Cơ cấu lại thị trường XK gạo, thủy sản
Là hai sản phẩm XK chủ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam, nhưng năm 2014 gạo và thủy sản thể hiện một bức tranh tương phản.
- 29-12-2014Năm 2015, thủy sản đặt mục tiêu cán đích 8 tỷ USD
- 28-12-2014Sản lượng thủy sản năm 2014 vượt ngưỡng 6 triệu tấn
- 27-12-2014Xuất khẩu thủy sản năm 2014 đạt kỷ lục, mang về gần 8 tỷ USD
Năm qua khá thành công của thủy sản, trong khi gạo gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, trong năm 2015 hai mặt hàng này đều cần cơ cấu, điều chỉnh lại về thị trường XK.
Thủy sản – cơ cấu lại thị trường
Nhìn lại năm 2014, XK thủy sản vẫn có đà tăng trưởng khá tốt. Theo Hiệp hội Chế biến và XK Thủy sản (VASEP), chắc chắn trong cả năm 2014, XK thủy sản cả nước lần đầu tiên đạt trị giá trên 7 tỷ USD. Trong đó, tôm vẫn là mặt hàng thủy sản có giá trị XK lớn nhất.
Năm 2013, lần đầu tiên XK tôm cả nước đã đạt giá trị trên 3 tỷ USD. Trong cả năm 2014, nhiều khả năng XK tôm sẽ đạt gần 3,8 tỷ USD. Giá trị tôm XK tăng cao, vẫn chủ yếu nhờ vào giá cả do sản lượng tôm toàn cầu bị thiếu hụt bởi dịch bệnh EMS hoành hành tại nhiều nước sản xuất lớn. Sản lượng tôm tăng nhờ dịch bệnh trên tôm ở nước ta đã được kiểm soát phần nào, cũng góp phần vào việc làm gia tăng giá trị XK tôm.
XK thủy sản trong năm 2015 vẫn sẽ dựa vào các sản phẩm chủ lực là tôm, cá tra và hải sản. Tuy nhiên, chắc chắn sẽ có những cơ cấu lại về mặt thị trường, bởi những nguyên nhân khác nhau. Với con tôm, ở thị trường chủ lực là Mỹ, ngoại trừ một số DN không bị áp thuế chống bán phá giá (CBPG) theo phán quyết cuối cùng của đợt xem xét hành chính lần thứ 8 (POR8) do Bộ Thương mại Mỹ công bố, thì những DN khác đều phải chịu mức thuế CBPG rất cao, cao nhất từ trước tới nay.
Mức thuế suất bình quân cho các DN bị đơn của Việt Nam là 6,37%. DN bị đơn có thuế suất thấp nhất là Tập đoàn Minh Phú, cũng phải chịu mức thuế tới 4,98%. Với mức thuế quá cao như trên, XK tôm của Việt Nam sang Mỹ trong năm 2015 chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng lớn, nhất là khi các nước cạnh tranh chủ yếu không bị áp thuế CBPG hoặc có mức thuế thấp hơn nhiều: Indonesia và Ecuador không bị áp thuế CBPG; các bị đơn bắt buộc của Ấn Độ phải chịu mức thuế từ 1,97- 3,01%, bị đơn tự nguyện là 2,49%; các bị đơn của Thái Lan chịu thuế chống bán phá giá chung là 1,1%.
Nếu vẫn mua tôm Việt Nam, nhất là từ những DN bị áp thuế CBPG theo POR8, các nhà nhập khẩu Mỹ sẽ phải ký quỹ với khoản tiền lớn, và vì thế nhiều khả năng họ sẽ chuyển đơn hàng sang các nước không bị áp thuế hoặc có mức thuế thấp hơn nhiều so với Việt Nam. Chính vì thế, theo VASEP, các DN XK tôm bị áp thuế CBPG cần giảm sự phụ thuộc vào thị trường Mỹ, dịch chuyển đơn hàng sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, EU, Hàn Quốc …
Không chỉ cơ cấu lại thị trường, ngành hàng cá tra cũng sẽ có những điều chỉnh về mặt sản xuất, nhất là về diện tích để phù hợp hơn với nhu cầu tiêu thụ trong và ngoài nước. Theo Hiệp hội Cá tra Việt Nam, trong năm 2015, diện tích sản xuất cá tra sẽ giảm xuống chỉ còn khoảng 5.900 ha, giảm 500 ha so với năm 2014. Mật độ nuôi cá cũng sẽ giảm từ mức 35-40 con/m2 xuống còn 20-25 con/m2… |
Ở mặt hàng cá tra, bên cạnh việc tiếp tục duy trì các thị trường quan trọng như EU, Mỹ …, trong năm 2015, các DN cũng sẽ chú trọng hơn trong việc đẩy mạnh XK sang những thị trường đầy tiềm năng khác như ASEAN, Trung Quốc, Nga, Trung Đông… Phát triển những thị trường tiềm năng là yêu cầu cấp thiết đối với ngành hàng cá tra, khi mà việc XK sản phẩm này sang các thị trường chủ lực vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc trở lại.
Trong khi đó, các thị trường tiềm năng như ASEAN, Trung Đông…, lại đã có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2014 và dự báo nhu cầu NK cá tra Việt Nam vào các thị trường này vẫn sẽ còn tăng trong năm 2015 cũng như những năm tới.
Gạo – hướng tới có thương hiệu
So với thủy sản, XK gạo trong năm 2014 tiếp tục gặp phải những khó khăn lớn, và đây là năm thứ 2 liên tiếp, lượng gạo XK giảm mạnh. Nếu như năm 2012, lượng gạo XK đạt kỷ lục trên 7,7 triệu tấn thì năm 2013 giảm xuống còn gần 6,7 triệu tấn. Còn đến hết tháng 11/2014, lượng gạo XK mới chỉ đạt trên 5,8 triệu tấn. Nhiều khả năng trong cả năm 2014, lượng gạo XK chỉ đạt khoảng 6,2- 6,3 triệu tấn. Năm 2015, XK gạo nước ta được dự báo là sẽ còn rất nhiều khó khăn do cạnh tranh gay gắt giữa các nước XK gạo lớn.
Trong đó, đáng chú ý nhất là những động thái từ phía Thái Lan. Do lượng gạo tồn kho quá cao, nhiều khả năng nước này sẽ tiếp tục xả hàng với giá thấp. Bên cạnh đó, Thái Lan đang có những hoạt động nhằm lôi kéo các nhà NK gạo trên thế giới. Bộ Thương mại Thái Lan đã khởi xướng dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy XK gạo. Theo đó, vào đầu tháng 12/2014, gần 40 nhà NK gạo đến từ Bắc Mỹ, Châu Âu, Mỹ La tinh và Châu Phi đã kết nối với gần 100 nhà XK gạo Thái Lan để thảo luận về thương mại gạo trong vài năm tới.
Theo PGS.TS Phạm Văn Dư, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, đến nay ở ĐBSCL đã hình thành 5 dạng hình vùng nguyên liệu phù hợp với thị trường tiêu thụ trong nước và thế giới. Trên cơ sở sản xuất lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn, trong những năm tới có thể sẽ tập trung xây dựng vài thương hiệu lúa gạo của Việt Nam như "Gạo thơm Jasmine Việt Nam" và "Gạo trắng hạt dài Việt Nam". |
Với thị trường quan trọng hàng đầu là Trung Quốc, Thái Lan cũng đang có những hành động khá cụ thể. Nhiều khả năng cuối tháng 12/2014, Thái Lan sẽ ký hợp đồng cấp Chính phủ với Trung Quốc về việc cung ứng gần 2 triệu tấn gạo cho nước này bắt đầu từ năm 2015. Ngay cả gạo thơm cũng sẽ bước vào cuộc canh tranh rất khó khăn. Mấy năm qua, Việt Nam đã lấy khá nhiều thị phần của Thái Lan ở các thị trường gạo thơm quan trọng như Hồng Kông, Trung Quốc …, nhờ loại gạo Jasmine có chất lượng khá mà giá lại rẻ hơn nhiều so với gạo thơm cao cấp Hom Mali của Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện nay Thái Lan đã bắt đầu đưa 2 giống lúa thơm có phẩm chất tương tự như Jasmine của Việt Nam vào sản xuất và dự kiến giá bán của những loại gạo thơm này sẽ tương đương hoặc chỉ cao hơn một chút so với Jasmine của Việt Nam, nhằm cạnh tranh ở phân khúc gạo thơm chất lượng và giá cả vừa phải.
Trước tình hình đó, XK gạo năm 2015 đòi hòi phải có những cơ cấu lại về mặt thị trường và tổ chức sản xuất. Theo Bộ Công thương, ngoài việc phải giữ vững những thị trường tập trung, cần phải có những linh hoạt trong điều hành XK gạo để có thể nhanh chóng tiếp cận nhu cầu thương mại lớn từ thị trường Trung Quốc và thị trường châu Phi.
Bên cạnh đó, cácDN cũng cần phải tiếp cận và thâm nhập được vào những thị trường tuy khó tính nhưng lại có nhu cầuNK không nhỏ như Nhật Bản, Hàn Quốc… Sự khó khăn về XK gạo cũng đang là động lực để nhiều Cty XK gạo quyết tâm hơn trong việc tham gia xây dựng các cánh đồng lớn (CĐL), nhằm chủ động nguồn nguyên liệu, tiến tới xây dựng thương hiệu sản phẩm gạo. Nhờ sự tham gia tích cực của các DN mà sản xuất lúa ở ĐBSCL đang ngày càng phù hợp hơn với nhu cầu tiêu thụ trong nước và thế giới.
Theo Sơn Trang