Đừng để thương lái nước ngoài tiếp tục ăn hiếp nông dân
Từ hai năm nay, báo chí đã nói nhiều đến việc thương nhân người nước ngoài có mặt trên khắp đất nước ta thu mua hàng trực tiếp tại cơ sở.
Họ thu mua rất nhiều thứ: thảo dược quý hiếm (cây si, cây
sói rừng ở Cao Bằng, các loại cây thuốc quý ở Bắc Kạn, cây đuôi chồn (cốt toái
bổ), cây lan gấm (thạch tầm), cây sâm bảy lá ở Tây nguyên...), lâm sản ở các tỉnh
có rừng, nhất là ở các tỉnh biên giới; nông sản (dừa ở Bến Tre, khoai lang tím ở
Vĩnh Long, sắn (củ mì) lát và sắn nguyên cây ở Kon Tum, Tây nguyên, thanh long ở
Bình Thuận...);
Thủy sản (tôm ở Cà Mau, Sóc Trăng..., cá cơm tươi và sấy ở
Bình Thuận, Phú Quốc - Kiên Giang, cá mú ở Cam Ranh, Vân Phong - Khánh Hòa...).
Họ còn thu mua từ khoáng sản hiếm đến ớt, lá điều, nhiều loại nấm mọc ở các rừng
đặc dụng ẩm ướt, tắc kè và các động vật cần bảo vệ trong Sách đỏ của VN.
Lượng hàng mà các thương lái thu mua khá nhiều, có mặt hàng
lên đến hàng trăm tấn/ngày. Có mặt hàng họ mua sỉ cả hecta đang trồng như sắn,
từ lá tới rễ, với giá 40.000-80.000 đồng/ha.
Thủ đoạn và ý đồ
Trong thu mua, giai đoạn 1 họ tranh mua bằng “chiêu” nâng
giá, trả tiền mặt và mua tại nơi sản xuất. Sau khi đã chi phối được thị trường,
họ sang giai đoạn 2, tăng dần lượng thu mua và trả thiếu một phần hẹn trả ở lần
thu mua sau. Số tiền họ nợ tăng dần lên. Giai đoạn 3 là tẩu thoát và quỵt nợ.
Ban đầu các thương lái trực tiếp thu mua. Hiện nay họ còn
thu mua thông qua một số doanh nghiệp tại chỗ, hoặc móc nối với người trong nước
đứng ra đăng ký kinh doanh thay cho họ. Bằng cách này, từng bước họ tổ chức mạng
lưới thu mua, chỉ đạo quá trình thu mua và quyết định giá cả thu mua, kể cả “lật
kèo” giảm giá khi thấy hàng đầu nậu thu mua đã khá nhiều.
Một bước phát triển thêm nữa là họ yêu cầu các doanh nghiệp
thu mua giao hàng tại cửa khẩu phía Bắc. Đối với thủy sản đánh bắt, họ hợp đồng
với các tàu đánh cá VN của các tỉnh khác thu mua cho họ từ ngoài khơi.
Bằng cách này họ thúc đẩy xuất khẩu qua đường tiểu ngạch, việc
“lật kèo” càng dễ dàng và ngặt nghèo hơn bởi giá thu mua giảm theo chiều dài
các xe container xếp hàng chờ ở biên giới, các doanh nghiệp VN hầu như hoàn
toàn bị thao túng và chịu phần thiệt.
Khi các thương lái mua cây thuốc từ lá đến rễ, khi họ thu
mua động vật hoang dã trong Sách đỏ, rõ ràng ý đồ sâu xa của họ là tận diệt nguồn
gen quý hiếm của VN.
Khi họ thu mua cây sắn từ lá đến gốc rễ trên diện tích hàng
chục hecta, rõ ràng họ khuyến khích phá rừng, làm cho đất bạc màu nhanh chóng
và tăng nhanh quá trình rửa trôi đất đồi núi. Môi trường bị phá hoại, đời sống
của người dân và sản xuất ở những nơi này càng thêm khó khăn.
Khi họ nâng giá mua cá cơm cao hơn nhiều lần giá mua của các
nhà thùng sản xuất nước mắm; khi họ gom mua với giá từ 110.000-125.000 đồng/kg
tôm loại từ 120-150 con/kg, bất chấp tạp chất hoặc dư lượng thuốc kháng sinh,
thì đó không còn là tranh mua với các doanh nghiệp VN nữa, mà là phá hoại sản
xuất các mặt hàng chủ lực của VN. Bằng cách cắt nguồn nguyên liệu, đánh vào quy
trình nuôi trồng và sản xuất, họ đánh vào sản lượng và chất lượng các mặt hàng
xuất khẩu chủ lực của VN.
Qua việc họ mua cá cơm sấy khô ở Phú Quốc, họ còn phá ngành
du lịch và các bãi biển đẹp có tiếng của đảo này, cùng lúc với phá rừng và hệ
sinh thái ngập nước của đảo.
Đó là chưa kể họ còn “chui” vào nuôi và thu mua tôm cá ở những
nơi rất nhạy cảm về an ninh quốc phòng như Cam Ranh, Vũng Rô, Vân Phong.
