MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chăn nuôi ì ạch, tại sao?

22-04-2014 - 06:56 AM |

Sau gần 50 năm chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính với nhiều đối tượng vật nuôi, giờ chỉ còn hy vọng vào con vịt và gà thả vườn.

Hơn 1 tháng nay, tin đồn về việc nhà nước có thể buông chăn nuôi để đổi lấy những lợi thế cho rau quả và thủy sản trong đàm phán Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) làm cho những người làm chăn nuôi buồn bã, nhưng họ cũng ý thức được đấy là một tất yếu.

Sau gần 50 năm chủ trương đưa chăn nuôi thành ngành sản xuất chính với nhiều đối tượng vật nuôi, giờ chỉ còn hy vọng vào con vịt và sau đó là con gà thả vườn.

"Cái chết" được biết trước

Đã hơn chục năm nay, dân quê tôi (Nam Đàn, Nghệ An) có nghề vỗ béo bò. Bò nuôi ở mạn ngược Thanh Chương, Đô Lương chăn thả đàn nên gầy nhỏ vì thiếu ăn được dân quê tôi tậu về vỗ béo 3-4 tháng rồi bán thịt, mỗi con cũng kiếm được 1,5- 2 triệu đồng. Nhưng từ nửa năm ngoái đến nay không còn thấy ai làm nữa và câu giải thích đều giống hệt nhau – Hết thời rồi, mỗi con chỉ kiếm được vài ba trăm ngàn, không bõ.

Tân, một lái bò chuyên nghiệp ở chợ Sa Nam (Nam Đàn) kể: "Thấy bò khó, em nhảy lên biên giới mua trâu Lào lùa về Nghĩa Đàn bán cho lái Hà Nội, Hải Phòng, nhưng chỉ được chưa đầy một năm thì trâu Lào cũng khó bán dần, mấy anh ngoài đó nói gu ăn uống ngoài đó đang chuyển sang ăn thịt bò Úc".

Gà thả vườn cũng là một ưu thế vì khẩu vị người Việt không thích gà công nghiệp, thế nhưng xã hội càng phát triển thì tỷ trọng dùng gà công nghiệp tăng lên tỷ lệ thuận với mức tăng dân số khu vực thành thị và lao động công nghiệp, trong lúc dân số khu vực nông thôn giảm dần. Những lợi thế kiểu này chúng ta đã từng nghe nói đâu đó về trâu, bò từ hơn 30 năm trước, bởi vậy không có gì khác hơn, cần phải xây dựng lại ngành chăn nuôi một cách cơ bản nhất.

Năm 2003, khi quay bộ phim “Mùa len trâu”, tuy khó nhưng đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn có thể gom được ở Đồng Tháp, Long An vài trăm con trâu để quay, còn giờ dù có chồng tiền cao nghều nghệu cũng chẳng thể có trâu. Đàn trâu các tỉnh có mùa nước nổi như Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau từng mang đến nét riêng cho “Đất rừng phương Nam” cứ thưa dần rồi mất bặt lúc nào không hay.

Không chỉ có trâu bò mà gà và lợn ngoại cũng đang rải đầy các siêu thị. Co.opmart là siêu thị tỏ ra có lòng yêu nước nhiệt thành khi năm 2012 đưa ra các điều kiện hết sức chặt chẽ cho thịt ngoại sau đó giảm xuống 50% cho thịt nội và 50% cho thịt ngoại nhưng hiện nay thì gần như không còn áp dụng quy chế này nữa vì “thịt bò Úc hiện được nhập khẩu và giết mổ tại Việt Nam”.

Huy, một nhà thầu suất ăn công nghiệp ở tỉnh Bình Dương mỗi ngày cung cấp 15.000 suất cho biết, 100% thịt gà mà anh sử dụng đều là đùi, cánh gà công nghiệp nhập khẩu được cung cấp bởi một công ty nhập khẩu trực tiếp nên giá rất rẻ – Nếu không có nguồn cung ổn định và giá rẻ đó thì khó mà giữ được khi chỉ với 15.000 đ/suất với bao nhiêu chi phí khác nằm trong đó.

Dự hội nghị tổng kết ngành chăn nuôi 2013 có đại biểu đủ thành phần từ cơ quan quản lý nhà nước đến thú y, các hiệp hội, doanh nghiệp… Điều thống nhất cao trong hội nghị là… ngành chăn nuôi sẽ phá sản, Hiệp định TPP được ký kết càng nhanh thì sự phá sản xảy ra càng sớm.

Không có số liệu chính xác nhưng theo thống kê, đàn trâu bò trong nước đã giảm từ 6,7 triệu con năm 2010 xuống chỉ còn 5,1 triệu con năm 2013. Theo ước tính của một số người, ngành chăn nuôi gà hiện đang chịu lỗ 8.000 – 10.000 tỷ/năm. Mấy tháng nay, giá heo đã vượt lên 45.000-46.000 đ/kg, nhưng giá này liệu trụ được bao lâu khi năm ngoái giá heo chỉ quanh quẩn 40.000-42.000 đ/kg, trong lúc giá thành lên tới 44.000 đ/kg.

Nguyên nhân

Không khó để tìm nguyên nhân gián tiếp và trực tiếp dẫn tới sự yếu kém của ngành chăn nuôi. Về đại gia súc thì chúng ta thiếu đồng cỏ, thiếu không gian. Theo các chuyên gia, nếu muốn đạt năng suất như Úc 1 con bò thịt tối thiểu cần 1 ha, nhưng hiện nay tính hết “đầu thừa đuôi thẹo” cũng chỉ có khoảng 2.000 m2/con.

Về heo gà do chúng ta phải nhập khẩu nguyên liệu thức ăn gia súc với giá cao hơn bình quân của thế giới từ 10-12%, trong lúc tỷ trọng của thức ăn trong cơ cấu giá thành chiếm tới 65-70%.

Khẩu vị cũng là nguyên nhân làm cho ngành chăn nuôi vốn đã yếu ớt thêm èo uột. Ở các nước khác, thịt đùi, cánh, nội tạng… được coi là phụ phế phẩm, bán rất rẻ trong lúc với người Việt thì “nhất phao câu nhì đầu cánh”.

 Như gia đình nhà tôi, khi luộc một con gà bao giờ vợ tôi cũng xí 2 cái đùi, con gái tôi chỉ chọn 2 cánh, còn tôi gắp cái gan, miếng tiết và nếu có lon bia thì chọn thêm đầu, cổ. Khi chủ đã chọn hết thì cô osin chỉ còn biết ăn cái ức. Khẩu vị như thế nên nhiều doanh nghiệp lãi lớn nhờ nhập đùi gà từ Mỹ về chỉ với giá 20.000 đ/kg, rẻ hơn rất nhiều so với giá gà nội.

Nhập khẩu bò sống từ Úc về giết mổ tại Việt Nam đang được các doanh nghiệp lựa chọn để đáp ứng nhu cầu ăn thịt tươi của người Việt và thuế suất chỉ 5%, thay vì 14% như thịt không xương đông lạnh. Giá bò sống Úc về đến VN chỉ 57.000 đ/kg bò hơi, thấp hơn 3.000-5.000 đ so với bò nội, đấy là chưa kể tỷ lệ thịt của bò nội chỉ đạt 50%, trong lúc bò Úc là từ 55-60%, ngoài ra còn thêm nội tạng rất dễ bán.

Với heo, các doanh nghiệp bao giờ cũng đối chiếu với giá heo Thái Lan. Từ nhiều năm nay, giá heo Thái ổn định ở mức 46.000-48.000 đ/kg hơi, rẻ hơn VN khoảng 10%. Lý do được một chuyên gia của tập đoàn CP giải thích, kỹ thuật nuôi heo của CP Việt Nam tương đương CP Thái Lan nhưng giá thành cao hơn chủ yếu do giá thức ăn tại VN cao hơn 10%. Nên nhớ CP tự sản xuất lấy thức ăn, còn các trang trại của Việt Nam hầu hết đều phải mua.

