Chăn nhờ, nuôi hộ
Thực tế, hiện lợi nhuận của người chăn nuôi đang rất thấp, lý do vì những bất hợp lý trong tổ chức thị trường con giống và thức ăn chăn nuôi đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Nửa đầu năm 2014, Việt Nam đã nhập khẩu 5,9 triệu tấn nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, với tổng kim ngạch 2,42 tỷ USD. Tính về khối lượng, nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi đã tăng 55% so với cùng kỳ năm 2013. Nhưng khối lượng này chỉ làm tăng 29% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013.
Theo báo cáo Cục Chăn nuôi thuộc Bộ NN&PTNT, ngoài nguyên liệu thức ăn chăn nuôi chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nhập khẩu các loại hàng hóa phục vụ nông nghiệp, thì Việt Nam còn nhập khẩu 1.656 con lợn giống, với tổng trị giá hơn 1,45 triệu USD, và 944.965 con giống gia cầm, với tổng trị giá hơn 3,67 triệu USD.
Bất hợp lý về giống
Kết luận rút ra từ những số liệu này là ngành chăn nuôi Việt Nam đang rất bế tắc trong việc sản xuất ra con giống phù hợp với nhu cầu thị trường. Nhưng thực ra, với 70% dân số sống ở khu vực nông thôn, hoạt động trong ngành nông nghiệp, và với nền sản xuất nông nghiệp truyền thống từ hàng chục năm, cộng với gần 30 năm đổi mới… mà vẫn phải đi nhập khẩu con giống để tạo ra nguồn vật nuôi trong nước, việc nhận xét Việt Nam vẫn bế tắc trong tự chủ về con giống còn là quá nhẹ nhàng. Nếu không nói là đã thất bại trong chương trình phát triển con giống cho nền chăn nuôi quốc gia. Đó chưa phải là thất bại duy nhất.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, 6 tháng đầu năm 2014, Việt Nam đã xuất khẩu 3,261 triệu tấn gạo, đạt kim ngạch 1,474 tỷ USD, giảm 8,3% về lượng và 6,1% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2013. Hiện giá gạo Việt Nam đang ở mức thấp so với các quốc gia xuất khẩu gạo khác.
Tuy nhiên, điều nhìn thấy là kim ngạch xuất khẩu gạo khá tương đồng với kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Nhưng nếu tính cả lượng phân bón nhập khẩu 7 tháng đầu năm 2014 đạt gần 2,1 triệu tấn (kim ngạch 666 triệu USD) để phục vụ sản xuất ra lượng gạo xuất khẩu này, thì có thể thấy chi phí dành cho xuất khẩu gạo đang cao hơn hẳn chi phí cho ngành thức ăn chăn nuôi.
Một đại diện của Cục Chăn nuôi có lần giải thích, việc Việt Nam phải tăng nhập khẩu nguyên liệu thức ăn chăn nuôi là vì hai nguyên liệu chủ yếu là ngô và đậu tương trồng trong nước không đủ phục vụ nhu cầu. Hiện mỗi năm Việt Nam mới sản xuất được sản lượng hơn 1 triệu tấn ngô, nhưng nhu cầu cần dùng để sản xuất thức ăn chăn nuôi là từ 4 – 5 triệu tấn/năm. Cách giải thích này cho thấy cơ cấu cấy trồng của Việt Nam đang rất bất hợp lý, khi không điều chỉnh được diện tích trồng cấy để cung ứng đủ cho nhu cầu của ngành thức ăn chăn nuôi – vốn dĩ có giá trị gia tăng cao hơn cây lúa.
Cũng theo lãnh đạo này, để xử lý bất hợp lý này, Bộ NN&PTNT đang khuyến khích nông dân chuyển đổi một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng ngô, để gia tăng nguồn cung cho sản xuất thức ăn chăn nuôi trong nước. Tuy nhiên, cách lựa chọn "một số diện tích trồng lúa hiệu quả thấp" này lại cho thấy cơ quan quản lý khá dè dặt với sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp theo định hướng thị trường. Vì nếu ngô có giá tốt hơn lúa, thì nên lựa chọn ngô như là cây trồng chính, thay vì là cây trồng thay thế tạm thời cho lúa.
Thực tế, hiện lợi nhuận của người chăn nuôi đang rất thấp, lý do vì những bất hợp lý trong tổ chức thị trường con giống và thức ăn chăn nuôi đã kéo dài suốt nhiều năm qua. Về con giống hiện đều do các doanh nghiệp cung cấp. Tuy nhiên, giá cả con giống gia súc, gia cầm lại biến động theo hướng rất bất lợi cho người nuôi. Chẳng hạn với con giống gà hiện đang ở mức từ 20.000 – 25.000 đồng/con 1 ngày tuổi, tăng khoảng 6.000 – 8.000 đồng/con so với thời điểm đầu năm.
Lý do tăng vì sau vụ gà tết thất bát, nhiều hộ nông dân bỏ chuồng nuôi dẫn tới thiếu hụt, tăng giá gà thương phẩm trên thị trường. Khi nông dân quay trở lại ồ ạt tái lập chuồng nuôi, thì các doanh nghiệp cung cấp giống lập tức tăng giá gà giống.
Câu chuyện tương tự cũng xảy ra với nguồn lợn giống và các gia cầm khác. Do giá gà giống tăng nhanh, đã xuất hiện lại hiện tượng nhập lậu gà giống Trung Quốc, với chất lượng con giống không rõ ràng, đảm bảo, nguy cơ rủi ro cao với người nuôi. Điều này cho thấy, do thiếu biện pháp kiểm soát và điều phối, can thiệp vào giá con giống vật nuôi của các cơ quan, mà nông dân đã phải chịu thiệt thòi từ chính nguồn con giống.
Hết lợi vì giá thức ăn cao
Nhưng thiệt thòi lớn nhất lại đến từ thức ăn chăn nuôi. Hiện việc cung ứng thức ăn chăn nuôi thực hiện theo hai hình thức. Chẳng hạn, doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi trực tiếp cung cấp thức ăn chăn nuôi cho trang trại, hộ gia đình để thuê nuôi gia công gia súc, gia cầm, hoặc thu tiền trực tiếp. Hình thức này phổ biến tại khu vực phía Nam – vốn là khu vực tập trung nhiều trang trại chăn nuôi tập trung quy mô lớn.
Tuy nhiên, do giá gia súc, gia cầm nuôi theo hình thức này rất thấp (gà trắng dưới 30.000 kg, lớn dưới 50.000 kg), nên tiền gia công không cao, xét về tỷ lệ vốn đầu tư trên lợi nhuận thu được là thấp. Đồng thời chất lượng thịt của vật nuôi không đảm bảo, nếu không nói là tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người sử dụng.
Hình thức thứ hai, phổ biến nhất, là các doanh nghiệp sản xuất thức ăn chăn nuôi bán hàng qua hệ thống đại lý tại các địa phương. Và là bán theo hình thức thu tiền trước, trả hàng sau, cắt chiết khấu ở mức từ 2 – 10% giá thành thức ăn. Do phải trả tiền trước, nhưng lại chủ yếu bán chịu cho bà con nông dân chăn nuôi, nên các đại lý này thường tính thêm lãi mua chịu và giá thức ăn chăn nuôi.
Tính tổng cộng, chênh lệch giữa giá thành xuất xưởng của nhà sản xuất với giá mua chịu của bà con nông dân lên tới 15 – 20% giá thức ăn chăn nuôi. Và điều này gần như đã lấy đi toàn bộ lợi nhuận người nuôi có thể thu được. Nói cách khác là lợi nhuận từ chăn nuôi rơi hết vào nhà sản xuất và hệ thống đại lý, thay vì người nông dân được hưởng. Người chăn nuôi, do thế, không khác gì chỉ nuôi hộ gia súc, gia cầm cho hệ thống sản xuất và phân phối thức ăn chăn nuôi. Đồng thời lại triệt tiêu khả năng hạ giá thành chăn nuôi, khiến giá thành sản phẩm chăn nuôi luôn ở mức rất cao mà không có biện pháp nào để hạ gia.
Thực tế này "đẻ" tiếp ra hệ lụy khác, là để đảm bảo lợi nhuận, nhà sản xuất và người nuôi thi nhau tìm cách đưa các chất kích thích tăng trưởng vào thức ăn và vật nuôi. Để từ đó rút ngắn thời gian nuôi, gia tăng trọng lượng vật nuôi và tận thu thêm lợi nhuận. Kết quả cuối cùng là chất lượng thịt vật nuôi không đảm bảo. Điều đó giải thích vì sao người tiêu dùng trong nước quay lưng với chính sản phẩm chăn nuôi trong nước, mà chú trọng sử dụng sản phẩm chăn nuôi nhập khẩu. Đáng tiếc là trong sự gia tăng không mong muốn ấy, thì lại chưa thể "nhìn" ra biện pháp để khắc phục.
Thách thức "đè nặng" chăn nuôi
Theo Tư Hải