Đi tìm lý do khiến xuất khẩu thủy sản sụt giảm mạnh
Đây là lần đầu tiên, tại các thị trường chủ lực, xuất khẩu thủy sản bị sụt giảm mạnh trong quý 1.
Trong qúy 1/2013, mặc dù xuất khẩu cá ngừ vẫn tăng trưởng gần 19%, song các mặt hàng thủy sản khác đều giảm đáng kể, trong đó phải kể đến XK cá tra giảm 8,7%, XK tôm giảm 2,6%, mực, bạch tuộc giảm 23%...
Theo thống kê chính thức của Hải quan, 3 tháng đầu năm nay, XK thủy sản của cả nước đạt 1,26 tỷ USD, giảm gần 5% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên, tại các thị trường chủ lực, xuất khẩu thủy sản bị sụt giảm mạnh trong quý 1.
Vậy đâu là nguyên nhân chính dẫn đến sự sụt giảm một cách nhanh chóng như vậy?
Yếu tố khách quan từ thị trường thế giới
Suy thoái kinh tế toàn cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc tiêu thụ hàng hóa, nhất là ở lĩnh vực hàng tiêu dùng, thực phẩm…
Ngành thủy sản Việt Nam cũng đứng trước những khó khăn do sụt giảm nhu cầu, cụ thể xuất khẩu thủy sản sang Mỹ giảm 6,3%, EU giảm gần 9% và Nhật Bản giảm 7,6%...
Bên cạnh đó, liên tục những vụ kiện phá giá cá tra ở Mỹ, kiểm tra Ethoxyquin trong tôm đông lạnh ở Nhật Bản, Hàn Quốc dẫn đến những lo ngại về chất lượng thủy sản Việt Nam, ảnh hưởng đến khả năng và tiềm năng tiêu thụ thủy sản ở các thị trường khác.
Hơn thế nữa, việc đánh thuế nhập khẩu cao và rào cản luật pháp ở một số nước cũng là nguyên nhân khiến lượng thủy sản xuất khẩu nước ta giảm mạnh.
Đơn cử thị trường Mỹ, một trong những thị trường tiềm năng đồng thời là đối tác lớn trong thời gian dài của thủy sản Việt Nam. Tại đây, muốn được người tiêu dùng chấp nhận thì mỗi sản phẩm thủy sản phải đạt chuẩn về mẫu mã, chất lượng, độ an toàn thực phẩm, hàm lượng chất dinh dưỡng ghi ở bao bì phải đúng hàm lượng đo được thực tế trong sản phẩm…
Chính phủ Mỹ cũng đặt ra một loạt các luật lệ phức tạp áp dụng vào sản phẩm nhập khẩu nhằm giúp doanh nghiệp nội địa cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng chẳng hạn: luật chống độc quyền hoặc cạnh tranh không lành mạnh trong kinh doanh.
Luật về trách nhiệm của bên sản xuất với sản phẩm của mình, theo đó người tiêu dùng có thể kiện nhà sản xuất nếu sản phẩm không an toàn hoặc gặp phải vấn đề khi sử dụng sản phẩm mà trên bao bì nhà sản xuất không nêu rõ…
Ngoài ra, Mỹ đánh thuế hàng hóa nhập khẩu khá nặng. Thông thường sẽ từ 2 – 7% giá trị hàng hóa. Sau vụ kiện chống bán phá giá cá tra, cá basa của Việt Nam mặt hàng này đã bị đánh thuế từ 0,77 USD/kg đến 3,87 USD/kg….
Chính vì thế, để thâm nhập được vào một thị trường, cần phải có kiến thức vững chắc về luật pháp và nhu cầu tiêu thụ của từng nơi.
Nguyên nhân từ thị trường nội địa
Thiếu vốn là một khó khăn không nhỏ của doanh nghiệp Việt khi mà nhiều ngân hàng vẫn chưa sẵn sàng mở cửa cho doanh nghiệp vay.
Chi phí sản xuất tăng từ nhân công, phụ gia, máy móc… trong khi giá thành sản phẩm phải tạm đứng hoặc giảm để đảm bảo sự cạnh tranh khiến nhiều doanh nghiệp điêu đứng.
Hơn thế nữa, đầu vào và giá cả nguyên liệu chưa được đảm bảo. Một loạt các dịch bệnh và hạn hán khiến tình hình nuôi trồng thủy hải sản bị thiệt hại nặng nề, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cho các nhà máy chế biến.
Chất lượng thủy sản cũng bị ảnh hưởng bởi cách đánh bắt và hóa chất nuôi trồng, ngoài ra lượng thất thoát mỗi năm do bảo quản chưa đúng cách, chưa đạt chuẩn cũng là một tổn thất lớn cho ngành thủy sản Việt Nam.
T.Ngọc