MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đừng “phớt lờ” việc đáp ứng chất lượng nông sản

16-07-2014 - 08:39 AM |

Về lâu dài, chúng ta không thể lờ đi việc đáp ứng các yêu cầu đối với chất lượng nông sản bởi lẽ tiêu thụ nông sản sạch là xu hướng tất yếu của tất cả các nước

Từ bỏ cái lợi trước mắt

Nông sản Việt Nam vốn được đánh giá là phong phú chủng loại, ngon, rẻ… Tuy nhiên, để khẳng định mình trên thị trường thế giới, những lợi thế đó chưa đủ. Điều kiện tối ưu là nông sản Việt Nam phải nâng cao chất lượng sản phẩm.

Trong nhiều năm nay, Trung Quốc vốn là thị trường nhập khẩu nông sản chiếm tỷ trọng lớn của Việt Nam bởi đây là thị trường “dễ tính”, tiêu chuẩn thấp, không có hàng rào kỹ thuật…Tuy nhiên, sự “dễ tính” này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro và ngày càng làm giảm giá trị của hàng nông sản Việt Nam.

Trước thực tế đó, ông Trần Công Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Nông nghiệp Phát triển Nông thôn (IPSARD), khuyến cáo người nông dân không vì cái lợi trước mắt, mà nên tìm tới những mặt hàng nông sản có tính ổn định cao, lâu dài…, và trên hết phải chú trọng tiêu chuẩn chất lượng của sản phẩm. Theo đó, sản xuất không thể tuỳ tiện, làm theo thói quen và thiếu quy hoạch mà cần áp dụng theo các tiêu chuẩn tiên tiến, gia tăng nhiều hơn hàm lượng khoa học công nghệ để tăng chất lượng, độ an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Về lâu dài, chúng ta không thể lờ đi việc đáp ứng các yêu cầu đối với chất lượng nông sản bởi tiêu thụ nông sản sạch là xu hướng tất yếu của tất cả các nước, trong khi Việt Nam đang nằm trong danh sách các nước có hàng nông sản bị trả lại vì không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước châu Âu, Mỹ, Nhật Bản…Chẳng hạn, chè, rau quả, tôm có dư lượng kháng sinh vượt mức cho phép. Đây chính là điểm yếu của chúng ta”, ông Thắng lấy ví dụ.

Lãnh đạo này cũng cho biết thêm, thời gian vừa qua, có thể chính vì những thay đổi trong chính sách nhập khẩu của Trung Quốc mà hoa quả nội có cơ hội tiêu thụ tốt hơn. Và vì thế, vấn đề dư lượng thuốc BVTV hoặc chất bảo quản cũng không còn đáng lo ngại như với các mặt hàng hoa quả nhập qua đường tiểu ngạch từ Trung Quốc về.

Về vấn đề này, ông Đinh Văn Hương, Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam cũng cho biết, do đặc điểm ruộng đất tại Việt Nam là manh mún, nhỏ lẻ, khả năng tích tụ ruộng đất thấp nên nông sản Việt Nam gặp những yếu kém như: chất lượng nông sản, mẫu mã không đồng đều, không ổn định…

“Chúng ta không kiểm soát được các dư lượng hoá chất, thuốc trừ sâu, không đảm bảo an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế, không đảm bảo việc thực hiện các chứng nhận quốc tế cho nông sản như GlobalGap…., công nghệ bảo quản sau thu hoạch cũng rất kém làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm”, ông Hương nhận định.

Người đứng đầu ngành rau quả Việt Nam cũng cho biết thêm rằng, nông sản Việt Nam chưa vượt qua được các hàng rào kỹ thuật, máy chế biến nông sản còn chưa đa dạng, chưa đáp ứng nhu cầu thế giới, công nghệ chế biến còn chưa cao, chưa đủ các chứng nhận quốc tế để có thể bán vào các thị trường khó tính nhưng bền vững.

Ứng dụng khoa học trong bảo quản, chế biến nông sản

Hiện nhiều sản phẩm hoa quả Việt Nam như: bưởi Năm roi, thanh long, dưa hấu, bí ngô, khoai lang…đã bắt đầu xuất hiện ở các siêu thị tại Singapore, Ấn Độ…và sắp tới có thể sẽ có mặt tại thị trường Argentina…

Tuy nhiên, nông dân Việt Nam, những người vốn không quen với các phương tiện hiện đại ngày càng cảm nhận rõ sức ép của việc thiếu kiến thức khoa học, công nghệ và việc chưa tiếp cận được các quy trình chế biến, bảo quản tiên tiến dẫn đến chất lượng, giá trị nông sản thấp. Họ thường xuyên phải lo lắng về đầu ra cho các sản phẩm của mình mỗi khi đến mùa thu hoạch.

Chủ tịch Hiệp hội rau quả Việt Nam - Đinh Văn Hương cho hay, ngoài vấn đề tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, nông sản Việt Nam còn thiều chuyên nghiệp trong khâu bảo quản sau thu hoạch.

Chẳng hạn, vải thiều, xoài dù được mùa nhưng do không có phương pháp bảo quản tốt nên bà con nông dân phải bán gấp trong thời gian ngắn, giá thành hạ…trong khi các nước có phương pháp bảo quản sau thu hoạch rất tốt nên hoa quả của họ để cả tháng không bị hỏng.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Nguyễn Quân cho biết, về lâu dài, Bộ mong muốn có công nghệ bảo quản, chế biến.

Năm 2013, Bộ đã có chương trình hợp tác với Nhật Bản về bảo quản sau thu hoạch các sản phẩm nông nghiệp, trị giá gần 1 triệu USD. Đó là công nghệ CAS của Nhật Bản để sử dụng trong bảo quản những sản phẩm hải sản, nông sản hàng hóa xuất khẩu.

Hải sản và trái cây được bảo quản bằng công nghệ CAS sẽ giữ được chất lượng, độ thơm ngon như vừa mới thu hoạch và thời gian lưu trữ có thể một hay nhiều năm, tùy đối tượng. Đây cũng là công nghệ đã được áp dụng rất hiệu quả tại nhiều doanh nghiệp chế biến và kinh doanh hải sản, nông sản…tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Bộ trưởng cũng cho biết thêm, đối với quả vải, Bộ đang đàm phán với phía Nhật Bản để thâm nhập vào thị trường này.

“Theo quy trình hiện nay, chúng ta phải thí điểm đưa cho họ một sản phẩm mẫu. Sau khi họ chấp nhận chúng ta mới ký được hợp đồng. Ngay cả khi họ đã chấp nhận thì việc đưa một sản phẩm vào một quốc gia có tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm khắt khe như Nhật Bản và các nước châu Âu cũng là vấn đề không dễ dàng. Vì thế, nông dân khu vực trồng vải  phải tổ chức sản xuất lại, phải gieo trồng, chăm bón, thu hoạch theo quy trình trước mắt là VietGap, còn về lâu dài là những tiêu chuẩn quốc tế (Global Gap). Khi đó, quả vải mới có được chất lượng đồng nhất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bộ trưởng nói.

Có thể nói, đích đến của chương trình xây dựng thương hiệu cho nông sản chính là nâng cao chất lượng, sản lượng của các loại nông sản, đưa khoa học công nghệ tiên tiến vào quy trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh, từ đó giúp nâng cao giá trị sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường thế giới./.

Lái Thiêu liêu xiêu trước trái cây ngoại nhập


Theo Quỳnh Anh- Thái Linh

khanhnt

Toquoc.gov

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên