Đồng Nai tổ chức lại mô hình sản xuất để giữ diện tích cây điều
Nếu như năm 2005 diện tích trồng điều trên địa bàn đạt trên 50.000ha thì đến nay chỉ còn trên 44.700ha.
- 24-05-2014Ngành điều đối phó với cạnh tranh Trung Quốc
- 17-05-2014Hạt điều Việt Nam sẽ ồ ạt vào siêu thị Nhật, Mỹ
- 05-05-2014Ngành điều đang gặp khó khăn
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Nai, để đảm bảo giữ vững được diện tích điều theo quy hoạch đồng thời nâng cao thu nhập cho người trồng điều, tỉnh Đồng Nai xác định khâu tổ chức lại sản xuất bằng cách nhân rộng các mô hình câu lạc bộ, hợp tác xã và liên kết 4 nhà trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ hạt điều là khâu then chốt.
Ông Phan Minh Báu, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai cho biết, nếu như năm 2005 diện tích trồng điều trên địa bàn đạt trên 50.000ha thì đến nay chỉ còn trên 44.700ha. Trong đó, diện tích điều cho thu hoạch hiện có khoảng 43.500 ha, với sản lượng 44.300 tấn/năm. Nếu như năng suất bình quân năm 2005 là 1,28 tấn/ha thì đến năm 2013 chỉ đạt 1 tấn/ha. Giá trị sản xuất bình quân trên mỗi hécta điều chỉ đạt 20 triệu đồng/năm.
Trong khi đó, cũng với diện tích trên, nhiều cánh đồng, nhiều rẫy trồng các loại cây khác như tiêu, thanh long ruột đỏ, hay ngô… có thể cho thu hoạch từ 100-150 triệu đồng/ha/năm. Chính vì giá trị kinh tế của cây điều giảm, dẫn đến diện tích điều liên tục giảm trong nhiều năm qua.
Ông Báu cho biết, hiện diện tích trồng điều trên địa bàn Đồng Nai chủ yếu tập trung ở 3 huyện gồm: Xuân Lộc, Trảng Bom, Định Quán. Mặc dù lợi nhuận từ cây điều thấp nhất so với các loại cây trồng khác trên địa bàn 3 huyện trên, tuy nhiên đây vẫn được coi là cây xoá đói giảm nghèo ở vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là những vùng đất xám bạc màu, không chủ động được nguồn nước tưới.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, hiện nay trên địa bàn đã hình thành các hình thức tổ chức sản xuất ở nhiều loại hình khác nhau như các câu lạc bộ, tổ hợp tác, trang trại sản xuất, thu mua và chế biến sản phẩm hạt điều.
Chính những hình thức tổ chức sản xuất này đang mang lại hiệu quả và là động lực để người trồng điều tiếp tục giữ được diện tích. Hiện đã có 70 câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất điều với diện tích gần 5.000 ha và 529 trang trại có diện tích trên 1.500 ha sản xuất điều. Trong đó huyện Xuân Lộc có 59 câu lạc bộ, Trảng Bom có 2 và huyện Định Quán 3 câu lạc bộ.
Những mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất điều đều áp dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật trong sản xuất như: bón phân hợp lý, tưới nước tiết kiệm qua đường ống, ghép cải tạo đối với những vườn cho năng suất kém và trồng xen với các loại cây trồng khác, xử lý ra hoa tập trung…
Nhờ áp dụng những phương pháp khoa học trên, do đó các câu lạc bộ, tổ hợp tác đã đạt năng suất 2-3 tấn/ha, cao gấp 2-3 lần so với năng suất bình quân. Ngoài ra, các câu lạc bộ, tổ hợp tác trên cũng đã liên kết với 42 cơ sở thu mua, chế biến hạt điều để thu mua và chế biến sản phẩm. Nhờ đó, mặc dù giá cả sản phẩm hạt điều thấp, nhưng năng suất cao nên người trồng điều vẫn có lãi.
Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới xu thế chung là diện tích điều vẫn tiếp tục giảm, tuy nhiên tỉnh vẫn coi cây điều là một trong những cây trồng chủ lực. Do đó, mục tiêu đến năm 2015, Đồng Nai vẫn giữ được khoảng 40.000 ha trồng điều và năng suất tăng từ 1 tấn lên 1,26 tấn/ha.
Để thực hiện được mục tiêu trên, hiện Đồng Nai đang tiếp tục phát triển các loại mô hình câu lạc bộ, tổ hợp tác sản xuất để tiến tới hình thành các tổ chức sản xuất cao hơn như doanh nghiệp, hợp tác xã có tư cách pháp nhân để thuận lợi cho liên kết, giao dịch kinh tế và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước; từng bước nâng cao chất lượng, sản lượng gắn với kinh tế hợp tác, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mối liên kết chặt chẽ giữa người sản xuất thông qua các hợp đồng liên kết đầu tư và tiêu thụ sản phẩm.
Trong đó, tỉnh Đồng Nai cũng sẽ hỗ trợ giải pháp về ứng dụng tiến bộ khoa học trong trồng, chăm sóc và thu hoạch cho người dân, đặc biệt là việc lai tạo, sử dụng các giống điều cao sản, chất lượng cao; thực hiện các cơ chế chính sách giảm thiểu tổn thất sau thu hoạch; thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn để tạo điều kiện cho người dân trồng điều tiếp cận nguồn vốn để mở rộng diện tích và đầu tư chiều sâu cho cây điều./.
Quyết liệt vực dậy cây điều
Theo Sỹ Tuyên