MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đeo “gông” cho cua

18-06-2013 - 14:20 PM |

Chỉ cần một thao tác khá đơn giản là thay dây trói bằng “gông” (dây trói lớn và thấm nước) thì 1kg cua bình thường sẽ tăng trọng lượng thành 1,5-1,6 kg.

 Đây là cách làm ăn gian dối khá phổ biến của giới thương lái kinh doanh cua ở ĐBSCL hiện nay nhưng chưa có bất cứ một chế tài nào xử phạt.

Buôn cua, lời dây

Có lẽ cua biển nuôi là thứ hàng hải sản duy nhất mà thương lái mua đi bán lại với giá rẻ hơn cả giá khi mua của nông dân. Vậy thì thương lái chỉ có lỗ chứ không thể có lãi. Mà đi buôn không có lãi ai buôn làm gì. Để có câu trả lời cho nghịch lý này, tôi đã tìm về các huyện vùng U Minh Thượng, vùng nuôi cua biển (chủ yếu nuôi xen canh trong vuông tôm) lớn nhất tỉnh Kiên Giang. Hiện nay, đang là mùa thu hoạch nên nguồn cung khá dồi dào. Giá cua gạch son hiện chỉ còn từ 210.000-220.000 đ/kg, cua y (cua thịt) 110.000-120.000 đ/kg. Thế nhưng giá cua các vựa xuất bán đi lại thấp hơn mức giá này từ 10.000-15.000 đ/kg.

Đem thắc mắc này hỏi ông Sáu Thượng (Huỳnh Văn Thượng), một nông dân chuyên nuôi cua ở xã Thuận Hòa, An Minh, Kiên Giang, được ông trả lời ngắn gọn: “Bí mật nằm ở sợi dây trói”. Thấy tôi tỏ vẻ không hiểu, ông Sáu Thượng giải thích: “Sau khi thu hoạch cua, nông dân chỉ dùng sợi dây nhỏ để trói, mục đích là để khóa càng cho cua khỏi kẹp. Còn khi thương lái mua về sẽ thay bằng sợi dây vải hoặc dây nilông rất to thấm đầy nước, nặng trịch. Sợ dây có khi nặng bằng trọng lượng con cua”.

Theo ông Thượng, việc đeo “gông” cho cua hay bơm chích tạp chất (rau câu) vào tôm chủ yếu diễn ra tại các vựa, chứ người nuôi không ai làm như vậy cả. Mà nếu có làm cũng chẳng bán được cho ai.

Ông Võ Hoàng Việt, Trưởng phòng NN-PTNT An Minh cho biết, diện tích thả nuôi tôm quảng canh (chủ yếu là nuôi theo mô hình tôm - lúa) của huyện hiện nay là 37.549 ha, trong đó diện tích thả nuôi xen canh tôm với cua biển là gần 36.000 ha. Đến nay, diện tích thả cua đã cho thu hoạch được trên 23.000 ha, năng suất bình quân ước đạt 140 kg/ha, tổng sản lượng thu được khoảng 3.227 tấn.

Nhân dân đang tích cực thu hoạch diện tích nuôi cua còn lại và chuẩn bị thả nuôi gối vụ trên nền đất cấy lấp vụ để kịp thu hoạch trong đợt cuối năm. Nói về tình trạng thương lái cố tình đeo “gông” cho cua để ăn gian trọng lượng, ông Việt nói: “Ngành nông nghiệp biết nhưng không thể làm gì được họ. Còn người tiêu dùng dù thấy sợi dây trói rất to nhưng vẫn chấp nhận mua vì tâm lý thích rẻ”.

Tăng dây, không tăng giá

Qua tìm hiểu được biết, trước đây dây trói cua chủ yếu là dùng bằng dây cói se lại rồi ngâm nước hoặc dây vải ướt se cát bên trong. Tuy nhiên, do ngâm nước nhiều ngày nên loại dây này thường có mùi hôi rất khó chịu, chỗ trói bị thâm đen nên khó tiêu thụ. Hiện nay, loại dây nilông có xuất xứ từ Trung Quốc đang được khá nhiều vựa cua sử dụng. Đây là loại bọc nilông rất mỏng được se lại bằng ngón tay cái, có khả năng hút và ngậm nước rất mạnh.

Anh Tài, chủ vựa cua Tài Sái ở huyện An Minh cho biết: “Khi xuất cua đi Trung Quốc họ yêu cầu phải trói bằng dây nilông do họ cung cấp, chứ trói bằng dây khác họ không mua. Thậm chí họ còn cho sẵn công thức trói dây mấy chấm: 1.5 hay 1.6 (tức 1kg cua sau khi trói thành 1,5 hay 1,6 kg). Khi giá biến động tăng, họ yêu cầu tăng dây chứ không tăng giá để dễ bán”.

Tìm hiểu thêm ở một số vựa thu mua cua ở vùng U Minh Thượng, tôi thấy loại dây mà anh Tài nói có màu đỏ nhạt, được ngâm sẵn trong thùng nước. Quy trình thu mua, xuất khẩu cua được một người trong nghề cho biết: “Buổi sáng các thương lái chạy vỏ đi khắp các kênh rạch để thu mua cua của nông dân, sau đó về cân lại cho vựa. Buổi chiều, từng con cua sẽ được những người thợ chuyên trói cua cắt bỏ dây cũ thay bằng sợi dây mới rất to, nặng trịch do chứa đầy nước.

Sau khi được đeo “gông", con cua gần như không còn cựa quậy gì được nữa. Lúc này, cua sẽ được xếp lớp vào thùng có đục lỗ và được cho uống nước lần cuối (tưới thêm nước) trước khi băng kín nắp thùng lại. Chiều tối sẽ có xe đến cân và chở đi”.

Theo một số người thợ chuyên trói cua thuê ở các vựa, trước khi trói cua, dây nilông sẽ được đưa vào nồi hấp. Hấp càng lâu thì dây càng nở to và chứa được nhiều nước, dây càng nặng. Điều đặc biệt là loại dây này không có mùi khó chịu như dây cói hay dây vải ngâm nước lâu ngày, màu sắc lại bắt mắt nên khi trói vận chuyển xa cua ít bị chết, dễ tiêu thụ.

Theo Đ.T.Chánh

khanhnt

Nông nghiệp Việt Nam

Trở lên trên