Giá cà phê lên xuống thất thường
Giá cà phê trong nước dịp gần đây lên xuống thất thường, khiến cả nông dân lẫn DN bối rối, không biết đường nào mà mua bán.
Nhìn ra những thị trường kỳ hạn trên thế giới, giá cà phê cũng “nhảy múa” loạn xạ không kém.
Những ngày đầu và giữa tháng 5 này, nói tới giá cà phê trong nước, nhiều đại lý, nông dân chỉ biết cười trừ, bởi giá lên xuống thất thường quá, chẳng biết đường nào mà lần. Những ngày đầu tháng, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên nằm ở mức 41.600-41.800 đ/kg.
Đến ngày 9/5, sau nhiều lần giảm giá trước đó, giá cà phê nhân xô chỉ còn 40.500- 40.800 đ/kg. Vài ngày sau đó, giá cà phê tăng nhẹ 100-200 đ/kg, thì tới ngày 13/5, cà phê nhân xô lại mất giá tới 600 đ/kg, xuống còn 39.800-40.200 đ/kg. Đến ngày 15/5, giá cà phê nhân xô ở Tây Nguyên tăng mạnh 1.000 đ/kg lên mức 40.800-41.200 đ/kg.
Cũng trong dịp gần đây, có thời điểm giá cà phê nhân xô lên tới 41.500 đ/kg. Nhưng theo thông tin từ ông Nguyễn Quang Bình (GĐ Cty CTI), giá cà phê nhân xô lại quay đầu giảm mạnh xuống còn 39.700 đ kg vào sáng ngày 20/5.
Anh Nguyễn Tâm, chủ một DN cà phê ở Đà Lạt, than: “Giá cà phê lên xuống bất thường quá, chẳng theo một quy luật nào cả, khiến cho nông dân lẫn DN đều hoang mang. Nông dân thì không đoán định được giá ngày mai như thế nào để có thể quyết định nên bán ra hay tiếp tục giữ lại.
Còn DN cũng không thể tính được xu hướng giá cả để quyết định nên mua vào hay chưa. Thị trường cà phê đã từng có nhiều lúc lên xuống bất thường, nhưng có lẽ chưa bao giờ giá cả lại bị mất phương hướng như hiện giờ”.
Trên thị trường cà phê thế giới, giá cà phê cũng tăng giảm liên tục một cách chóng mặt. Tại sàn giao dịch London, nếu như trong phiên giao dịch ngày 11/5, giá cà phê Rubosta giảm, thì sang phiên giao dịch ngày 12/5, giá cà phê Robusta lại tăng.
Cụ thể, kỳ hạn giao tháng 7 tăng 37 USD/tấn lên mức 2.130 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9 cũng tăng 37 USD/tấn lên mức 2.145 USD/tấn. Thế nhưng sang ngày 13/5, cũng trên sàn giao dịch này, giá cá phê Robusta lại quay đầu giảm mạnh: Kỳ hạn giao tháng 7 giảm 32 USD/tấn xuống còn 2.098 USD/tấn, kỳ hạn giao tháng 9 cũng giảm 32 USD/tấn xuống còn 2.113 USD/tấn.
Theo nhận định của một số chuyên gia cà phê, trong bối cảnh hiện nay, các DN cần bình tĩnh, cẩn thận, mua đầu này bán đầu kia phải rõ ràng và đảm bảo về mặt chất lượng … Có như vậy mới có thể giảm thiểu được những rủi ro khi mua bán, XK cà phê. |
Tại thị trường New York, giá cà phê Aribica cũng liên tục đảo chiều nay giảm, mai tăng, với mức tăng hay giảm đều đáng kể. Khi đóng cửa phiên giao dịch ngày 18/5, giá cà phê Robusta ở thị trường London tăng 39 USD/tấn lên mức 2.531 USD/tấn (kỳ hạn tháng 7).
Theo ông Nguyễn Quang Bình, giá cà phê nội địa cũng như trên thị trường thế giới liên tục tăng giảm bất thường trong thời gian qua, chủ yếu do giới đầu cơ. Hiện nay, giới đầu cơ quốc tế đang nắm trong tay một lượng cà phê không nhỏ.
Tại sàn giao dịch New York, giới đầu cơ đang giữ khoảng 150 ngàn tấn cà phê Arabica, trị giá khoảng 615 triệu USD.
Ở sàn giao dịch London, giới đầu cơ tuy chỉ đang nắm giữ khoảng trên 33.500 tấn cà phê Robusta, nhưng ở Việt Nam, có khoảng 300 ngàn tấn cà phê Robusta đang nằm trong tay giới đầu cơ với trị giá trên 600 triệu USD. Tổng cộng, giới đầu cơ đang nắm trong tay lượng cà phê Arabica và Robusta với tổng giá trị trên 1,2 tỷ USD.
Với giá trị cà phê nắm trong tay khá lớn như trên, giới đầu cơ đang dùng các thông tin hạn hán nhằm đẩy giá cà phê lúc lên, lúc xuống, khiến cho không ai có thể đoán định được diễn biến chính xác của giá cà phê toàn cầu. Qua đó, giới đầu cơ có thể khống chế được thị trường cà phê thế giới.
Chính vì thị trường cà phê thế giới hiện vẫn đang ở trong tay giới đầu cơ, nên trong thời gian tới, nhiều khả năng giá cà phê trong nước lẫn thế giới vẫn sẽ tiếp tục lên xuống bất thường như thời gian qua. Giá cà phê nội địa có thể nay lên vài chục hay vài trăm đ/kg, mai lại giảm vài chục hoặc vài trăm đ/kg. Giá cà phê tại các sàn giao dịch cũng có thể sẽ lại tiếp diễn cảnh nay tăng vài chục USD/tấn, mai giảm ngay xuống ở mức tương tự.
Theo Sơn Trang