Chấn chỉnh quản lý
trước khi quá muộn
Thương lái người nước ngoài, họ là ai? Nhiều thông tin nói rằng
phần lớn họ vào VN qua con đường du lịch và tìm cách ở lại VN, bởi lẽ theo quy
định hiện nay của pháp luật VN, thương nhân nước ngoài không được trực tiếp thu
mua nông, thủy sản tại VN.
Không ai nghĩ rằng họ là những cá nhân vào làm ăn riêng lẻ
và chắc chắn họ không từ một thủ đoạn nào để khai thác mọi sơ hở và khe hở
trong quản lý của VN.
Trước tiên, những mánh khóe thu mua của họ gặp một mảnh đất
thuận lợi. Mặc dù có Bộ Công thương và các bộ khác liên quan, có rất nhiều hiệp
hội, công ty thương mại, xuất nhập khẩu, nhưng thương mại trong nước từ lâu hầu
như bị bỏ ngỏ (về vấn đề này tôi đã chất vấn bộ trưởng Bộ Thương mại tại kỳ họp
thứ 6, Quốc hội khóa X, ngày 31-5-2001), và người nông dân bị chèn ép cả đầu
vào lẫn đầu ra.
Trong tình hình đó, nâng giá, mua tại chỗ, thanh toán bằng
tiền mặt đầy đủ (giai đoạn đầu) cho người bán, cộng với tâm lý của người sản xuất
và của những doanh nghiệp VN, vô tình hay hữu ý làm đầu nậu cho họ, ham cái lợi
trước mắt mà không thấy cạm bẫy đang chờ đợi, là những yếu tố cho phép họ rong
ruổi khắp đất nước, sục sạo, lừa gạt gần như “vô tư”.
Thứ đến, quản lý nhà nước của ta tưởng chừng chặt chẽ nhưng
có không ít khe hở. Theo báo chí, Bộ Công thương nói rõ: “Với những thương nhân
không hiện diện thương mại tại VN được đăng ký thực hiện quyền xuất khẩu theo
cam kết phải được Bộ Công thương cấp phép và không được trực tiếp thu mua mà phải
thu mua qua thương nhân VN”. Nếu chỉ có như vậy thì quy định này phải chăng đã
vạch con đường để họ tổ chức mạng lưới thu mua thông qua trung gian đầu nậu người
Việt?
Theo Tổng cục Thủy sản, từ trước đến nay VN chưa từng cấp
phép cho bất kỳ một tàu cá của nước nào vào đánh bắt hợp pháp trên vùng biển nước
ta, và “đến thời điểm này cơ quan hữu trách VN mới chỉ cấp phép cho hai tàu của
TQ được vào vùng biển của VN để vận chuyển thủy sản thu mua từ VN. Giấy phép của
một tàu đã hết hạn và không được gia hạn thêm nên hiện chỉ còn tàu Việt Điện Bạch
đang thực hiện việc này”.
Theo thống kê của Biên phòng Phú Yên, từ năm 2007 đến nay
con tàu này đã có 39 lần với khoảng 314 lượt thuyền viên ra vào Vũng Rô cung cấp
giống và thu mua hải sản. Đã có 643 tấn cá tại Vũng Rô xuất đi nước ngoài bằng
đường biển qua tàu này.
Thật khó giải thích tại sao đi theo đường du lịch mà họ lại
có thể ở lại, đi lại khắp nơi để buôn bán như vậy? Cam Ranh, Vũng Rô là những địa
bàn nhạy cảm về an ninh quốc phòng, tại sao họ có thể ở đó, nuôi, thu mua và xuất
thủy sản được? Công tác quản lý xuất nhập cảnh đã làm gì? Nhiều đại biểu Quốc hội
đã chất vấn như vậy tại kỳ họp tháng 6-2012.
Họ vào thu mua mỗi ngày hàng trăm tấn hàng trị giá nhiều chục
tỉ đồng. Công tác quản lý ngoại tệ, đặc biệt tại các cửa khẩu mà khách du lịch
đi qua, vận hành ra sao? Liệu có nguồn cung ứng tiền Việt cho họ, và liệu tiền
giả có được trà trộn vào không?
Rõ ràng trong quản lý nhà nước của ta không chỉ có khe hở
trong các ngành mà còn có khe hở do thiếu phối hợp giữa các ngành. Ngành công
thương còn rất nhiều việc phải làm để thật sự là sức hút và tạo động lực cho
người dân yên tâm sản xuất.
Sáu năm sau khi gia nhập WTO, nhiều khó khăn đang còn ở phía trước. Nhiều mặt hàng thủy sản của VN luôn bị đe dọa áp thuế bán phá giá, bị trả lại vì có tạp chất và dư lượng thuốc kháng sinh. Trong bối cảnh đó và giữa lúc chúng ta đàm phán việc tham gia Tổ chức Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), giải quyết việc thương lái người nước ngoài đang tìm cách phá hoại nền kinh tế nước ta là một nhiệm vụ không thể trì hoãn và là một bài học quý về quản lý và điều hành đất nước. |
Theo Gs Nguyễn Ngọc Trân