Được gì nếu chung “bao gạo” ASEAN?
Liên minh gạo ASEAN với thương hiệu chung là giải pháp đảm bảo giá trị cao cho hạt gạo, mở rộng thị trường cùng nguồn cung ổn định, lâu dài.
- 23-05-2013Mỹ “mừng thầm” vì gạo Trung Quốc nhiễm độc
- 22-05-2013Cơ hội lớn cho ngành lúa gạo Đông Nam Á
- 21-05-2013Thương lái Trung Quốc gian lận trong nhập khẩu gạo Việt
Các doanh nghiệp (DN) và nông dân sản xuất, xuất khẩu gạo các nước trong khối ASEAN đã bày tỏ lo ngại về những bất lợi khi ra đời liên minh lúa gạo. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì một khi gia nhập liên minh là phải tuân theo nguyên tắc chung để tối đa hóa lợi ích cho tất cả thành viên, không có chuyện liên minh lập ra chỉ để một, hai nước hưởng lợi.
Việt Nam sợ… bán
gạo giá cao
Mới đây, một vị lãnh đạo Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết Thái Lan tiếp tục tổ chức họp mời các nước Myanmar, Campuchia, Lào và Việt Nam bàn về việc thành lập liên minh lúa gạo năm nước. Quan điểm của Việt Nam là xem xét, nghiên cứu lợi ích lẫn hạn chế khi tham gia rồi mới quyết định.
Đáng lưu ý theo vị này thì cần phải cẩn trọng khi Thái Lan đứng ra làm “chủ xị”. Bởi nước này đang “ôm” gần 20 triệu tấn gạo chưa bán được vì mua trợ giá cho nông dân với mức cao, giờ bán giá cao không ai mua. Trong khi đó, Myanmar, Campuchia, Việt Nam đều đang bán giá gạo thấp, nhất là gạo thơm, loại gạo Thái Lan khó cạnh tranh. Vì vậy, lập liên minh có thể là cách Thái Lan kêu gọi đồng minh cùng nâng giá xuất khẩu gạo, qua đó bán hàng tồn kho.
“Nếu tham gia liên minh các nước sẽ định ra một giá xuất khẩu chung, mục đích là nâng giá bán. Điều nay chỉ có lợi cho Thái Lan còn Việt Nam sẽ “chết” vì không bán được hàng. Vì vậy, DN Việt Nam tiếp tục bán giá theo thị trường để giải phóng lúa hàng hóa trong nước, liên minh xem xét sau” - vị lãnh đạo này lo ngại.
Đồng quan điểm, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát, cho rằng Việt Nam, Myanmar đang bán gạo giá thấp còn khó có ai mua, nếu “nghe” lời Thái Lan rủ vào cuộc chơi liên minh bán giá cao thì gạo tồn kho chắc… chất đống hơn.
“Đồng ý liên minh để tăng giá bán là mong muốn của nhiều DN xuất khẩu các nước trong khối chứ không riêng gì Việt Nam nhưng bài toán sản lượng sẽ ra sao? Chỉ tính riêng năm nước Việt Nam, Thái Lan, Lào, Campuchia và Myanmar, mỗi năm có thể xuất khẩu trên dưới 20 triệu tấn gạo, giá xuất khẩu mà đi lên bán được có 10 triệu tấn/năm. Làm sao tiêu thụ hết 10 triệu tấn còn lại? Buôn có bạn, bán có phường nhưng cần lường hậu quả trước khi quyết định tham gia liên minh” - ông Tuấn chia sẻ.
Ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch VFA, cho hay Myanmar, Campuchia cũng trả lời “nước đôi” với Thái Lan rằng sẽ xem xét việc tham gia liên minh.
Lợi nhiều hơn hại
Trái với quan điểm của các DN, nhiều chuyên gia lại ủng hộ chủ trương thành lập liên minh năm nước xuất khẩu gạo.
GS Võ Tòng Xuân bày tỏ: “Thái Lan khởi xướng việc này với các đề nghị như thống nhất quy chuẩn gạo ASEAN, phân khúc thị trường và thành lập liên đoàn các nhà xay xát xuất khẩu gạo. Tôi nghĩ ý định của họ là tập hợp các nước nhằm đưa ra kế hoạch đảm bảo cân đối cung cầu trên thị trường gạo thế giới. Đây là cách làm hay, Việt Nam “sợ” chẳng qua vì không muốn mất đi lợi ích trước mắt”.
“Còn nếu ngồi chờ xem mấy nước kia có tham gia hay không, chờ thời thế chẳng ai dám kêu gọi Việt Nam liên minh. Không mạnh dạn liên kết thì DN Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn lớn nhất vì giá thấp. Trong khi Myanmar, Campuchia sẽ tiếp tục giảm giá, Ấn Độ vẫn có thị trường nhờ lợi thế cước vận chuyển và Thái Lan vẫn “sống” được nhờ gạo thương hiệu và bảo trợ của chính phủ” - ông phân tích thêm.
Vẫn theo GS Xuân, cái lợi khi tham gia liên minh trước hết là thương hiệu, khi có thương hiệu gạo ASEAN có thể thay đổi thói quen sử dụng gạo của người tiêu dùng. Nhiều nước sẽ sử dụng gạo trong bữa ăn thay cho lúa mì, ngô… Khi đó thị trường xuất khẩu rộng mở hơn và giá chắc chắn sẽ đi lên. Thương hiệu chung còn giúp ASEAN dễ dàng phân khúc thị trường xuất khẩu gạo, tránh sự chồng chéo, va chạm không cần thiết. Các nước lại có thể hỗ trợ lẫn nhau trong việc chuyển đổi công nghệ sản xuất, chế biến gạo.
Và tất nhiên, một mô hình liên minh lúa gạo vì thương hiệu sẽ nhận được sự đồng thuận của thế giới vì liên minh này góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho rất nhiều quốc gia.
Tương tự, ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, cũng nói cái được của liên minh lúa gạo là sự ổn định kế hoạch sản xuất. Tức là nếu ta tham gia liên minh thì nông dân có thể biết một năm sản xuất, xuất khẩu bao nhiêu gạo. Nếu Việt Nam không chấp nhận cạnh tranh mà chỉ trông chờ vào thắng lợi từ may rủi thì sẽ không tiến lên được. Myanmar có diện tích đất sản xuất lớn, Việt Nam mạnh về phân phối, Thái Lan mạnh về giống lúa và tiếp thị thương hiệu, Campuchia cùng Lào đang muốn trao đổi công nghệ. Liên minh lại sẽ phát huy được thế mạnh của từng nước, tạo thế mạnh chung dẫn dắt thị trường gạo xuất khẩu.
Không liên minh, “ngư ông” Trung Quốc sẽ “đắc lợi” Các nước xuất khẩu gạo trong ASEAN chưa đồng lòng liên minh vì còn vướng vào bài toán lợi ích Trung Quốc. Trung Quốc đang lợi dụng cả Myanmar, Campuchia và Việt Nam để duy trì thế mua giá gạo thấp để hưởng lợi. Không chỉ vậy, Thái Lan sau một thời gian không thuyết phục được các nước vào liên minh, trước áp lực gạo tồn kho quá lớn họ cũng dính vào “cạm bẫy” Trung Quốc giăng, bắt đầu hợp tác chịu bán gạo số lượng lớn, giá rẻ. DN xuất khẩu gạo các nước ASEAN đang chuyển sang “đấu đá” nhau để tranh giành thị trường Trung Quốc, đúng như ý định của họ. Gs Võ Xuân Tòng
Theo Quang Huy