Dịch bệnh liên miên cũng góp phần không nhỏ làm cho ngành chăn nuôi thêm khó khăn. Trên gia cầm thì cúm, trên trâu bò thì lở mồm long móng, trên heo thì tai xanh. Có thể nói chưa lúc nào ngành chăn nuôi im ắng dịch bệnh hại. Ước tính dịch bệnh làm cho chăn nuôi bị thiệt hại thêm 5%, đấy là chưa kể một nguồn nhân lực, tài lực rất lớn được nhà nước huy động cho phòng chống dịch.

Cần rút ra những bài học

Năm 2013, ngành chăn nuôi cung ứng khoảng 2,7 triệu tấn thịt, 7,5 tỷ quả trứng. So với năm 2012, vẫn có tăng trưởng hơn 2,3%. Mức tiêu thụ thịt, trứng của người Việt vẫn còn rất thấp so với các nước tiên tiến nhưng so với 25 năm về trước đã cao hơn 2 lần. Thành tựu của chăn nuôi thời gian qua không hề nhỏ nhưng như một người chạy Marathon nghiệp dư, những giây phút đầu bứt phá tốt nhưng sau đó hụt hơi, xuống sức mà đích đến hãy còn xa lắm.

Tính nghiệp dư biểu hiện rõ nhất ở “chất xám” chuyên ngành. Khác với ngành trồng trọt, chăn nuôi cho đến tận hôm nay vẫn thiếu vắng bóng dáng các “cây đa, cây đề”, những người có đầy đủ tri thức và uy tín góp tiếng nói quan trọng cho việc hoạch định chính sách của nhà nước, có tầm nhìn chiến lược 20, 30 năm cho ngành.

Các đề tài nghiên cứu khoa học của ngành chăn nuôi thời gian qua chủ yếu tập trung cho công tác giống. Các TBKT về giống vật nuôi thời gian qua đã giúp chúng ta phát triển được trong điều kiện trình độ chăn nuôi còn ở mức rất thấp và VN chưa hòa nhập sâu rộng với thế giới nhưng hiện nay những giá trị đấy đã mai một và mau chóng hết vai trò.

Ví dụ đề tài cấp nhà nước chọn lọc giống heo Thuộc Nhiêu được triển khai từ 1980-1990 nhưng thực tế hiện nay ở ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung, thì giống heo 100% máu ngoại tỏ ra ưu thế nhất. Trong lúc đó hệ thống quản lý giống, điều kiện cần thiết đảm bảo cho giống phát huy cao tiềm năng, đảm bảo sự xích lại gần nhau về năng suất giữa hộ chăn nuôi giỏi với hộ chăn nuôi dở lại chưa được hình thành.

Trong lúc có hàng trăm đề tài nghiên cứu về giống nhưng lại không có nghiên cứu nào về thức ăn. Hiện nay mỗi năm chúng ta phải nhập 25% ngô, gần 100% đậu nành, bột cá và 100% thức ăn bổ sung. Trách nhiệm để thiếu bắp, đậu thuộc ngành trồng trọt, bột cá thuộc ngành thủy sản, còn thức ăn bổ sung thì không biết phân bổ ngành nào.

Vẫn còn an ủi rằng, chúng ta còn hơn 80 triệu con vịt được nhìn nhận có tính cạnh tranh cao nhất bởi 50% thức ăn của chúng là lúa và khả năng tự kiếm ăn rất cao của chúng. Tuy nhiên nếu vì việc quản lý bệnh cúm buộc phải nuôi nhốt thì giá vịt của ta chưa hẳn rẻ hơn giá vịt Trung Quốc.

Theo Quang Ngọc

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên