MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo cũng chịu áp lực tồn kho

13-05-2013 - 13:07 PM |

Áp lực lớn nhất đối với các DN hiện nay là giải quyết lượng gạo tồn kho từ chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ Đông Xuân vừa rồi.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK An Giang cho rằng, áp lực lớn nhất đối với các DN hiện nay là giải quyết lượng gạo tồn kho từ chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ Đông Xuân vừa rồi. Bởi nếu không giải quyết được thì vụ hè thu đang cận kề các DN khó có thể đẩy mạnh mua trữ lúa. Điều này chắc chắn khiến giá lúa hè thu xuống thấp và người dân sẽ chịu thiệt vì thương lái tiêu thụ chậm và ép giá.

Đối tác huỷ hợp đồng, ép giá

Ông Huỳnh Minh Huệ - Tổng thư ký Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, lo ngại lớn nhất hiện nay là tình trạng các hợp đồng xuất khẩu (XK) gạo đã ký kết đang bị khách hàng nước ngoài hủy bỏ, đợi giá xuống thấp hơn mới mua trở lại.

Thống kê của VFA trong 4 tháng đầu năm nay, đã có 280.000 tấn gạo bị khách hàng nước ngoài hủy hợp đồng, trong đó khách hàng hủy mạnh nhất là Trung Quốc với 141.000 tấn, châu Phi 52.000 tấn và Philippines 39.000 tấn. Nguyên nhân khiến khách hàng nước ngoài hủy nhiều hợp đồng là do giá gạo trên thị trường quốc tế liên tục sụt giảm.

Đặc biệt, việc Myanmar đẩy mạnh XK gạo với giá rẻ hơn so với gạo cùng loại của Việt Nam cũng khiến cho không ít khách hàng từ Trung Quốc hủy hợp đồng đã ký với DN Việt Nam để chuyển sang mua gạo Myanmar. Hiện giá gạo 5% tấm của Myanmar là 300 USD/tấn, gạo 25% tấm là hơn 200 USD/tấn, thấp hơn nhiều so với gạo cùng loại của Việt Nam.

“Từ đầu năm đến nay, Myanmar đã bán qua đường tiểu ngạch hơn 630.000 tấn gạo cho Trung Quốc với kiểu giao tiền đưa hàng ngay. Nhiều DN Trung Quốc nhân cơ hội này ép giá và DN Việt Nam buộc phải bán giá thấp cho họ vì nhu cầu từ các thị trường khác rất ít”, ông Huỳnh Minh Huệ cho biết.

Giá gạo XK của Việt Nam cũng tụt giảm mạnh. Cụ thể tính đến cuối tuần qua gạo 5% tấm của Việt Nam có giá 375-385 USD/tấn, gạo 25% tấm dao động ở mức 355-365 USD/tấn; giảm mạnh từ 10%-20% so với cùng kỳ năm 2012.

Ông Nguyễn Văn Tiến - Tổng giám đốc Công ty cổ phần XNK An Giang cho rằng, áp lực lớn nhất đối với các DN hiện nay là giải quyết lượng gạo tồn kho từ chương trình mua tạm trữ 1 triệu tấn gạo trong vụ Đông Xuân vừa rồi. Bởi nếu không giải quyết được thì vụ hè thu đang cận kề các DN khó có thể đẩy mạnh mua trữ lúa. Điều này chắc chắn khiến giá lúa hè thu xuống thấp và người dân sẽ chịu thiệt vì thương lái tiêu thụ chậm và ép giá.

Tuy nhiên, theo ông Tiến với giá gạo XK hiện nay (chỉ còn 380 USD/tấn với gạo 5% tấm và 355 USD/tấn với gạo 25% tấm) thì nếu bán ra DN sẽ cầm chắc lỗ vốn vì thời điểm tháng 2/2013 nhiều DN đã phải mua vào với giá 385 USD/tấn (với gạo 5% tấm).

Đẩy tạm trữ về tỉnh

Theo thống kê của Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến đầu tháng 5 các tỉnh ĐBSCL đã xuống giống được khoảng 1,2 triệu ha/1,68 triệu ha lúa hè thu. Những nơi xuống giống sớm như Đồng Tháp, Sóc Trăng, Long An, Kiên Giang… đang bắt đầu thu hoạch khoảng 100.000 ha lúa hè thu trà sớm. Như vậy, phải đến khoảng trung tuần tháng 6/2013 lúa hè thu ở ĐBSCL mới bước vào thời điểm thu hoạch rộ.

Ghi nhận tại các địa phương sản xuất lúa trọng điểm cho thấy, giá thu mua lúa nguyên liệu những tuần qua đã có dấu hiệu chững lại và có xu hướng đi xuống.

Cụ thể nếu như cuối tháng 3, đầu tháng 4 giá lúa khô loại thường được thương lái mua phổ biến ở mức 5.200-5.400 đồng/kg, lúa hạt dài dao động khoảng 5.400-5.600 đồng/kg thì vào đầu tháng 5/2013 giá lúa đã giảm xuống mức 4.950 – 5.050 đồng/kg (lúa thường) và 5.150 – 5.250 đồng/kg (lúa hạt dài). Chưa kể, ở một số địa phương thuộc vùng trũng (Đồng Tháp, Long An) đã bắt đầu thu hoạch và bán lúa ướt với giá dưới 5.000 đồng/kg.

Ông Võ Văn Đức, một nông dân trồng lúa ở xã Mỹ Quý, huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) cho biết, vụ hè thu này năng suất cao nhất khoảng 6 tấn/ha, trong khi giá lúa tươi hạt dài hiện nay chỉ 4.500 đồng/kg, lúa tươi loại thường khoảng 4.200 - 4.300 đồng/kg… “Nếu tính tất cả các khoản đầu tư như giống, phân, thuốc trừ sâu, xăng dầu và nhân công thì nông dân lời không đáng kể”, ông Đức nói.

Để giải bài toán tiêu thụ lúa hè thu, theo VFA, ngoài nỗ lực cố gắng khai thác mở rộng thị trường và giải quyết tồn kho, chủ trương mua tạm trữ lúa hè thu cũng đã được tính đến. Tuy nhiên, khác với mọi năm, trong đợt mua tạm trữ này, ngay cả các DN lớn thành viên của VFA cũng không mặn mà. Vì thế, VFA đã thống nhất sẽ kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thực hiện thu mua tạm trữ lúa từ vụ hè thu năm nay.

Việc VFA thống nhất “đẩy” việc mua trữ lúa cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương thoạt nhìn thì có vẻ đáp ứng mong muốn của các tỉnh ĐBSCL sau những tranh cãi về hiệu quả chính sách tạm trữ lúa gạo trong những lần trước.

Tuy nhiên, động thái này của VFA sẽ khiến các tỉnh trồng lúa trọng điểm ở phía Nam rơi vào tình trạng lúng túng và lo lắng. Vì thực tế chỉ còn hơn một tháng nữa là vào vụ thu hoạch rộ lúa hè thu. Nếu chính sách mua tạm trữ triển khai chậm ngày nào thì người nông dân sẽ thiệt ngày đó bởi tỷ lệ lúa hè thu được sấy ở ĐBSCL chỉ khoảng 30% - 40%.

“Chắc chắn hầu hết nông dân sẽ phải bán lúa ướt với giá thấp cho thương lái ngay tại ruộng để giảm thiệt hại khi thu hoạch đúng vào đợt mưa bão. Thêm vào đó, với việc gieo sạ trên 30% diện tích lúa IR 50404 (loại lúa làm ra gạo phẩm cấp thấp-PV) ở nhiều địa phương thì khả năng giá lúa xuống dưới mức 4.000 đồng/kg là hoàn toàn có thể xảy ra khi các tỉnh ĐBSCL vào thu hoạch rộ”, ông Phan Thanh Xuân - Phó phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, huyện Tân Hồng, Đồng Tháp nói.

Theo thống kê của VFA, tính đến thời điểm cuối tháng 4/2013 các DN thành viên của VFA đang tồn kho khoảng gần 2 triệu tấn gạo. Mặc dù đến thời điểm này lượng gạo đã ký hợp đồng XK đạt khoảng 4,4 triệu tấn, trong đó khoảng 2 triệu tấn sẽ giao hàng từ tháng 5 trở đi.

Theo Thạch Bình

khanhnt

Thời báo ngân hàng

Trở lên trên