Con đường bí mật của giới nhập lậu gà
“Thổ địa” dẫn đường cho biết, trong khu vực này có hàng trăm đường mòn và mỗi mối buôn đều có một nơi tập kết nhận hàng khác nhau. Gà lậu vẫn đang vào nước ta bằng những con đường xương cá như thế.
Tại thời điểm này, do bị phía Việt Nam làm chặt, nên lượng gà lậu tuồn về qua ngả các cửa khẩu như Móng Cái (Quảng Ninh), Tân Thanh, Hữu Nghị (Lạng Sơn) hay Tà Lùng (Cao Bằng) gần như không còn. Tuy vậy, các đầu nậu lại tìm ra những con đường bí mật để vận chuyển...
Muôn ngả đường gà về
Để thâm nhập được vào vùng biên đoạn cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn chạy từ cột mốc 1232 đến 1250 (được gọi là khu vực Cô Sa), chúng tôi phải đi nhờ xe của một “đại ca” chuyên hoạt động thương mại ở các cửa khẩu.
Theo lời của “đại ca” tự phong này, muốn vào được khu vực này phải là xe quen, vì gần đây lực lượng biên phòng kiểm soát rất chặt. Đặc biệt, người lạ gần như không thể qua mắt được dân “chạy” gà lậu. Ở đây, dân “chạy” gà lậu thường núp dưới vỏ bọc là cư dân biên giới, vì thế họ có thể dễ dàng vào khu vực do các cơ quan chức năng kiểm soát.
Từ ngày làm đường tuần tra biên giới xong, khu vực này có đến hàng trăm đường xương cá lớn nhỏ, được các chủ buôn lậu tự mở ra để vận chuyển hàng lậu qua biên giới, trong đó gà cũng chỉ là một mặt hàng nhỏ ở khu vực này. Nếu đưa gà qua các cửa khẩu chính, các đầu nậu thường phải lợi dụng đêm tối để qua mặt cơ quan chức năng. Nhưng ở những đường xương cá này, họ có thể chuyển gà qua biên giới bất cứ giờ nào do ở những khu vực này diện tích quá rộng, lực lượng chức năng kiểm soát không xuể.
Sau khi lọt được vào khu vực được mệnh danh là “con đường gà lậu này”, chúng tôi ngồi trong chiếc xe bán tải để đợi gà từ biên giới “đổ” về. Đầu tiên sẽ chỉ có một chiếc xe máy chở một lồng gà khoảng 5 con. Đây là chiếc xe “tiền trạm”, nên xe này cứ lượn ra, lượn vào khu vực biên giới tại mốc 1250 để thăm dò tình hình.
Thấy tôi định mang máy ảnh ra chụp, người dẫn đường nói ngay: “Đây chỉ là những thằng chim lợn đi dò đường thôi, nó chở mấy con gà làm phép, thấy biên phòng của ta là nó lại thụt về bên biên giới, đợi lúc nào yên mới đánh xe lớn sang”.
Xe tiền trạm lượn lờ một hồi, không thấy bóng dáng bộ đội biên phòng của nước ta, ngay lập tức, những xe tải dạng tự chế chở những lồng đầy ắp gà đã xuất hiện. Như đã hiệp đồng “tác chiến” từ trước, khi xe tải chở gà phía Trung Quốc vừa dừng, hàng chục người từ chỗ nấp trong đường mòn xương cá túa ra như một bầy kền kền “bu” vào lấy gà.
Những lồng gà ngắc ngứ được họ mắc quang gánh, rồi lần lượt nhanh như ma đuổi, chỉ sau một thoáng họ đã mất hút sau những đường mòn xương cá. Đích đến của những lồng gà này là khu vực bản Chắt, thuộc địa bàn huyện Đình Lập (Lạng Sơn).
Theo như lời “thổ địa” dẫn đường, trong khu vực này có hàng trăm đường mòn và mỗi mối buôn đều có một nơi tập kết nhận hàng khác nhau. Gà lậu vẫn đang vào nước ta bằng những con đường xương cá như thế.
“Phi đội gà bay”
Mặc dù ở Trung Quốc đang có dịch cúm H7N9 khiến nhiều người bị mắc và tử vong, song đối với dân buôn lậu gà từ Trung Quốc, họ vẫn hoạt động bình thường kiểu “điếc không sợ súng”. Sau khi hàng loạt xe ô tô các loại chở gà lậu bị lực lượng chức năng chặn bắt, nay họ đã chuyển qua vận chuyển bằng xe máy với mỗi tốp khoảng 20 xe, mà dân buôn gà vẫn gọi là những “phi đội gà bay”. Việc vận chuyển bằng xe máy tuy mang được ít gà hơn ô tô, song ngược lại xe máy lại có độ cơ động cao hơn để lẩn tránh lực lượng chức năng nước ta.
Cứ như thế, chúng tôi cũng rong ruổi cùng những “phi đội gà bay” ấy chạy trên những con đường bí mật. Phải đợi gần hết một ngày đến chiều tối, tôi mới tìm gặp được một người tên Cò, nhà ở thị trấn Lộc Bình, Lạng Sơn. Trước kia, Cò chuyên làm nghề đưa xe container đi làm luật ở cửa khẩu Chi Ma. Nhưng đã cả tháng nay, Cò chuyển sang nghề chạy gà bằng xe máy vì “ăn” hơn nhiều.
Một “đại ca” có tiếng khác ở cửa khẩu Chi Ma giới thiệu để cho tôi đi cùng Cò chở gà kiếm thêm ít tiền, Cò có vẻ nghi ngại nhìn tôi từ đầu xuống chân rồi phán: “Chú không theo được đâu, có phải chở gà ở đường quốc lộ đâu mà dễ ăn. Toàn chạy đường rừng, đường làng thôi. Giờ mà thò mặt ra đường là bị mấy ông quản lý thị trường, công an tóm và thu mất xe ngay”.
Theo lời Cò, để “lẩn” lực lượng chức năng, cánh chạy gà như Cò phải thay đổi đường liên tục. Song bây giờ ổn nhất là đường đi từ khu bản Chắt rồi chạy theo đường liên huyện, liên xã về đến Sa Lý (Lục Ngạn, Bắc Giang), vòng vèo mất khoảng 70km, cả đi cả về hết cả ngày trời.
Cò tiết lộ thêm: “Nói thật chở gà kiểu này cũng không dễ ăn đâu. Mỗi chuyến chở 80 con gà, gần 2 tạ (200kg), cũng phải đặt cho chủ hàng 1 củ (1 triệu đồng) mình mới được chở. Nếu mà mất gà, có khi mất cả xe và cả 1 củ đặt cọc, còn giao được “hàng” thì mình được 700.000 đồng tiền công, trừ xăng xe đi rồi ngày làm 1 chuyến cũng chỉ được có 500.000 đồng bỏ túi”.
Cò thật thà tâm sự: “Thôi thì đang đói việc, mỗi ngày túc tắc một chuyến cũng được rồi. Nhưng khi đi chạy gà thì bọn tôi cũng phải có đội, chứ không thì chết cả lũ. Bọn tôi có khoảng 20 người, thường không làm ăn riêng, mà phải làm ăn chung.
Mỗi lần chạy là cả đội nhận khoảng 6 - 7 tấn gà , sau đó đi cách nhau 1 cây số, phân cho 1 thằng tay lái “lụa” chạy trước mở đường, thấy bị động có nghĩa là bị chặn đường thì quay lại, nếu không thoát được thì cũng chỉ mất 1 xe với vài chục con thôi. Chứ cứ kéo đàn, kéo lũ đi thì có ngày mất cả vốn lẫn lãi”. Tôi thắc mắc là sao không dùng ô tô mà đánh hàng cho gọn, Cò giải thích là đường đi xấu chỉ có xe máy mới “bò” được thôi. Hơn nữa, với những đường mòn như thế này thì ô tô không vào được, các đội chống buôn lậu gà muốn vào bắt cũng khó, nên đi xe máy tiện cả đôi đường.
Chúng tôi còn được biết, thường gà từ biên giới được các đối tượng buôn lậu dùng xe máy chở về đến địa phận xã Sa Lý, từ đây gà mới được đưa lên các xe ô tô để chở tiếp đi các tỉnh khác. Hoặc họ cũng có thể tiếp tục xé lẻ gà lậu ra để phục vụ thị trường lân cận như Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Ninh... Theo những tay buôn gà lậu, con đường từ bản Chắt về Sa Lý là bí mật và an toàn nhất, bởi chưa bao giờ họ bị các lực lượng chống buôn lậu của 2 tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang phát hiện.
Theo Gia Tưởng