MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Gạo Việt Nam không đáng bị bán rẻ

02-10-2013 - 15:41 PM |

Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích, gạo Việt Nam không đáng bị bán rẻ bởi như Thái Lan dù không hạ giá họ vẫn xuất khẩu được, trong khi Việt Nam chúng ta chỉ “nghe” đã lo hạ giá.

Doanh nghiệp mua càng rẻ càng lãi cao

Phân tích về những bất cập trong chương trình thu mua tạm trữ lúa gạo Chính phủ đang thực hiện với mục tiêu nông dân được lãi ít nhất 30%, TS. Lê Văn Bảnh- Viện trưởng Viện lúa đồng bằng sông Cửu Long (Bộ NN&PTNT) cho rằng, trước tiên phải khẳng định chương trình này là chủ trương rất đúng đắn, nếu thu mua đúng thời điểm, giá lúa nhích lên bà con nông dân được hưởng lợi, ít ra không được lãi 30% như định hướng của Chính phủ nhưng cũng phải có. Tuy nhiên, khi thực hiện còn nhiều bất cập.

Thứ nhất, thời điểm thu mua, vì ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) hầu như thu hoạch lúa quanh năm, việc thu hoạch không cùng thời điểm ở các địa phương. Trong khi chương trình thu mua chỉ tính bình quân, nên có nơi thu hoạch đúng thời điểm thực hiện chương trình thì nông dân được, còn thu hoạch trước hoặc sau đó thì không được gì.

Thứ hai, việc giao cho DN thu mua trong khoảng 1 tháng, với số lượng 1 triệu tấn gạo (tương đương 2 triệu tấn thóc), trong khi ở ĐBSCL vụ Hè Thu sản lượng khoảng 9 triệu tấn thóc, Đông Xuân khoảng 11 triệu, nên số lượng tạm trữ không đáng bao nhiêu so với sản lượng thu hoạch. Khi chính vụ thu hoạch, lượng lúa nhiều đáng lẽ DN phải thu mua tạm trữ ngay, nhưng thực tế họ chỉ mua dần dần, vì đầu ra chưa có, kho trữ có vấn đề và đặc biệt là để giá lúa không tăng quá cao. Vì vậy, nhiều bà con không đợi được, họ cần vốn để sản xuất tiếp nên chấp nhận bán giá thấp.

Thứ ba, Nhà nước chỉ hỗ trợ lãi suất vay, còn để DN lời ăn, lỗ chịu, nên DN phải đắn đo, tính toán. Thành ra họ chỉ mua “từ từ” để giá lên chậm, mua được gạo giá rẻ, giá càng tăng chậm thì DN càng lãi. DN đâu quan tâm người dân lãi bao nhiêu, chỉ đảm bảo mục tiêu kinh doanh có lãi của mình, làm sao mua càng rẻ lãi càng cao.

Thứ tư, việc Nhà nước trao hết quyền phân phối chỉ tiêu xuất khẩu lúa gạo cho Hiệp hội Lương thực (VFA) khiến người dân và chính quyền địa phương bức xúc, vì VFA không phối hợp với địa phương, phân chỉ tiêu XK cho các thành viên không căn cứ thực tế, tỉnh ít lúa được phân nhiều, tỉnh nhiều lúa lại nhận được số lượng XK ít, nên chưa có công bằng.

Còn theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đình Bích, không cần so với Thái Lan vì gạo Việt Nam chưa bao giờ cao hơn Thái Lan, mà so với Ấn Độ, Pakistan thì gạo Việt Nam từ xưa không rẻ hơn họ, vậy mà vẫn XK lớn.

“Năm nay, tự nhiên gạo Việt Nam bị kéo xuống thấp hơn các nước này tới 70 USD/tấn là điều rất vô lý. Gạo Việt Nam không đáng phải bị bán rẻ như thế, cá nhân tôi cho đây là chính sách không đúng”, ông Bích nói.

“Thiệt” đâu nông dân chịu

Nhiều ý kiến chuyên gia cho biết có tình trạng độc quyền trong XK, khi các công ty XK đều thuộc Tổng công ty Lương thực miền Nam hoặc miền Bắc, nên không có sự cạnh tranh trong thu mua lúa gạo, mà cùng ép giá nông dân. Theo quan điểm của TS. Lê Văn Bảnh, XK gạo hiện nay của Việt Nam đang đi ngược chiều thế giới, các nước họ cạnh tranh giá cao với chất lượng gạo tốt, nhưng DN của Việt Nam lại đi cạnh tranh giá rẻ, chất lượng thấp. Dù sao DN vẫn không lỗ, vì bán thấp thì mua thấp, thiệt đâu nông dân chịu.

“Muốn hiệu quả, các bên cùng có lợi thì DN phải tham gia quá trình sản xuất, đặt hàng người nông dân, nhà khoa học theo tiêu chuẩn của khách hàng… nhưng hiện nay DN chỉ là đơn vị thu gom và XK, người nông dân thích trồng gì cứ trồng, DN thu mua rồi trộn lẫn với nhau bán giá thấp, miễn sao có lãi”, ông Bảnh nói.

Theo ông Phan Kim Sa - Phó Giám đốc Sở Công Thương Ðồng Tháp, việc thu mua tạm trữ hiện còn nhiều bất hợp lý. Trước đây các tỉnh vùng ÐBSCL đã từng đấu tranh việc lấy bình quân thời điểm thu hoạch toàn vùng áp cho tất cả các tỉnh, vì các tỉnh vùng đầu nguồn để né lũ buộc phải xuống giống sớm. VFA nói phân cho những DN có năng lực, bảo đảm tiêu thụ được nhưng thực tế có một số DN không đủ năng lực nhưng vẫn được giao chỉ tiêu mua tạm trữ... 

Đúng ra, khi phân công DN chỉ tiêu thu mua thì ít ra phải xem DN đó có hợp đồng hay không rồi mới phân công chỉ tiêu, đằng này có DN không có hợp đồng vẫn được giao chỉ tiêu, trong khi DN có hợp đồng lại không được giao. Dạng phân bổ “ưu tiên” như thế có nên đặt vấn đề lợi ích nhóm?

Thực tế nhiều năm qua, tại An Giang cũng như hầu hết các tỉnh khu vực ÐBSCL, vấn đề giá lúa trồi sụt bất thường tưởng chừng không có quy luật cụ thể nhưng thực tế đều nằm trong tầm kiểm soát của các DN lớn. “Ai dám bảo đảm số liệu chính xác khi nó liên quan trực tiếp đến yếu tố kinh doanh, cạnh tranh lẫn nhau của các DN. Chưa có chế tài cụ thể thì chưa thể nào kiểm soát nổi việc thu mua tạm trữ lúa gạo hay bất kỳ mặt hàng nào khác”, ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang bức xúc.

Theo An Nhiên

khanhnt

Báo hải quan

Trở lên trên