Cứu giá lúa bằng xuất gạo tiểu ngạch
Mưa bão làm chất lượng lúa thấp, thị trường xuất khẩu gạo ảm đạm khiến nguồn cung dư thừa lớn... vậy nhưng giá lúa trong nước vẫn giữ vững, nhiều nơi còn tăng nhẹ.
- 07-10-2013Châu Phi tiêu thụ gần 70% gạo xuất khẩu của VN trong nửa đầu tháng 9
- 04-10-2013Xuất khẩu gạo: Hướng đến con số 7 triệu tấn
- 03-10-2013Tín hiệu vui từ gia tăng giá trị hạt gạo Việt Nam
Giá tăng nhờ xuất tiểu ngạch?
Ông Dương Văn Mến - thương lái chuyên mua lúa gạo ở Bà Đắc, Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cho biết, mặc dù thị trường xuất khẩu ảm đạm nhưng giá lúa tươi IR 50404 thu hoạch bằng máy gặt đập liên hiệp vẫn giữ ổn định ở mức 4.200 đồng/kg, thậm chí tăng nhẹ lên 4.300 đồng/kg, nhưng không còn lúa để mua.
“Mưa gió quá, ruộng đầy nước, máy gặt không vào ruộng được nên không có lúa tươi, chỉ có lúa ướt mà chúng tôi thuê nhân công cắt tay. Lúa ướt thì chất lượng kém, bị gãy đổ, ngập úng nhiều, ẩm độ cao, có lúa mọc cả mầm, nhưng do hết lúa nên giá thu mua cũng ở mức 3.500 đồng/kg” – ông Mến giải thích.
Tại An Giang, anh Trần Văn Thanh - nông dân trồng lúa ở xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn cho hay, do hút hàng nên giá lúa tươi IR50404 gặt bằng máy gặt đập liên hợp 2 ngày nay đã tăng từ 4.000 đồng/kg lên 4.300 đồng/kg. Nhà anh có 2,8ha trồng lúa, trong đó có 1,3ha ruộng ngập nước phải thuê nhân công cắt tay. “Lúa ngập nước chất lượng kém hơn nhưng giá thu mua 2 ngày nay cũng tăng 200 đồng/kg, hiện thương lái đang thu mua với giá 3.600 – 3.700 đồng/kg” – anh Thanh nói.
Giá gạo theo đó cũng đã tăng lên 200 đồng/kg. Theo bà Trần Thị Bông - thương lái thu mua lúa ở Thoại Sơn, An Giang, giá gạo nguyên liệu hiện 6.500 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với mấy ngày trước đó. Thế nhưng trong dân không còn lúa đẹp, chỉ còn lúa ướt ngập dưới nước nên chất lượng gạo làm ra cũng kém hơn. Mặc dù vậy doanh nghiệp, cơ sở nhỏ vẫn thu mua.
“Tôi nghe nói họ thu mua để xuất khẩu qua biên giới Campuchia hoặc chuyển ra Bắc xuất qua Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch chứ kho của doanh nghiệp đã ngừng ăn hàng từ 2 – 3 tháng nay rồi” – ông Dương Văn Mến thông tin.
Doanh nghiệp “nín thở”
Ông Lâm Anh Tuấn - Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát (Bến Tre), thành viên Ban chấp hành Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), cũng thừa nhận rằng giá lúa gạo trong nước được giữ vững, thậm chí tăng nhẹ mấy ngày qua là nhờ xuất khẩu tiểu ngạch, chứ doanh nghiệp của ông cả tháng nay không xuất được lô hàng nào.
“Tôi nghe nói hiện mỗi ngày có hơn 10.000 tấn gạo được chuyển ra Bắc xuất tiểu ngạch qua Trung Quốc. Xuất tiểu ngạch không phải chịu thuế má gì cả nên bán dễ hơn xuất chính ngạch” – ông Tuấn giải thích.
Các doanh nghiệp thuộc VFA cho biết, thị trường xuất khẩu gạo hiện nay vô cùng ảm đạm. “Giá gạo 5% tấm chúng tôi chào bán giảm còn có 360 USD/tấn (giảm 40USD/tấn so với 1, 2 tháng trước), chấp nhận bán lỗ mà còn không có ai mua. Các nhà nhập khẩu đang ép giá 340USD/tấn nhưng với giá này thì lỗ quá, bởi giá thành đã là 380 – 390USD/tấn nên chúng tôi đành để gạo tồn kho, không bán” – giám đốc một công ty lương thực ở Cần Thơ tiết lộ.
Theo VFA, hiện các doanh nghiệp thành viên đang tồn kho hơn 1,55 triệu tấn gạo. Cộng với lượng gạo vụ thu đông sắp thu hoạch (theo dự kiến là 2,18 triệu tấn) thì lượng gạo hàng hóa cần tiêu thụ 3 tháng cuối năm là hơn 3,2 triệu tấn. VFA dự kiến xuất khẩu 1,8 triệu tấn trong quý IV, còn lại 1,4 triệu tấn chuyển qua quý I/2014.
Theo đánh giá của VFA thì đây là một nhiệm vụ nặng nề bởi nhu cầu thế giới giảm trong khi nguồn cung vốn đang dư thừa lại sắp được cung cấp thêm từ vụ thu hoạch mới ở hầu hết các nước Thái Lan, Ấn Độ, Pakistan, Việt Nam và Myanmar. Trong quý IV/2013, dự kiến thị trường chính của Việt Nam vẫn là Trung Quốc và châu Phi. Nhưng ở 2 thị trường này, gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh gay gắt từ Pakistan, Myanmar, Thái Lan và Ấn Độ.
“Tiềm năng nhất vẫn là Indonesia và Philippines. Chúng tôi đang “nín thở” chờ hợp đồng từ 2 nước này. Nếu Indonesia và Philippines không trở lại thị trường sớm trong tháng 10 thì xuất khẩu gạo Việt Nam trong quý IV sẽ gặp rất nhiều khó khăn” – ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng Thư ký VFA lo lắng.
3 tháng liên tiếp 7, 8 và 9.2013, xuất khẩu đều giảm so với kế hoạch đề ra và so với cùng kỳ năm trước. Tháng 9.2013 chỉ xuất khẩu được 526,5 ngàn tấn, thấp hơn kế hoạch trên 123.000 tấn, giảm 30% so với cùng kỳ 2012 và thấp nhất trong vòng 7 tháng qua. Lũy kế xuất khẩu gạo 9 tháng đầu năm 2013 đạt 5,2 triệu tấn, trị giá FOB đạt 2,235 tỷ USD, giảm hơn 13% so với cùng kỳ 2012.
Theo Ngọc Minh