MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Cơ hội cho người nuôi cá tra đã đến?

26-09-2013 - 08:28 AM |

Trái ngược với báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản (Bộ NN&PTNT) giữa tháng 8/2013 là diện tích nuôi cá tra ở ĐBSCL tăng 4,2%; sản lượng tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2012, hiện nay xôn xao nỗi lo thiếu cá tra.

Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An (Ô Môn, Cần Thơ) Nguyễn Ngọc Hải cho biết, sang tháng 10 sẽ thiếu cá tra nghiêm trọng. Ông Hải dẫn chứng bằng số liệu qua cuộc khảo sát của ông ở Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Tiền Giang. 

Với 6 nhà máy chế biến thức ăn thủy sản, trong tháng 8 bán ra 55.000-60.000 tấn, chỉ bằng khoảng 1/3 so với lượng thức ăn bán ra trong tháng 1/2013. Thức ăn bán ra chủ yếu là viên nhỏ, dành cho cá tra khoảng 0,5 kg mỗi con. Còn cá tra lứa mỗi con khoảng 0,6-0,7 kg, để tháng 10 thu hoạch ở các doanh nghiệp sẽ có khoảng 40.000 tấn, nông dân nuôi sẽ có khoảng 15.000 tấn “thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến”, ông Hải kết luận.

Ngày 19/9, UBND TP Cần Thơ làm việc với Hiệp hội Cá tra Việt Nam, cũng cho biết, sản lượng cá tra của thành phố giảm 40% so với cùng thời điểm năm 2012. Hiện tại, ở Cần Thơ, sản lượng cá tra nuôi của doanh nghiệp gần 10.000 tấn, nông dân nuôi khoảng 1.500 tấn. Theo ông Đào Anh Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, có nguy cơ các nhà máy thiếu nguyên liệu vào cuối năm.

Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Dương Ngọc Minh cũng cho rằng, sang tháng 10, các nhà máy chế biến cá tra thiếu nguyên liệu nghiêm trọng. Dự báo của ông Minh, một số doanh nghiệp lớn cũng chỉ còn đủ cá để sản xuất trong 10-15 ngày, nếu không mua được cá của dân thì dễ đóng cửa nhà máy. Rõ ràng, nhận định này mâu thuẫn với báo cáo của Tổng cục Thủy sản, là các doanh nghiệp đã nuôi với diện tích chiếm 60% diện tích toàn vùng.

Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, đánh giá là việc kêu thiếu nguyên liệu rất có thể nhằm thúc đẩy nông dân nuôi trở lại trong khi doanh nghiệp nuôi có chi phí cao (vì quản lý không bằng nông dân) nên đã giảm diện tích so với báo cáo. “Để xác thực diện tích nuôi của doanh nghiệp, sắp tới tôi sẽ có ý kiến với Thường trực Hiệp hội Cá tra và Ban chỉ đạo để kiểm chứng”, ông Vàng nói.

Còn thực tế, giá cá tra đang lên. “Hiện giá cá nguyên liệu đã tăng lên 24.000 - 25.000 đ/kg, nhưng nông dân không có bán. Tuy nhiên, các doanh nghiệp vẫn mua chịu với nông dân và đây là điều mà những người nuôi cá tra chúng tôi rất lo lắng, không khéo cơ hội đã đến mà người nuôi cá tra vẫn không được hưởng”, ông Nguyễn Ngọc Hải, chủ nhiệm HTX nuôi cá tra Thới An băn khoăn.

Băn khoăn của ông Hải xuất phát từ thực trạng nhiều năm qua, người nuôi cá tra lao đao vì sản lượng thừa nên giá bán hạ. Nay phải chăng đã đến lúc như kỳ vọng, giảm sản lượng để tăng giá bán? Vấn đề đặt ra, người nuôi có được hưởng cơ hội đang đến khi mà việc chế biến và xuất khẩu còn khá lộn xộn.

Theo ông Dương Ngọc Minh, hiện có 152 doanh nghiệp xuất khẩu cá tra nhưng chỉ dưới 60 doanh nghiệp có nhà máy chế biến, nên khoảng 90% doanh nghiệp xuất khẩu với giá dưới 2 USD/kg. Trong số trên dưới 20 doanh nghiệp xuất khẩu vào Mỹ trong 7 tháng đầu năm 2013 (tùy từng tháng mà số doanh nghiệp có thay đổi), Cty TNHH Thương mại Tâm An xuất giá cao nhất, gần 8 USD/kg, còn doanh nghiệp xuất giá thấp nhất chỉ 1,21 USD/kg.

Xuất khẩu giá thấp, nhiều doanh nghiệp “quay lại ép giá mua nguyên liệu trong nước” và “chiếm dụng vốn của người nuôi”, báo cáo của Tổng cục Thủy sản. Cũng vì vậy, nhiều nông dân lâm nợ nần kéo dài, treo ao, sạt nghiệp. Nên ông Nguyễn Ngọc Hải khẩn thiết: “Người nuôi cá tra hiện nay đừng bán chịu cho các doanh nghiệp nữa, hoặc có bán chịu thì đề nghị phải có ngân hàng bảo lãnh để người nuôi cá không bị chiếm dụng vốn kéo dài như trước”.

Theo Sáu Nghệ

khanhnt

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên