MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Được mùa, vẫn ồ ạt nhập ngô

04-09-2013 - 07:39 AM |

Các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi (TACN) đang ồ ạt ký kết hợp đồng nhập khẩu ngô khiến cho ngô trồng trong nước có nguy cơ rớt giá bởi năm nay nhiều địa phương được mùa.

Tăng nhập khẩu vì giá rẻ

Ông Mai Văn Chung - Giám đốc thu mua của Công ty TNHH Japfa Comfeed Việt Nam cho biết: “Chúng tôi vừa ký đơn hàng nhập 80.000 tấn ngô, dự kiến về đến nhà máy vào tháng 10 (từ Argentina về Việt Nam mất 45 ngày). Lượng nguyên liệu này đủ để sản xuất đến hết tháng 3.2014”. 

Theo ông Chung, bình quân mỗi tháng, Japfa cần 16.000 - 17.000 tấn ngô. Thông thường, nhu cầu cho sản xuất đến đâu thì doanh nghiệp (DN) nhập đến đấy, sở dĩ Japfa nhập nhiều vào thời điểm này là vì giá ngô ở châu Mỹ quá rẻ. Hồi tháng 6.2013, giá ngô nhập từ Argentina, Brazil là 310 - 320 USD/tấn (giá CIF về đến cảng Hải Phòng), nhưng hiện chỉ còn 245 - 250 USD/tấn. Cộng toàn bộ chi phí phát sinh về đến nhà máy thì giá ngô là 6.000 đồng/kg, trong khi giá ngô hạt khô tại Sơn La hiện là 6.200 đồng/kg, độ ẩm lại không đảm bảo. 

Ông Chung chia sẻ: Ngô nguyên liệu trong nước năm nào cũng thiếu, thường thì các nhà máy sẽ tính toán đến cuối vụ thiếu bao nhiêu mới nhập (khoảng tháng 1 - 2), nhưng năm nay, các DN nhập ngô ồ ạt vào đúng mùa thu hoạch nên sẽ được lợi về giá. 

Cũng theo ông Chung, DN thích ngô nhập khẩu là vì ngô được sấy khô đến mức tối ưu, độ ẩm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật 14-15%. Còn trong nước, ngô thu hoạch đầu mùa có độ ẩm 30%, đến lúc rộ nhất độ ẩm cũng còn 23-25%, do hầu hết nông dân trồng ngô không có kinh nghiệm bảo quản, chủ yếu dự trữ tại các lán, trong góc nhà nên tỷ lệ mốc, mối mọt rất cao. 

Đó là chưa kể, việc thu mua ngô từ nông dân đến nhà máy chế biến phải qua tay nhiều thương lái, cùng với chi phí vận chuyển từ miền núi về xuôi rất lớn. Mặt khác, ngô trước khi giao cho các nhà máy chế biến phải sấy khô, trọng lượng chỉ còn 2/3, vì thế, nếu thu mua từ nông dân với giá 5 triệu đồng/tấn thì khi về đến nhà máy, giá thành sẽ lên tới 6,7 triệu đồng/tấn. 

Ông Vũ Hồng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam cũng cho biết, các công ty chế biến TACN lớn không thể mua ngô trực tiếp từ nông dân, vì mỗi lô nguyên liệu nhập vào lên tới hàng chục nghìn tấn, DN không có nhân lực để thu gom từ từng hộ. Ngoài ra, khi thu mua trực tiếp từ nông dân, sẽ không có hóa đơn VAT, DN khó quyết toán thuế. Vì vậy, bắt buộc DN phải mua từ các đại lý. Thời điểm này, nếu mua ngô từ đại lý, hóa đơn đầy đủ thì giá về đến nhà máy cũng đã gần 7 triệu đồng/tấn. 

Được mùa, nguy cơ rớt giá

Tại nhiều tỉnh miền núi phía Bắc như Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, ngô đã trở thành cây chủ lực trong xoá đói giảm nghèo. Ông Hà Quyết Nghị - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Sơn La cho biết, tuy năng suất và sản lượng ngô của tỉnh không ngừng tăng lên (hiện đạt khoảng 700.000 tấn), nhưng việc phát triển cây ngô trên địa bàn chưa thật sự bền vững, do thị trường tiêu thụ bấp bênh, phụ thuộc vào khả năng thu mua của các nhà máy chế biến TACN, vì vậy giá ngô cũng lên xuống thất thường. 

“Đầu tháng 8.2013, giá ngô còn ở mức 7.400 đồng/kg, nhưng hiện chỉ còn 6.200 đồng/kg. Đấy là mới đầu vụ thu hoạch, e rằng, với tình trạng các nhà máy chế biến TACN đã nhập gần đủ nguyên liệu cho sản xuất thì năm nay họ sẽ giảm rất lớn lượng ngô thu mua trong nước. Nguy cơ giá ngô giảm trong thời gian tới là rất lớn” - ông Nghị lo lắng nói. 

Ông Lê Bá Lịch - Chủ tịch Hiệp hội TACN Việt Nam cho biết, cả nước có hơn 1 triệu ha ngô, nhưng sản lượng chỉ đạt 4,5 triệu tấn/năm, trong đó chỉ có dưới 40% lượng này (tức khoảng 1,8 triệu tấn) được đưa vào nhà máy sản xuất thức ăn công nghiệp, còn lại, các DN vẫn nhập từ 1-1,8 triệu tấn ngô từ các nước khác.

Theo Chu Khôi

khanhnt

Dân Việt

Trở lên trên