ĐBSCL: Lúa rớt giá, nhà nông thắc thỏm
Hiện nông dân (ND) các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long đang vào vụ thu hoạch lúa thu đông, trong khi đó giá lúa đang có chiều hướng ngày càng giảm khiến hàng ngàn nhà nông trở nên lo lắng.
Trúng mùa, rớt giá
“Điệp khúc” được mùa, rớt giá lại một lần nữa rơi đúng vào thời điểm thu hoạch
vụ lúa thu đông. Được biết, vụ mùa thu đông năm nay toàn vùng gieo cấy khoảng
700.000ha, năng suất lúa bình quân 49 tạ/ha với sản lượng lên đến trên 3,430 triệu
tấn thóc và gạo hàng hóa là 641.000 tấn.
Lão nông Nguyễn Văn Minh, xã Đông Bình, thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long than
vãn: “Mùa vụ này tuy năng suất lúa đạt tương đối khá. Tuy nhiên suốt cả tuần
nay mưa bão dầm dề kéo dài đã làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng lúa, gây khó
khăn trong khâu thu hoạch, đặc biệt là giá lúa đang có chiều hướng sụt giảm mạnh
từ 200 – 400 đồng/kg (tùy loại)”.
“Gia đình tôi vừa thu hoạch xong 9 công lúa, bán lúa tươi IR 50404 ngay tại ruộng
chỉ được 4.000 đồng/kg (giảm từ 200 – 300 đồng/kg so với khoảng 10 ngày trước);
nhiều loại lúa tươi hạt dài đang ở mức 4.500-4.600 đồng/kg. Với mức giá này,
sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu được chưa đến 1,5 triệu đồng/công, tức chỉ đạt
khoảng 20% so với giá thành sản xuất” – anh Tám Lãnh ngụ huyện Châu Thành A, tỉnh
Hậu Giang so sánh. Theo tính toán của nhiều bà con ND, với mức giá hiện tại, ND
rất khó khăn trong đầu tư vụ mới.
Bán “lúa non”
Những ngày này, theo ghi nhận của phóng viên NTNN tại một số cánh đồng ở các tỉnh
Hậu Giang, Vĩnh Long, Trà Vinh… do giá lúa đang sụt giảm, trong khi chi phí đầu
vào tăng nên nhiều ND chấp nhận bán “lúa non” ngay tại ruộng. Được biết, hiện
chi phí thu hoạch lúa bằng máy có giá dao động khoảng 300.000 đồng/công; riêng
thu hoạch bằng tay từ 350.000-400.000 đồng/công, nếu cộng thêm tiền mướn trâu
gom lúa và máy suốt thì mỗi công lúa người dân phải tốn thêm trên dưới 800.000
đồng.
Không chỉ có ND bán lúa tươi ngay tại ruộng để nhằm giảm nhẹ chi phí, mà hiện nay nhiều thương lái cũng đang có xu thế chuyển qua dạng “mì ăn liền”, nghĩa là sau khi mua lúa tươi tại ruộng họ đem đi sấy liền, sau đó đưa đi xay xát ra gạo bán cho các doanh nghiệp để giảm chi phí bốc vác, vận chuyển.
TS Nguyễn Văn Sánh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển
ĐBSCL chỉ ra 3 điểm yếu về sản xuất nông nghiệp và ND là: Điểm yếu về đầu tư thấp
và không đồng bộ; yếu kém về sử dụng tài nguyên nông nghiệp theo lợi thế tiểu
vùng sinh thái; sản xuất nhỏ lẻ, không đồng bộ và khó nối kết với thị trường.
“Nên thành lập Công ty cổ phần Nông nghiệp nhằm tổ chức ND thành những hợp tác
xã, tập đoàn sản xuất hoặc cụm sản xuất lúa nguyên liệu hoặc một nông sản khác,
theo phương thức hiện đại, đạt mọi tiêu chuẩn thị trường cạnh tranh để cung cấp
cho doanh nghiệp chế biến tiêu thụ với giá trị tối hảo. Song song đó, là gắn kết
chuỗi giá trị sản xuất nông sản, từ nguyên liệu đến thành phẩm có thương hiệu mạnh
đưa ra thị trường, để lợi tức được phân bổ hợp lý cho các thành phần tham dự,
trong đó bảo đảm ND luôn có cơ hội tích lũy lợi tức” - GS-TS Võ Tòng Xuân - đưa
ra giải pháp.
Theo điều tra của Bộ NNPTNT thì chỉ có khoảng 25% ND tiếp cận được với các thông tin thị trường trong khi 75% ND không biết gì cả. Hiện nay, 90% sản phẩm nông nghiệp còn được bán ra ở dạng thô và 60% sản phẩm bị bán ép với giá thấp.
Theo Đức Khánh