Đưa phân bón vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện
Nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia sản xuất, kinh doanh. Hậu quả là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả trở thành vấn đề lớn.
Năm 2013, mặt hàng phân urê hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đúng tiến độ của các Dự án sản xuất phân bón vô cơ khác theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2015, cơ bản các loại phân bón vô cơ sẽ được chủ động nguồn cung.
Đó là đánh giá của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa tại Hội nghị “Cục diện thị trường và định hướng quản lý nhà nước về phân bón” ngày 27/5.
Đáp ứng trên 80% nhu
cầu
Hiện nay, năng lực sản xuất phân bón trong nước đã đáp ứng được trên 80% nhu cầu sử dụng dụng phân vô cơ với tổng sản lượng sản xuất hàng năm đạt 8 triệu tấn các loại. Đặc biệt, năng lực sản xuất một số loại phân bón chính (urê, NPK, lân), những loại phân bón có ảnh hưởng lớn trên thị trường phân bón đã đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước.
Ông Võ Văn Quyền- Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)- đánh giá, cục diện thị trường phân bón trong nước đến nay đã có những thay đổi khá lớn. Với việc bắt đầu chủ động hoàn toàn nguồn cung đối với mặt hàng Urê- một mặt hàng có ảnh hưởng lớn nhất đến thị trường phân bón thời gian qua, các chính sách, cơ chế điều tiết, đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cũng sẽ có những thay đổi.
Trước năm 2012, cả nước chỉ có 2 đơn vị sản xuất phân đạm urê gồm Nhà máy phân đạm Hà Bắc chủ yếu cung ứng cho các tỉnh phía Bắc, Nhà máy Đạm Phú Mỹ chủ yếu cung ứng cho các tỉnh phía Nam. Phần lớn nguồn cung phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nhưng đến nay, việc cung ứng đủ phân bón urê từ nguồn sản xuất trong nước cũng đã giảm mạnh sự phụ thuộc vào nguồn hàng nhập khẩu. Do đó, giảm mức độ ảnh hưởng từ những biến động về giá, về chính sách xuất khẩu từ thị trường nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc- thị trường cung ứng trên 80-90% lượng phân bón nhập khẩu cho Việt Nam. Cho nên, 2 năm trở lại đây, từ khi nguồn phân bón sản xuất trong nước gia tăng, nhất là đối với mặt hàng phân Urê, giá phân bón vào vụ Đông Xuân đã tương đối bình ổn hơn.
Tuy nhiên, do năng lực sản xuất trong nước chưa đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các loại phân bón khác như SA, Kali và một phần DAP nên hiện cả nước vẫn nhập khẩu khoảng 2,3 triệu tấn phân bón chủ yếu là 3 loại trên để phục vụ cho sản xuất nông nghiệp.
Thật giả lẫn lộn
Về cơ bản, thị trường phân bón vẫn đảm bảo đủ phục vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần quan trọng vào việc tăng năng suất, sản lượng lúa và các loại cây trồng khác. Mặc dù khả năng sản xuất khá lớn như vậy, nhưng tình hình phân bón giả vẫn còn diễn biến phức tạp và đáng báo động.
Phân bón chưa được quy định là mặt hàng sản xuất, kinh doanh có điều kiện có giấy chứng nhận hoặc giấy phép. Do vậy, nhiều cơ sở nhỏ lẻ chưa có đủ các điều kiện cần thiết, chất lượng sản phẩm kém vẫn có thể tham gia sản xuất, kinh doanh. Hậu quả là tình trạng sản xuất, kinh doanh phân bón giả, phân bón kém chất lượng đang trở thành vấn đề nhức nhối, ảnh hưởng đến quyền lợi của bà con nông dân.
Ông Đỗ Thanh Lam- Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)- cảnh báo, tình trạng sản xuất, đóng gói phân bón giả hiện nay rất tinh vi, có tính chất chuyên nghiệp, liên tỉnh, liên vùng; bán lẫn hàng thật với hàng giả, hàng kém chất lượng với hàng chất lượng, nhãn mác, áp dụng khuyến mãi, giá rẻ, bán trả sau… cho các cửa hàng nhỏ, lẻ ở vùng nông thôn xa trung tâm đô thị, điều kiện dân trí còn thấp, vùng sâu, vùng xa…
Năm 2012, Cục đã xử lý 1.132 vụ liên quan đến chất lượng, giả nhãn hiệu. Các vi phạm chủ yếu là giả nhãn mác của công ty lớn, giá niêm yết… hầu hết doanh nghiệp vi phạm là cơ sở nhỏ, thiết bị sản xuất thô sơ, công ty tư nhân không đăng ký sản xuất, kinh doanh phân bón, cá nhân, hộ kinh doanh cá thể không được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Một số hộ nông dân mua phân bón với số lượng khá lớn trong đó có cả phân bón giả, kém chất lượng rồi trực tiếp bán lại cho người dân xung quanh. Đối tượng này rất khó kiểm soát, rất khó khăn cho công tác kiểm tra.
Do đó ông Lam cho rằng, cần phải siết chặt kiểm tra, giám sát các cơ sở nhỏ này, cũng như sớm ban hành Nghị định quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Đưa phân bón vào mặt hàng kinh doanh có điều kiện
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai đúng tiến độ của các Dự án sản xuất phân bón vô cơ khác theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2015, cơ bản các loại phân bón vô cơ sẽ được chủ động nguồn cung. “Cần tăng cường kiểm soát chất lượng phân bón lưu thông trên thị trường, kiểm soát hoạt động sản xuất phân bón; nên đưa mặt hàng phân bón vào diện mặt hàng kinh doanh có điều kiện”- Thứ trưởng Thoa nhấn mạnh.
Do sản xuất phân bón kéo dài cả năm nhưng tiêu dùng chỉ tập trung vào một số thời điểm mùa vụ nên mặc dù tổng nguồn cung đáp ứng đủ tổng nhu cầu nhưng thị trường vẫn dễ xảy ra mất cân đối cung cầu cục bộ vào giai đoạn mùa vụ cao điểm. Vì vậy, Thứ trưởng cũng yêu cầu tập trung vào điều tiết cân đối cung cầu phân bón thông qua cơ chế dự trữ lưu thông phân bón.
Theo quy định tại Luật Giá bắt đầu có hiệu lực từ 1/1/2013, chỉ các mặt hàng phân bón urê và NPK thuộc danh mục bình ổn giá, khác với trước đây theo quy định tại Pháp lệnh Giá tất cả các mặt hàng phân bón hóa học đều thuộc diện bình ổn giá.
Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đề nghị: “Bộ Tài chính khẩn trương ban hành Nghị định, Thông tư hướng dẫn Luật giá; xây dựng chính sách thuế xuất nhập khẩu linh hoạt để điều tiết hoạt động xuất nhập khẩu phân bón; phối hợp với Bộ Công Thương xây dựng các hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng phân bón nhập khẩu.”
Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa: Khẩn trương xây dựng và ban hành Nghị định quản lý phân bón thay thế Nghị định 113/2003.NĐ-CP ngày 7/10/2003 và Nghị định số 191/2007/NĐ-CP ngày 31/12/2007 về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón cho phù hợp với tình hình hiện nay. Nhanh chóng sửa đổi bổ sung Nghị định số 15/2010/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Ông Trương Hợp Tác- Cục trồng trọt Bộ Nông nghiệp và PTNT: Hiện nay có 2 bộ cùng tham gia quản lý nhà nước về phân bón gồm Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Công Thương, tuy nhiên chưa phân định rõ Bộ nào chịu trách nhiệm chính thức Chính phủ thống nhất quản lý phân bón. Do vậy, chưa có cơ quan nào thực sự nắm vững các hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón; việc quản lý còn phân tán và có phần chồng chéo. Ông Nguyễn Hồng Vinh- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Phân bón và hóa chất dầu khí: Trong điều kiện cung đã đáp ứng và vượt cầu như hiện nay thì cơ quan quản lý nhà nước cần chủ động điều tiết cung cầu bằng hạn chế hàng nhập khẩu nhất là những mặt hàng thẩm lậu qua biên giới, có giá bán thấp do trốn lậu thuế, đồng thời không được giám sát, kiểm tra về chất lượng. |
Theo Thu Phương