MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chưa ngã ngũ chuyện “nhạc trưởng” tạm trữ gạo

24-05-2013 - 06:08 AM |

Các đại biểu đã đưa ra nhiều luồng ý kiến khác nhau chung quanh vị trí “nhạc trưởng” thu mua tạm trữ này và kết quả vẫn chưa ngã ngũ về phương án nào.

Gần 200 đại biểu từ các bộ, ngành, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã về Cần Thơ dự hội nghị đánh giá kết quả mua tạm trữ lúa gạo, bàn giải pháp thu mua tạm trữ vụ hè thu 2013 (23-5).

Sau phần báo cáo, đánh giá kết quả, hội nghị bắt đầu “nóng” lên khi các đại biểu xoay qua bàn giải pháp thu mua tạm trữ vụ hè thu.

Thống kê từ Bộ NN&PTNT, sản lượng lúa vụ hè thu 2013 của vùng khoảng 9,3 triệu tấn, tương đương 4,65 triệu tấn gạo, trong đó gạo hàng hóa khoảng 3,1 triệu tấn. Hiện ở một số nơi, nông dân đã bắt đầu thu hoạch lúa hè thu sớm, dự kiến sẽ vào tháng 6 và 8. Chỉ tiêu thu mua tạm trữ lúa gạo vụ này là 1 triệu tấn.

Nhiều đại biểu cho rằng như vậy chưa nhiều và đề nghị tăng thành 1,5 triệu tấn hoặc từ 1,5 đến 2 triệu tấn. Hơn nữa, việc phân bổ chỉ tiêu phải theo tình hình thực tế mỗi tỉnh, thành, ưu tiên nơi có diện tích lớn, sản lượng nhiều…

Tuy nhiên, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, đã phản bác lại đề nghị tăng chỉ tiêu thu mua tạm trữ vụ hè thu 2013. Theo ông, DN đang gặp khó khăn trong tiêu thụ lúa gạo nên chỉ tiêu 1 triệu tấn là hợp lý.

Vấn đề này, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Vũ Văn Tám cho biết sau hội nghị sẽ đề xuất Thủ tướng mức mua tạm trữ vụ hè thu 2013 là 1,5 triệu tấn, với thời gian 60 ngày, từ ngày 15-6 đến 15-8.

Cũng tại hội nghị, Bộ NN&PTNT đã đưa ra dự thảo Quy chế mua tạm trữ để lấy thêm ý kiến từ đại biểu. Và Điều 5 của dự thảo về phương thức phân giao và tổ chức tạm trữ được “mổ xẻ” nhiều nhất. Các đại biểu đã đưa ra nhiều luồng ý kiến khác nhau chung quanh vị trí “nhạc trưởng” thu mua tạm trữ này và kết quả vẫn chưa ngã ngũ về phương án nào. Tức là VFA vẫn đảm trách như cũ hay là giao về cho các địa phương tổ chức.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho rằng để khắc phục hạn chế trong việc phân bổ chỉ tiêu mua tạm trữ cần phải có sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa VFA và UBND các tỉnh. Tuy nhiên, không nên hoàn toàn căn cứ vào sản lượng thu hoạch hay sản lượng lúa của từng địa phương để phân bổ chỉ tiêu. Một số địa phương như Kiên Giang, Hậu Giang có sản lượng lớn nhưng ít DN và năng lực tiêu thụ không cao. Ngược lại, có địa phương sản lượng không nhiều nhưng năng lực tiêu thụ rất lớn như Cần Thơ, TP.HCM...

Do chưa thông qua quy chế nên theo thứ trưởng, trong vụ này vẫn áp dụng quy chế thu mua tạm trữ cũ và Bộ sẽ tổ chức nhiều đoàn giám sát, kiểm tra.

Theo Gia Tuệ

khanhnt

Pháp luật TPHCM

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên