Cây cao su tại miền Trung: Không chỉ là câu chuyện “quy hoạch”
Cuối tháng 9, cơn bão số 10 với tên quốc tế mỹ miều là “cánh bướm” cũng lấy đi không ít cây cao su ở đây. “Vàng trắng” chưa thấy đâu, hàng vạn nông dân đã “vàng mắt” và trắng tay.
- 20-10-2013Nước mắt 'vàng trắng'
- 17-10-2013Hàng vạn hécta caosu bị tàn phá sau bão: Bộ NNPTNT không thể né trách nhiệm
- 16-10-2013Tan tành vườn cao su
- 11-10-2013Vẫn trồng cao su ở vùng bão
Quy hoạch cây cao su ra sao tại miền Trung, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, khai thác… là những việc ngành Nông nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới để hài hòa lợi ích của người trồng cao su, doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường cũng như thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, “xóa đói giảm nghèo”.
Theo thống kê mới nhất của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão TW thì diện tích cây công nghiệp, lâm nghiệp bị gãy đổ tại miền Trung sau cơn bão số 11 là 5.351ha. Trong số này, có không ít cây cao su đã đổ rạp trước sự nghiệt ngã của thiên nhiên. Cuối tháng 9, cơn bão số 10 với tên quốc tế mỹ miều là “cánh bướm” cũng lấy đi không ít cây cao su ở đây. “Vàng trắng” chưa thấy đâu, hàng vạn nông dân đã “vàng mắt” và trắng tay.
Câu chuyện “nuôi con gì, trồng cây gì” ở nơi “rốn bão” này lại một lần nữa được xới lên, một cách nghiêm túc. Vì nói như nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn thì “tạm tính thiệt hại của bão số 10 cho cây cao su cỡ 5.000 tỉ đồng thì không thể để nó trôi qua được”.
Cây cao su được người Pháp đưa vào Việt Nam lần đầu tiên tại vườn thực vật Sài Gòn năm 1878 nhưng không sống. Đến năm 1920, miền Đông Nam bộ có khoảng 7.000ha và sản lượng 3.000 tấn. Cây cao su được trồng thử ở Tây Nguyên năm 1923 và phát triển mạnh trong giai đoạn 1960 - 1962, trên những vùng đất cao 400 - 600m so với mặt biển.
Theo một chuyên gia, người Pháp đã thực địa rất kỹ trước khi chọn Đông Nam bộ để trồng cây cao su. Đây là vùng đất đỏ, màu mỡ, điều kiện khí hậu ổn định, ấm áp. Tuy nhiên, gần đây diện tích cao su được mở rộng ra cả nước, đến năm 2013 đạt 915.000ha, trong đó 56% đã cho khai thác. Việt Nam đã trở thành nước đứng thứ 5 trên thế giới về diện tích trồng cao su. Hàng chục nghìn ha cao su được trồng tại miền Trung và được coi là “thu hút nhiều hộ gia đình và lao động địa phương tham gia trồng cây cao su, góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống”.
Theo tính toán, chi phí đầu tư cho 1ha cao su trồng mới gồm tiền khai hoang đất rừng 15 - 20 triệu đồng, cây giống 12 triệu đồng, phân bón, công lao động tổng cộng khoảng 40 - 50 triệu đồng. Một cán bộ nghiên cứu so sánh: 1 ha trồng keo lá tràm sau 5 năm sẽ mang lại lợi nhuận từ 5 - 7 triệu đồng. Với diện tích ấy nếu trồng cây cao su, sau 7 năm đưa vào khai thác mủ, lợi nhuận hàng năm tăng gấp 4 lần so với trồng cây keo.
Trở lại chuyện nhiều cây cao su bị “đốn hạ” sau 2 cơn bão, có nhà khoa học đã chỉ ra rằng, cây cao su tại miền Trung rất “yếu” do nhiều hộ trồng đã cạo mủ cao su theo kiểu “vắt kiệt” trong 6 ngày liền mới nghỉ 1 ngày, trong khi kỹ thuật canh tác yêu cầu 2 ngày khai thác, 1 ngày nghỉ. Thêm nữa việc trồng cao su từ cây chứ không phải từ hạt khiến cây cao su tại miền Trung không có bộ rễ cắm sâu, cây cao su thân giòn không chịu được sức gió mạnh nên dễ gãy đổ. Nhiều chuyên gia nhận định, miền Trung, nơi được coi là “rốn lũ” và vùng Tây Bắc vốn có thời tiết rét đậm không phù hợp với việc trồng cây cao su. Chưa kể, việc phát triển cây cao su khiến cho nhiều ha rừng “ra đi”.
Nói gì thì nói, có một thực tế là, hiện nay ở miền Trung vẫn còn hàng vạn ha cao su, kéo theo đó là cuộc sống hàng nghìn hộ nông dân, công nhân. Về mặt chủ trương, các tỉnh miền Trung vẫn tiếp tục phát triển cây cao su và coi đây là cây “xóa đói giảm nghèo”. Ví như Quảng Nam vẫn tiếp tục định hướng quy hoạch gần 60.000ha cây cao su trong vòng 7 năm nữa.
Do đó, vấn đề cốt yếu hiện nay là đi tìm giải pháp để giúp cây cao su “sống chung” với bão và giúp người nông dân giảm thiểu thiệt hại. Nhiều người đang đưa giải pháp về mặt kỹ thuật như dành một phần đất để trồng cây chắn gió làm “đê bao” che chở cho vườn cây cao su hay việc “bảo trợ” cho cây cao su thông qua triển khai mua bảo hiểm cho cây cao su trên địa bàn…
Chắc hẳn sẽ còn nhiều việc phải bàn. Và “quả bóng” đang được chuyền về Bộ Nông nghiệp: Quy hoạch cây cao su ra sao tại miền Trung, cung cấp giống, hướng dẫn kỹ thuật trồng, khai thác… Thiết nghĩ, đó là những việc ngành Nông nghiệp phải thực hiện trong thời gian tới để hài hòa lợi ích của người trồng cao su, doanh nghiệp vừa bảo vệ môi trường cũng như thực hiện mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội, “xóa đói giảm nghèo”
Theo Diệp Linh