Đầu tháng 9, giá tôm nguyên liệu các loại trong nước giảm nhẹ
Theo số liệu từ Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và các địa phương, giá tôm nguyên liệu các loại trong nước đều giảm nhẹ trong những ngày đầu tháng Chín.
- 08-09-2015Diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng ở Bạc Liêu vượt tầm kiểm soát
- 07-09-2015Kiên Giang phấn đấu đạt sản lượng 56.000 tấn tôm trong năm nay
- 03-09-2015Tôm hùm chết hàng loạt vì dịch bệnh, người nuôi "khóc dở mếu dở"
Tại Bạc Liêu, giá thị trường tôm nguyên liệu, được các thương lái thu mua tại đầm trong những ngày đầu tháng Chín giảm so với trước đó.
Giá tôm sú loại 1 (20 con/kg) có giá dao động khoảng từ 200.000-210.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg; tôm loại 2 (30 con/kg) có mức giá 160.000-175.000 đồng/kg, giảm 10.000 đồng/kg; giá tôm sú loại 3 (40 con/kg) với giá 140.000 - 150.000 đồng/kg, giảm 5.000 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, trong 10 ngày đầu tháng Chín, giá tôm sú nguyên liệu xuất khẩu loại 30 con/kg, giảm 5.000 đồng/kg, chỉ còn từ 165.000-180.000 đồng/kg.
Tại Đà Nẵng, giá tôm sú nguyên liệu trong tuần này cũng giảm từ 10.000-20.000 đồng/kg, tùy từng kích cỡ so với tuần trước đó.
Cũng trong tình trạng giá giảm so với tuần trước, giá tôm hùm ở hầu hết các kích cỡ tại Phú Yên ghi nhận từ ngày 1/9-8/9 đều giảm 10.000 đồng/kg, hiện ở mức 1.250.000 đồng/kg.
Giá tôm càng xanh ở Đồng Tháp cũng giảm 30.000 đồng/kg đối với loại tôm trứng. Còn ở Cà Mau, giá tôm thẻ giảm nhẹ 2.000 đồng/kg trong những ngày đầu tháng Chín.
Việc giá tôm nguyên liệu giảm trong khi dịch bệnh ở tôm chưa được kiểm soát khiến các hộ nuôi gặp nhiều khó khăn.
Trong khi đó, xuất khẩu tôm 8 tháng năm 2015 gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân chủ yếu là đồng tiền của các thị trường xuất khẩu chủ lực như Nhật, EU, Hàn Quốc… mất giá mạnh.
Bên cạnh đó, đồng tiền của các nước xuất khẩu tôm lớn trên thế giới cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Ấn Độ, Indonesia, Ecuador… lại phá giá mạnh trên 10%. Trong khi đó, đồng Việt Nam đồng chỉ mất giá nhẹ, làm cho giá tôm của Việt Nam trên thị trường khá cao.
Mặt khác, tại thị trường nhập khẩu chính là Mỹ, tôm Việt Nam phải chịu mức thuế chống bán phá giá cao nhất từ trước đến nay theo POR8 của Bộ Thương mại Mỹ (DOC).
Trong khi các đối thủ cạnh tranh với tôm Việt Nam lại không bị áp dụng mức thuế này. Những điều này đã làm giảm tính cạnh tranh của tôm Việt Nam trên thị trường thế giới.
Tuy nhiên, mới đây, DOC đã công bố POR9 với mức thuế chống bán phá giá trung bình chỉ còn 0,91%, giảm mạnh so với mức 6,37% trong POR8. Thông tin này đang được kỳ vọng giúp xuất khẩu tôm Việt Nam khởi sắc trong thời gian tới./.
Vietnam+