MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Chặn đường” phân bón giả

04-06-2013 - 09:00 AM |

Bất cập từ khung pháp lý đang giúp các cơ sở sản xuất phân bón lách luật, kinh doanh phân bón giả. Bởi thế, việc ra đời khung pháp lý mới để quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón là cần thiết.

Phân bón giả “hoành hành”

Ông Trương Hợp Tác, Trưởng phòng Phân bón, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có hơn 500 đơn vị sản xuất và khoảng 30.000 đơn vị lớn nhỏ kinh doanh mặt hàng phân bón. Trong khi đó, phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện, do vậy nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, làm ra mặt hàng kém chất lượng vẫn được tham gia sản xuất, kinh doanh.

Bất cập này đã làm nảy sinh nhiều vi phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón, đặc biệt là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng đang diễn ra ở hầu hết các địa phương trong cả nước. Ví dụ như, một số cơ sở ở Bình Thuận, Bình Dương, TP.HCM đã làm phân bón kém chất lượng và nhái nhãn hiệu của Tập đoàn Quốc tế Năm Sao, Công ty CP XNK Hà Anh, Công ty CP Vật tư Nông sản…

Còn theo bà Nguyễn Kim Liên, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tình trạng sản phẩm phân bón thiếu hàm lượng chất dinh dưỡng, các chỉ tiêu dinh dưỡng thấp hơn tới 80% mức quy định bị phát hiện ngày càng nhiều. Việc sử dụng phân bón giả gây thiệt hại lớn cho người nông dân, có thể lên đến hàng tỷ đồng mỗi năm, thậm chí nhiều loại cây trồng còn mất trắng do sử dụng phân bón giả.

Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Gia Tường, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho biết, phân bón cung cấp dinh dưỡng cho cây trồng, làm tăng độ mầu mỡ của đất, trái lại cũng là loại có thể gây tác động xấu tới môi trường. “Phân bón kém chất lượng gây thiệt hại lớn, tác hại không kém so với việc sử dụng dược phẩm giả”, ông Tường ví von.

Tuy nhiên, theo đại diện của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), do địa điểm sản xuất phân bón giả thường ở những nơi khó kiểm soát, xa dân cư, do lực lượng mỏng nên hoạt động kiểm tra, kiểm soát thị trường vẫn chưa theo sát được tình hình.

Hơn thế, việc quản lý phân bón theo Danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam như hiện nay rất tốn kém, vừa mất thời gian khảo nghiệm, vừa gây khó khăn cho việc tra cứu (trên 5.000 loại phân bón có trong Danh mục), không thực hiện được việc truy xuất nguồn gốc, dẫn tới hiệu quả quản lý thấp.

Ông Trương Hợp Tác cho hay, để đưa một loại phân bón vào trong Danh mục phân bón cần phải thực hiện qua 13 thủ tục hành chính khác nhau. Do vậy, việc quản lý phân bón theo hình thức “Danh mục phân bón” không còn phù hợp với nhu cầu phát triển của thực tế sản xuất và xu hướng hội nhập quốc tế.

“Siết” khung pháp lý

Với những bất cập nêu trên, nhiều DN cho rằng, cần đưa hoạt động sản xuất phân bón vào khuôn khổ. Ông Nguyễn Hồng Vinh, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Phân bón và Hóa chất dầu khí mong muốn rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý về điều kiện để việc quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh phân bón được thống nhất. “Quan trọng nhất là chúng ta phải dần loại bỏ những loại phân bón kém chất lượng, chất lượng không như cam kết để đảm bảo quyền lợi người nông dân cũng như các DN sản xuất uy tín, có thương hiệu...”, ông Vinh nói.

Đáp lại những mong mỏi này, bà Nguyễn Kim Liên cho biết, Bộ Công Thương đã có dự thảo Nghị định quy định quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón thay thế Nghị định 113/2003/NĐ-CP và Nghị định 191/2007/NĐ-CP. Theo dự thảo này, mặt hàng phân bón sẽ được đưa vào danh mục sản xuất có điều kiện.

Tức là, DN phải đáp ứng các yêu cầu về cơ sở vật chất, nhân lực, hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng phân bón; loại bỏ những đơn vị yếu kém, không đủ điều kiện, sản xuất phân bón giả, kém chất lượng. Việc quy định chi tiết điều kiện sản xuất đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, XK, NK phân bón cũng sẽ tạo thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra, phân loại, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Về khảo nghiệm phân bón, khác với Nghị định số 113 và Nghị định 191, dự thảo Nghị định quy định tổ chức, cá nhân có phân bón tự khảo nghiệm hoặc hợp đồng với đơn vị đủ điều kiện để khảo nghiệm theo quy phạm khảo nghiệm do Bộ NN&PTNT ban hành và tự chịu trách nhiệm về kết quả khảo nghiệm; không thành lập Hội đồng công nhận và bỏ quy định về Danh mục phân bón được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam. “Đây là thay đổi rất cơ bản, nhằm tạo thuận lợi cho DN nhanh chóng đưa phân bón mới vào sản xuất, bỏ các thủ tục hành chính không cần thiết”, bà Liên cho hay.    

Theo Bộ Công Thương, năng lực sản xuất phân bón trong nước hiện đã đáp ứng trên 80% nhu cầu sử dụng phân vô cơ với tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt trên 8 triệu tấn các loại. Mặt hàng phân lân, các DN trong nước hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu cho sản xuất nông nghiệp với công suất 2.000.000 tấn/năm. Mặt hàng phân ure đã đáp ứng 100% nhu cầu và bắt đầu XK. Chỉ còn hai loại phân bón SA và Kali và một phần DAP vẫn phải NK do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng với sản lượng NK mỗi năm 2,3 triệu tấn.     

Theo Diệp Anh

 

khanhnt

Báo hải quan

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên