Chăn nuôi điêu đứng vì chống dịch yếu kém
Dịch cúm gia cầm xảy ra ở VN vào thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã hơn 10 năm. Thế nhưng đến nay dịch cúm vẫn hoành hành và gây thiệt hại rất nặng.
- 01-05-2014Chăn nuôi chưa hết khó
- 22-04-2014Chăn nuôi ì ạch, tại sao?
- 11-04-2014Chăn nuôi chật vật tái đàn
- 24-03-2014Ngành chăn nuôi lỗ 27.000 tỷ đồng
Đã liên tiếp hơn 10 năm nay, năm nào ngành chăn nuôi cả nước cũng chịu thiệt hại nặng nề vì dịch cúm gia cầm. Nhưng năm nay người chăn nuôi đặc biệt cùng quẫn hơn vì ảnh hưởng của dịch bệnh và suy thoái kinh tế, mặt hàng thịt, trứng tiêu thụ chậm và rớt giá.
Giữa tháng 4 vừa qua, Cục Thú y công bố cả nước đã khống chế được dịch cúm gia cầm và không còn phát sinh ổ dịch mới. Thế nhưng nhiều người phải giật mình nhìn lại vì sau hơn 10 năm, công tác chống dịch vẫn hết sức bị động và thiếu chuyên nghiệp.
Dịch cúm đi qua, túng quẫn ở lại
Ông Phan Khắc Viên, chủ trang trại gà Cây Gáo (Đồng Nai), đã phải thốt lên: “Thời điểm này đến tôi cũng phải chết, không hộ nông dân nuôi nhỏ lẻ nào sống được”.
Theo ông Viên, trại của ông tự sản xuất con giống, ký hợp đồng mua thức ăn chăn nuôi số lượng lớn, 500 - 600 tấn/tháng nên được giá rẻ, đầu tư cho các hộ nông dân chăn nuôi, mô hình này đã xây dựng được 5 - 6 năm, lại có công ty cam kết thu mua, đó là lợi thế lớn. Vậy mà ông cũng không gánh gồng nổi trong hoàn cảnh bi đát như hiện nay.
Chỉ vì một số hộ nuôi gà ở hai địa bàn tại tỉnh Đồng Nai để xảy ra dịch cúm, thông tin được công bố, thương lái dựa vào đó ép giá người chăn nuôi. Với giá gà hiện nay, người nuôi đang lỗ tới 25.000 đồng/con.
Thông tin chống dịch cứ loạn lên, chỉ một vài trại nhỏ có dịch là xem như cả tỉnh không tiêu thụ được gia cầm | ||
Ông Nguyễn Văn Ngọc, một chủ trại gà ở Tiền Giang | ||
Tại Tiền Giang, Hợp tác xã gà ta Gò Công có gần 50 hộ xã viên. Hộ nuôi ít nhất 1.000 con gà, hộ nuôi nhiều từ 5.000 - 8.000 con. Khi xảy ra dịch cúm, đầu mối tiêu thụ giảm số lượng thu mua khiến đàn gà quá lứa tồn đọng lớn. Ông Nguyễn Văn Ngọc, chủ trại gà hơn 100.000 con cho biết đàn gà của ông không bị dịch bệnh nhưng vì ảnh hưởng chung của dịch cúm nên giá xuống thấp, thiệt hại rất lớn.
Ông Ngọc bức xúc: “Ở các nước lân cận cũng có dịch cúm nhưng họ phòng chống và tuyên truyền rất bài bản, sản phẩm không bị dịch bệnh vẫn được tiêu thụ bình thường, thậm chí lãnh đạo nước họ còn xuất hiện trên truyền hình để động viên người dân an tâm sử dụng sản phẩm chăn nuôi. Còn ở VN thông tin chống dịch cứ loạn lên, chỉ một vài trại nhỏ có dịch là xem như cả tỉnh không tiêu thụ được gia cầm. Người dân hoang mang nên hạn chế sử dụng thịt, dẫn đến thiệt hại nặng nề cho toàn ngành chăn nuôi”.
10 năm vẫn “còn bị động”
Dịch cúm gia cầm xảy ra ở VN vào thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã hơn 10 năm. Thế nhưng đến nay dịch cúm vẫn hoành hành và gây thiệt hại rất nặng. Thậm chí so với cùng kỳ năm 2013, diện tích và mức độ xuất hiện dịch từ đầu năm đến nay tăng lên rất nhiều, cụ thể số xã có dịch tăng từ 4 - 6 lần, số gia cầm buộc phải tiêu hủy tăng 3 - 4 lần.
Tại hội nghị sơ kết công tác phòng chống dịch bệnh do Bộ NN-PTNT tổ chức hôm qua (9.5) tại TP.HCM, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y, cho rằng: “Hệ thống thú y địa phương không đồng nhất và thiếu ổn định nên công tác chống dịch gặp rất nhiều khó khăn. Những tỉnh có mạng lưới thú y do UBND xã quản lý thường giấu dịch để tự chữa trị, không báo cáo để lấy thành tích, khi dịch lan rộng mới báo cơ quan cấp trên”.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng nhìn nhận, công tác tuyên truyền thực sự là một khâu yếu trong phòng chống dịch thời gian qua, khiến nhiều trang trại chăn nuôi an toàn nhưng vẫn bị người dân “quay lưng”, giá gia cầm rớt thê thảm tới nay vẫn chưa phục hồi.
“Khi xảy ra dịch thì địa phương phải minh bạch thông tin, xã nào có dịch, huyện nào có dịch, tỉnh nào có dịch. Đồng thời, tuyên truyền tỉnh nào chưa có dịch, trang trại chăn nuôi nào đảm bảo an toàn dịch bệnh, để người dân biết và tiêu thụ sản phẩm”, ông Đàm Xuân Thành, Phó cục trưởng Cục Thú y, kiến nghị.
Theo Quang Thuần