trữ. Nói về tình hình người dân làm muối, bà Thu dừng tay nói: “Cứ gắn bó với nghề làm muối thì nghèo, giá muối thấp như hiện nay thì làm không đủ ăn. Nhà nước cần có chính sách để hỗ trợ cho người dân bớt khổ”. Trao đổi với UBND huyện Quỳnh Lưu về vấn đề người dân dần bỏ nghề làm muối, ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chủ tịch huyện cho rằng, giá muối hai năm trở lại đây thấp, vì vậy người dân không mặn mà với đồng muối nữa. Đa số lao động trẻ bỏ đi làm ăn xa, hiện lao động làm muối chỉ có ông bà già và trẻ em. Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ, tăng giá muối để cải thiện đời sống người dân làm muối.
Nói về vấn đề khó khăn của ngành muối, bà Trần Thị Bình, Giám đốc Công ty CP thương mại Muối Nam Định phàn nàn: “Chất lượng muối trong nước đảm bảo như muối nhập khẩu, tại sao chúng ta cứ phải nhập khẩu muối của các nước khác? Đây là một trong những nguyên nhân không kích cầu được giá thành muối trong nước tăng cao, khiến lượng muối tồn còn nhiều”.
Mở nút thắt
Sản xuất muối ở nước ta hiện nay chủ yếu vẫn theo phương pháp thủ công, các vùng sản xuất muối trên toàn quốc đều hình thành từ lâu dựa trên yếu tố thuận lợi về thời tiết, vị trí, diện tích... và đa phần mang tính tự phát. Do sản xuất phụ thuộc nhiều vào thời tiết, vì vậy ngoài yếu tố về khoa học công nghệ, thì số ngày nắng và mưa trong năm nhiều hay ít là điều kiện quyết định tới sản lượng, chất lượng muối, gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển ngành muối.
Ngày 23/6, Bộ NNPTNT đã tổ chức Hội nghị công bố Kế hoạch hành động tái cơ cấu ngành muối theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Mục tiêu kế hoạch tái cơ cấu ngành muối cụ thể là đến năm 2020, tổng diện tích muối ổn định 14.500 ha, sản lượng 2.000.000 tấn; nâng cấp cơ sở hạ tầng, hệ thống thủy lợi đồng muối của dân, áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, chế biến, nâng cao giá trị gia tăng ít nhất 20%; xây dựng được mô hình liên kết hợp tác sản xuất muối sạch bền vững, thúc đẩy sự hợp tác của người dân trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ muối.
Để Kế hoạch tái cơ cấu ngành muối thành công, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nhấn mạnh: Cục chế biến nông – lâm – thủy sản và nghề muối nghiên cứu thành lập Hiệp hội nghề muối. Hiệp hội sẽ là cầu nối các doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước, bảo vệ quyền lơi người sản xuất và doanh nghiệp.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có sản xuất muối chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện có sản xuất muối rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất, chế biến muối trên địa bàn phù hợp với “Quy hoạch Phát triển sản xuất muối đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” đã được phê duyệt; giữ ổn định diện tích sản xuất muối hiện có theo quy hoạch được phê duyệt.
Báo tin tức